Xem xét điều chỉnh tăng giờ làm thêm, cả năm không vượt quá 300 giờ

27/09/2021 08:46

Theo dõi trên

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2021, sáng ngày 26/9, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung cho biết: Bộ LĐTBXH đang tiến hành tổng hợp ý kiến với đề xuất cho phép điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng với một số ngành nghề lĩnh vực. Điều này nhằm nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh, chống đứt gãy chuỗi cung ứng, nhưng không quá 300 giờ/năm.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, Bộ LĐTBXH được giao 5 nhiệm vụ. Tới thời điểm này, Bộ LĐTBXH đã hoàn thành các nhiệm vụ.

2692021-bai-bo-truong-dao-ngoc-dungban-bt-suadocx-1632667000533-1632706988.jpeg
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị

Cụ thể, ngày 23/9, Bộ LĐTBXH đã có Tờ trình gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ. Theo đó, Bộ đã đề xuất sửa đổi một cách căn cơ những vấn đề vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết, bổ sung một số nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách.

Đặc biệt sửa đổi 2 chính sách liên quan đến người sử dụng lao động là lược bỏ điều kiện quyết toán thuế và những vướng mắc liên quan đến chính sách cho vay trả lương cho người lao động, phục hồi sản xuất và đơn giản hóa điều kiện, thủ tục đối với chính sách hỗ trợ đào tạo từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhiều nhất, thuận tiện và nhanh nhất.

Thông tin tới hội nghị, chỉ trong vòng 4 tháng với tinh thần làm ngày làm đêm, Bộ đã phối hợp với các cơ quan bộ, ngành tham mưu ban hành 2 Nghị quyết về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Đặc biệt, Bộ đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Tài chính tham mưu cho Đảng, Nhà nước, cho Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bất thường ban hành Nghị quyết số 03/NQ-UBTVQH15 và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tổng kinh phí hỗ trợ từ chính sách này là 38 nghìn tỷ đồng, trong đó khoảng 30 nghìn tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, có khoảng hơn 12,8 triệu lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được thụ hưởng, giảm mức đóng từ 1% xuống 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Qua đó, có 386.000 người sử dụng lao động sẽ được giảm đóng với số tiền là trên 8.000 tỷ đồng, bắt đầu triển khai thực hiện từ 01/10/2021. "Phấn đấu trong khoảng một tuần sẽ hoàn thành việc hỗ trợ người sử dụng lao động", Bộ trưởng khẳng định.

daongocdungbold-1632667434041-1632707028.jpg
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tình hình doanh nghiệp tại phía Nam

Trước đó tại Nghị quyết số 68/NQ-CP, Bộ LĐTBXH đã đề xuất thực hiện giảm mức đóng từ 0,5% xuống 0% về đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người sử dụng lao động. Đây là những chính sách chưa từng có tiền lệ, đáp ứng yêu cầu cấp bách và là giải pháp tình thế trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tác động nặng nề lên mọi mặt của đời sống xã hội.

Vướng mắc thứ ba về quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam theo Nghị định số 58/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ LĐTBXH đã ban hành Công văn số 3246/LĐTBXH-VL hướng dẫn với các địa phương để tháo gỡ khó khăn. Đến nay 4 nhóm nội dung có liên quan như cấp phép, thu hồi giấy phép; việc xác nhận trình độ, rút ngắn thời gian xử lý, tiếp nhận chuyên gia và người quản lý và lao động kỹ thuật đều đã được giải quyết.

Riêng việc tiếp nhận trở lại chuyên gia, nhà quản lý, người có trình độ cao cần vào Việt Nam trong thời gian tới, sẽ được xem xét giải quyết một cách phù hợp. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, việc tiếp nhận phải đảm bảo trên cơ sở yêu cầu cao và nhất thiết đáp ứng quy định về phòng chống dịch của Chính phủ.

Về đề xuất tăng giờ làm vượt quy định trong tháng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, phía Bộ đang tiến hành tổng hợp ý kiến của đối tượng tác động, nhất là các hiệp hội, doanh nghiệp để từ đó nghiên cứu, đề xuất theo hướng xem xét, xử lý cá biệt, chỉ nên áp dụng những lĩnh vực, ngành nghề, thực sự cần thiết trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, không áp dụng trên phạm vi tất cả các ngành nghề, lĩnh vực và phạm vi cả nước.

Đồng thời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nêu rõ, vấn đề này thuộc thẩm quyền của Quốc hội, do vậy cần phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Ngoài ra, việc điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng không vượt quá 300 giờ/năm.

Nhiệm vụ cuối cùng trong Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ giao cho Bộ LĐTBXH hướng dẫn Bảo hiểm xã hội đề xuất vấn đề không phạt chậm nộp bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, số tiền dự kiến miễn tiền phạt chậm nộp khoảng 564 tỷ đồng, con số khá thấp, phạm vi tác động chưa thực sự sâu rộng để có thể nghiên cứu, đề xuất và báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi chính sách.

Về đề xuất của một số Hiệp hội, doanh nghiệp xin tiếp tục cho giảm đóng bảo hiểm xã hội hưu trí, tử tuất, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã nêu rõ: Đây là Quỹ tài chính lớn thứ 2 của đất nước, là quỹ dài hạn liên quan đến các nguyên tắc cơ bản của bảo hiểm xã hội, liên quan đến đời sống, lương hưu của hàng chục triệu người đang hưởng và tương lai khi về nghỉ hưu. Bộ trưởng nêu rõ, nhất thiết sẽ nói không với đề xuất này.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cũng đề xuất Chính phủ ưu tiên tối đa tiêm vắc xin cho công nhân, bởi đây là lực lượng quyết định trong việc tăng trưởng kinh tế. Ngay lập tức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng khẳng định Chính phủ thống nhất cao vấn đề này.

 

Bạn đang đọc bài viết "Xem xét điều chỉnh tăng giờ làm thêm, cả năm không vượt quá 300 giờ" tại chuyên mục Pháp luật. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com