Số người lần đầu góp mặt trong danh sách này cũng ở mức kỷ lục, với 493 người. Điều này đồng nghĩa với việc cứ 17 giờ đồng hồ lại có thêm 1 tỷ phú mới trong danh sách của Forbes. 86% các tỷ phú đã trở nên giàu có hơn thời điểm một năm trước.
1. Jeff Bezos
Đây là năm thứ 4 liên tiếp, ông chủ Amazon - Jeff Bezos nắm giữ ngôi vương trong danh sách tỷ phú của Forbes với khối tài sản trị giá 177 tỷ USD, tăng 64 tỷ USD so với năm 2019. Năm vừa qua, nhờ công việc kinh doanh phát đạt của Amazon, cổ phiếu của tập đoàn tăng hơn 60%.
Ông đồng sáng lập Amazon năm 1994 trong một garage ở Seattle và dần đưa công ty này trở thành gã khổng lồ thương mại điện tử. Cuối năm nay, Bezos sẽ từ chức CEO Amazon và trở thành Chủ tịch điều hành, tương tự cách Bill Gates làm ở Microsoft.
2. Elon Musk
Xếp ở vị trí thứ 2 là Elon Musk, người có khối tài sản gia tăng mạnh nhất tính bằng đồng đô la Mỹ. Elon Musk đã nhảy vọt từ vị trí 31 lên vị trí á quân với tổng tài sản 151 tỷ USD, tăng hơn 6 lần so với năm 2020. Nguyên nhân là nhờ sức tăng phi mã của cổ phiếu hãng xe điện Tesla lên tới hơn 700%. Hiện tại, ông nỗ lực cách mạng hóa giao thông trên thế giới (thông qua hãng sản xuất xe điện Tesla) và trên vũ trụ (thông qua SpaceX).
3. Bernard Arnault
Ông chủ tập đoàn hàng xa xỉ LVMH là người giàu thứ 3 thế giới với khối tài sản 150 tỷ USD. Bất chấp đại dịch, Arnault có thêm 75 tỷ USD so với năm ngoái. Bernard Arnault hiện đang sở hữu một đế chế thời trang khổng lồ với hơn 70 thương hiệu, trong đó có những cái tên đình đám như Louis Vuitton, Christian Dior và thương hiệu mỹ phẩm Sephora.… Đầu năm 2021, tỷ phú 72 tuổi này cũng đã thực hiện thành công thương vụ thâu tóm thương hiệu xa xỉ lớn nhất từ trước đến nay khi chi 15,8 tỷ USD mua lại hãng trang sức Tiffany & Co.
4. Bill Gates
Mặc dù đây là lần đầu tiên Bill Gates không có mặt ở top hai người giàu nhất thế giới kể từ năm 2008, nhưng năm nay đánh dấu lần đầu tiên giá trị tài sản của ông vượt qua mốc 100 tỉ USD. Ông hiện sở hữu khối tài sản trị giá 124 tỷ USD, chủ yếu đến từ cổ phiếu Microsoft. Cùng với vợ, tỷ phú này đang điều hành tổ chức từ thiện tư nhân lớn nhất thế giới Bill & Melinda Gates.
5. Mark Zuckerberg
Đứng thứ 5 trong top người giàu nhất hành tinh là ông chủ của mạng xã hội Facebook - Mark Zuckerberg sở hữu khối tài sản trị giá 97 tỷ USD. Trong thời gian giãn cách xã hội vì đại dịch, mạng xã hội Facebook đã trở thành một trong những công cụ liên lạc hữu ích. So với năm ngoái, ông chủ 36 tuổi có thêm 42,3 tỷ USD. Anh cũng là tỷ phú trẻ tuổi nhất trong top 10.
6. Warren Buffett
Huyền thoại đầu tư người Mỹ Warren Buffett rơi 2 bậc trên bảng xếp hạng người giàu. Hiện tại, ông sở hữu khối tài sản trị giá 96 tỷ USD. Đáng chú ý đây là lần đầu tiên sau 2 thập kỷ, Warren Buffett không góp mặt trong Top 5 người giàu nhất thế giới.
Năm ngoái, tỷ phú 90 tuổi thông báo đã xúc tiến cho ngày rời vị trí lãnh đạo Berkshire để nghỉ hưu. Ông cũng cam kết sẽ làm từ thiện hơn 99% tài sản của mình. Đến nay, Buffett đã ủng hộ hơn 41 tỷ USD cho quỹ của Bill Gates và các tổ chức từ thiện cho trẻ em.
7. Larry Ellison
Ellison là Chủ tịch, Giám đốc Công nghệ kiêm đồng sáng lập Oracle – công ty trong lĩnh vực công nghệ. Ellison là nhân vật hàng đầu trong cuộc di cư công nghệ có mục đích ra khỏi Khu vực Vịnh San Francisco đến các điểm nóng mới như Texas và Florida. So với năm ngoái, khối tài sản của tỷ phú Mỹ tăng 34 tỷ USD lên 93 tỷ USD.
8. Larry Page
Page cùng Sergey Brin đồng sáng lập Google năm 1998 sau khi gặp nhau tại Đại học Stanford. Ông hiện sở hữu khối tài sản trị giá 91,5 tỷ USD, tăng 40,6 tỷ USD so với năm ngoái. Page từ chức CEO Alphabet - công ty mẹ Google cuối năm 2019. Tuy nhiên, hiện ông vẫn là thành viên hội đồng quản trị của hãng công nghệ này.
9. Sergey Brin
Cũng như Larry Page, năm nay Sergey Brin đã trở lại top 10 người giàu nhất thế giới. Brin hiện sở hữu khối tài sản trị giá 89 tỷ USD, tăng gần 40 tỷ USD so với năm ngoái. Tỷ phú 47 tuổi này cũng từ chức Chủ tịch Alphabet cuối năm 2019 và vẫn giữ vai trò thành viên hội đồng quản trị tại đây.
10. Mukesh Ambani
Tỷ phú Mukesh Ambani là cái tên duy nhất đến từ châu Á góp mặt trong danh sách Top 10 người giàu nhất thế giới. Ông là Chủ tịch tập đoàn đa ngành Reliance Industries, kinh doanh từ dầu khí, viễn thông đến bán lẻ tại Ấn Độ. Nhờ có thêm gần 48 tỷ USD, Ambani đã tăng 11 bậc trên bảng xếp hạng người giàu năm nay. Trong suốt giai đoạn giãn cách xã hội, tỷ phú 63 tuổi này đã có thêm 20 tỷ USD nhờ bán một phần ba cổ phần nhà mạng Jio cho một loạt nhà đầu tư, trong đó có Facebook và Google.
Theo nhận định của Forbes, không chỉ đại dịch COVID-19, làn sóng IPO (lần đầu chào bán cổ phiếu ra công chúng) vô cùng mạnh mẽ, tiền điện tử tăng phi mã và giá cổ phiếu liên tục vượt kỷ lục... là những yếu tố góp phần khiến số lượng tỷ phú trong danh sách những người giàu nhất thế giới lần thứ 35 của Forbes ở mức cao chưa từng thấy.
Bên cạnh đó, số lượng tỷ phú tự thân đạt kỷ lục là 1.975 người, chiếm 72% tổng danh sách của Forbes. Đây là một sự thay đổi rõ rệt so với năm 2001 khi số tỷ phú tự thân mới chiếm 49%.
Cũng theo thống kê của Forbes, có 4 trên 10 tỷ phú trẻ nhất thế giới năm 2021 là tỷ phú tự thân và tất cả đều đến từ Mỹ. Tỷ phú tự thân trẻ tuổi nhất là Austin Russell, 26 tuổi, từng bỏ học Stanford để thành lập công ty cảm biến tự động Luminar Technologies. Tài sản ròng của Russell là 2,4 tỷ USD và anh xếp thứ 1.299.