#kỷ nguyên mới

“Xanh hóa logistics”

Phát triển logistics xanh tại Việt Nam còn sơ khai, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Vì vậy, “Xanh hóa logistics”, vẫn còn là một hành trình khá dài hơi…
xanh-hoa-logistics-pld-1675658994.jpg
Lễ ký kết ghi nhớ hợp tác giữa Hiệp hội phát triển nhân lực Logistics Việt Nam, Hiệp hội logistics Hải Phòng, Hiệp hội logistics Hà Nội và Hiệp hội Đại lý môi giới và dịch vụ hàng hải Việt Nam

Câu chuyện chỉ mới bắt đầu…

“Logistics xanh” trở thành một trong những mối quan tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh hoá, phát triển ngành logistics thân thiện với môi trường, gắn với sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo cam kết của Việt Nam tại COP 26. Tuy nhiên phải nhìn nhận một thực tế, câu chuyện này chỉ mới bắt đầu tại Việt Nam.

Theo ông Đinh Hữu Thạnh, Chủ tịch HĐQT công ty CP giao nhận vận tải Con Ong (Bee Logistics) thì thực trạng phát triển logistics xanh tại Việt Nam còn khá sơ khai, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Các biện pháp cụ thể để phát triển logistics xanh ở mỗi doanh nghiệp còn cần thời gian khá dài để có thể biến nó thành hiện thực. Câu chuyện của logistics xanh lúc này là cần tập trung mạnh mẽ vào việc thay đổi nhận thức của các chủ doanh nghiệp về cách thức ứng dụng logistics xanh và vai trò của logistics xanh tới sự phát triển của doanh nghiệp cũng như của nền kinh tế Việt Nam.

Dưới góc độ chuyên gia, PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế phân tích, để phát triển logistics xanh ở giai đoạn đầu tiên chắc chắn không thể có chuyện cắt giảm chi phí mà thậm chí chi phí còn tăng. Và khi chi phí tăng thì đương nhiên lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì vậy sẽ còn còn khá “nhìn ngó”, cân nhắc trong việc phải bỏ ra nhiều tiền để thực hiện chiến lược logistics xanh cho doanh nghiệp của mình.

“Xanh” từ những việc nhỏ…

Ông Đinh Hữu Thạnh chia sẻ, tại Bee Logistics, doanh nghiệp của ông đặt ra mục tiêu là giảm 80% lượng giấy sử dụng thông qua việc ứng dụng các phần mềm lưu trữ trên ICloud. Trong quá trình làm việc với khách hàng, công ty ông đều sử dụng các phương tiện điện tử để giảm việc sử dụng giấy tờ, giảm thời gian tương tác, giảm thời gian vận hành….

Hay như tại Công ty CP dịch vụ cảng Hải Phòng, ông Lê Hồng Cẩm, Giám đốc cho biết, để hướng đến logistics xanh, công ty của ông đã quan tâm đặc biệt đến việc tăng diện tích trồng cây xanh và tạo môi trường xanh tại doanh nghiệp. Một ví dụ nhỏ, nếu như trước đây mỗi lần công ty ông sử dụng container đưa vào kho lạnh phải dùng 60-90 cuộn màng core, thì bây giờ công ty đã đưa những vật liệu thay thế vào và có thể tái sử dụng nhiều lần, hạn chế bớt sử dụng nilon trong công việc.

Theo PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, để phát triển logistics xanh trong giai đoạn đầu, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các “sếu đầu đàn”. Trên thực tế, một số doanh nghiệp lớn đã bắt đầu biết ý thức và áp dụng ít nhiều trong việc phát triển xanh như xây dựng nhà kho tiết kiệm năng lượng, xe ô tô tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải, áp dụng công nghệ tiên tiến…

Hướng đi phù hợp

Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế chia sẻ, trên thế giới có hai cách tiếp cận phổ biến về logistics xanh. Thứ nhất là “Top down” tức là từ trên xuống dưới- nhà nước đưa ra quy định, bắt buộc người dân phải thực hiện. Cách tiếp cận thứ hai là “Bottom up”- tức là từ dưới lên trên. Việt Nam chọn cách kết hợp giữa Top down và Bottom up. Cho nên, Nhà nước phải có quy định, chính sách khuyến khích và doanh nghiệp cũng phải có ý thức thực hiện để có năng lực tốt hơn, có lợi thế so sánh tương đối khi áp dụng xanh.

Được biết, Việt Nam bắt đầu xây dựng nhiều chính sách về phát triển xanh, phát triển bền vững. Quy định gần đây nhất là Quyết định số 876/QĐ-TTg của Chính phủ năm 2022 về Chương trình hành động chuyển đổi ngành năng lượng xanh, giảm khí thải các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải. Trong đó, đưa ra nhiệm vụ trọng tâm để có thể chuyển đổi năng lượng xanh cho các doanh nghiệp logistics, hệ thống giao thông vận tải của Việt Nam.

Để góp phần vào xây dựng chiến lược logistics, trước đó, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã phối hợp với UBND các tỉnh thành tổ chức một chuỗi sự kiện logistics tại nhiều địa phương như Hải Phòng, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh với các chủ đề “Liên kết phát triển dịch vụ logistics Hải Phòng” (23/4/2021), “Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long” (ngày 26/5/2022), “Logistics Việt Nam- Chuyển mình phát triển” (ngày 19/10/2022).

Chuỗi sự kiện đã góp phần là cầu nối các doanh nghiệp hạ tầng logistics Việt Nam cùng giao lưu, chia sẻ giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế; Phát triển logistics thông minh, logistics xanh; Tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối đầu tư với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực logistics, hạ tầng khu công nghiệp, thương mại điện tử, doanh nghiệp xuất nhập khẩu,…