Đây là một trong những chủ đề đã được các chuyên gia của FIDT đưa ra trong hội thảo do đơn vị này cùng FiinTrade của FiinGroup tổ chức mới đây. Tại hội thảo, ông Huỳnh Hoàng Phương – Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phân tích FIDT – đưa ra 3 kịch bản dự báo cho VN-Index năm 2024.
Thứ nhất, kịch bản cơ sở với VN-Index đạt 1.300 điểm, biên độ dao động là +/- 20 điểm với các điều kiện tiền đề như: Kinh tế Việt Nam hồi phục tốt 2024; Kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm”; Rủi ro trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và thị trường bất động sản (BĐS) ở mức hạn chế; Dòng vốn ngoại trở lại từ cuối Quý II/2024.
Thứ hai, kịch bản tích cực với VN-Index đạt 1.420 điểm, biên độ dao động là +/- 30 điểm với các điều kiện tiền đề như: Kinh tế Việt Nam hồi phục tốt và xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ; Kinh tế Mỹ tăng trưởng gần mức tiềm năng dài hạn; Chính phủ và NHNN xử lý vấn đề pháp lý thị trường BĐS và chất lượng tài sản hệ thống ngân hàng tốt lên; Dòng vốn ngoại trở lại mạnh mẽ cho triển vọng nâng hạng.
Thứ ba, kịch bản tiêu cực với VN-Index đạt 1.150 điểm, biên độ dao động là +/- 20 điểm với các điều kiện tiền đề như: Kinh tế Việt Nam hồi phục nhưng còn “bấp bênh”; Kinh tế Mỹ xảy ra mild recession (suy thoái nhẹ); Pháp lý BĐS và rủi ro TPDN, chất lượng tài sản hệ thống ngân hàng chưa nhiều cải thiện; Dòng vốn ngoại vẫn tập trung ở thị trường phát triển (Developed Market – DM).
Ông Phương nêu quan điểm của FIDT là có tới 65% xác suất sẽ rơi vào kịch bản thứ nhất; xác suất của kịch bản thứ 2 là 20% và cuối cùng là 15% sẽ có khả năng rơi vào tiêu cực.
Qua một “mi-ni game” khảo sát online qua app nhằm lấy ý kiến bình chọn của nhà đầu tư đối với việc đồng thuận khả năng VN-Index sẽ rơi vào kịch bản nào, bà Trương Minh Trang – Giám đốc điều hành Khối dịch vụ Thông tin tài chính FiinGroup – thông tin: Có hơn 50% nhà đầu tư tại hội thảo đồng thuận với khả năng cơ sở (tức kịch bản thứ nhất VN-Index đạt 1.300 điểm), khoảng gần 30% nhà đầu tư chọn kịch bản tích cực với VN-Index đạt 1.420 điểm và tỷ lệ còn lại thuộc về nhóm nhà đầu tư chọn “Phương án khác”, hoặc kịch bản tiêu cựcvới VN-Index điều chỉnh.
Theo đó có thể thấy nhà đầu tư đang tỏ ra rất thận trọng với TTCK trong năm 2024.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhận diện kỳ vọng trong 2024 là một chuyện, điều quan trọng hơn là nhà đầu tư nên hành động như thế nào. Ông Huỳnh Hoàng Phương cho rằng năm sau vẫn sẽ là năm của các cổ phiếu có câu chuyện riêng như nhóm đầu tư công, cơ sở hạ tầng, nhóm liên quan quy hoạch điện VIII (xây lắp, năng lượng), nhóm thủy sản, bất động sản, chứng khoán… Tuy nhiên nhà đầu tư tránh mua đuổi vùng giá cao và phải chọn lọc cổ phiếu.
Khá tương đồng quan điểm về hành động và lựa chọn mà nhà đầu tư có thể xem xét trong 2024, bà Đỗ Hồng Vân – Trưởng phòng Phân tích dữ liệu FiinTrade – cho rằng, mô hình lựa chọn cổ phiếu phù hợp theo khẩu vị vẫn phải căn cứ trên nền tảng doanh nghiệp, với triển vọng lợi nhuận, dòng tiền và câu chuyện định giá. Những doanh nghiệp được hưởng lợi từ doanh thu cải thiện như hồi phục ngành xuất khẩu như thủy sản, nhóm hạ tầng, ngoài ra là các nhóm như bất động sản khu công nghiệp, cảng biển, công nghệ thông tin và hóa chất… là những lựa chọn của FiinTrade.
Bên cạnh đó, bà Vân cũng nhắc đến cơ hội của nhóm “đầu cơ” trong trường hợp có kỳ vọng những thay đổi quy định chính sách liên quan ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản được tháo gỡ những vướng mắc và hỗ trợ nâng hạng TTCK.