Bất động sản cuối năm: Mở vốn có khơi thông thị trường?

Tín hiệu nới “room” tín dụng vừa được Ngân hàng Nhà nước hé mở đang nhận được sự quan tâm rất lớn của doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, thị trường bất động sản vốn coi tín dụng như “mạch máu” đang là lĩnh vực ngóng chờ hơn cả.

Nín thở chờ tín dụng

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra chiều ngày 6/9, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 1 đến 2 ngày tới đơn vị này sẽ công bố kết quả phân bổ hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại.

Theo ông Tú, đến thời điểm hiện tại, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã đạt 9,91%, đây là mức tăng trưởng rất cao so với cùng kỳ. Hạn mức tín dụng còn lại của 14% sẽ được Ngân hàng Nhà nước lựa chọn phân bổ thêm cho các ngân hàng tốt...

Việc ngân hàng nới “room” tín dụng là một trong những thông tin được doanh nghiệp và người dân mong chờ hơn cả suốt thời gian qua. Đặc biệt, lĩnh vực bất động sản vốn đang gặp nhiều khó khăn từ thì khi nguồn tín dụng “thắt lại” trong những tháng qua.

thi-truong-phuc-hoi-1662622656.jpeg
Thị trường bất động sản đang "khát" vốn

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) từng khẳng định, dòng vốn như “mạch máu” của thị trường bất động sản. Nên từ khi nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng siết lại, trong khi kênh huy động vốn khác như trái phiếu cũng gián đoạn đã ngay lập tức khiến thị trường bất động sản chững lại.

Báo cáo thống kê của nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường cũng cho thấy, thanh khoản của nhiều phân khúc bất động sản đã tụt giảm mạnh. Doanh nghiệp “đói vốn” gặp khó khăn trong việc triển khai xây dựng dự án. Các nhà đầu tư vật lộn với bài toán tài chính, thậm chí đã xuất hiện làn sóng cắt lỗ. Trong khi đó, nhiều người dân có nhu cầu mua nhà ở thật cũng rất chật vật để tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng.

“Việc siết tín dụng để ngăn chặn tình trạng đầu cơ là tốt tuy nhiên vô hình chung nó cũng gây khó cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính, người dân có nhu cầu mua ở thật sự. Do đó, những tháng qua ai cũng nín thở để chờ thông tin từ ngân hàng”, anh Hùng một nhà đầu tư nói.

Cũng theo anh Hùng, việc mở van tín dụng là cần thiết để giúp thị trường bất động sản thoát khỏi khó khăn hiện nay. Đây là lĩnh vực có nhiều đóng góp cho nền kinh tế và có tác động liên hoàn tới nhiều ngành nghề khác nhau. Do đó, nếu không kịp thời cấp tín dụng thì khả năng sẽ tạo ra hệ luỵ cho cả nền kinh tế.

Thị trường sẽ thanh lọc

Theo Tổng giám đốc một doanh nghiệp bất động sản tại TP. Thủ Đức, không thể phủ nhận những khó khăn do thị trường thiếu nguồn tín dụng trong thời gian qua. Tuy nhiên, đây chỉ là một ngân nhân bổ sung với những tồn tại trước đó khiến thị trường chững lại là những vướng mắc về pháp lý buộc hàng trăm dự án phải tạm dừng. Quá đó khiến cho giá bán càng cao và chênh lệch cung cầu xảy ra.

Việc ngân hàng sẽ nới “room” là tín hiệu vui với thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, sau khoảng thời gian gián đoạn kênh huy động vốn trái phiếu cũng đã dần được khôi phục trở lại.

Nhận định về thị trường những tháng cuối năm, vị Tổng giám đốc này cho biết, sau khi dòng vốn được lưu thông thì thị trường sẽ có cơ hội khôi phục trở lại, tính thanh khoản được cải thiện. Tuy nhiên, mức hồi phục sẽ không phải thần tốc mà thị trường sẽ chuyển sang giai đoạn thanh lọc thật sự.

Theo đó, những chủ đầu tư uy tín có năng lực thật sự tạo ra các dòng sản phẩm mang giá trị thật sẽ có nhiều cơ hội phát triển. Ngược lại doanh nghiệp làm ăn chụt giựt, chạy theo ngắn hạn sẽ bị thị trường đào thải.

thi-truong-von-tin-dung-1662622698.jpeg
Bất động sản vẫn là kênh đầu tư sáng cửa trong thời gian tới

Về giá bán, sẽ có hai xu hướng. Cụ thể, hiện tượng “cắt lỗ” có thể xảy ra nhưng chỉ mang tính cục bộ tập trung ở nhóm người mua đầu tư và có áp lực vay ngân hàng lớn buộc phải bán để cơ cấu lại tài chính. Những sản phẩm đầu tư vào lúc thị trường sốt nóng, giá ảo sẽ có nguy cơ phải giảm giá bán.

Ngược lại, với những bất động sản có giá trị thật. Đặc biệt tại những dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác ở hoặc cho thuê thì giá bán không giảm mà vẫn tăng.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Asian Holding cho rằng, khi điểm nghẽn lớn nhất là tín dụng được lưu thông thì thị trường bất động sản sẽ sớm tìm lại nhịp phát triển. Tuy nhiên, sẽ không có sự “bùng nổ” mà thị trường sẽ hồi phục từng bước theo hướng bền vững hơn.

Nhận định tiềm năng của thị trường bất động sản, ông Hậu vẫn rất lạc quan, cho rằng nhu cầu về bất động sản cả ở lẫn đầu tư hiện nay vẫn đang rất lớn. Đây tiếp tục là lĩnh vực sẽ có nhiều đóng góp lớn cho nền kinh tế.