Ngày 24/1, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã bắt tạm giam để điều tra về tội Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ đối với ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng.
Cụ thể, theo cơ quan điều tra, Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật khi tham gia chỉ đạo giải quyết các công việc liên quan đến dự án Đại Ninh tỉnh Lâm Đồng, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Ông Trần Đức Quận (57 tuổi) giữ chức Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng từ năm 2020. Trước đó, ông Quận đã kinh qua nhiều vị trí như Bí thư huyện Đạ Huoai, Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Liên quan đến sai phạm tại dự án Sài Gòn Đại Ninh, đầu tháng 1/2024, Bộ Công an cũng đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, về tội "nhận hối lộ".
Bước đầu, C03 xác định ông Hiệp đã nhận hối lộ liên quan đến Dự án khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng).
Dự án Sài Gòn Đại Ninh (huyện Đức Trọng) có diện tích lên đến gần 3.600ha, tổng vốn đầu tư 25.243 tỉ đồng được chấp thuận đầu tư từ năm 2010.
Chủ đầu tư của siêu dự án này là Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh do ông Nguyễn Cao Trí làm tổng giám đốc.
Tháng 11/2023, vị “đại gia” này đã bị bắt để điều tra hành vi chiếm đoạt số tiền 40 triệu đô của bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Theo báo cáo của Cơ quan cảnh sát điều tra, trong quá trình mở rộng điều tra vụ án tại công ty cổ phần An Đông hay còn gọi là vụ án Vạn Thịnh Phát, Cơ quan điều tra phát hiện bà Trương Mỹ Lan có quan hệ làm ăn, đầu tư với ông Nguyễn Cao Trí.
Bà Trương Mỹ Lan đã chuyển cho ông Trí số tiền hơn 40 triệu USD để mua bán dự án, kinh doanh. Trong đó có dự án Sài Gòn Đại Ninh.
Tuy nhiên, khi bà Lan bị bắt, ông Trí đã nảy sinh ý định chiếm đoạt số tiền bà Lan đã chuyển.
Về dự án Sài Gòn Đại Ninh, sau hơn 13 năm vẫn đang trong tình trạng dang dở. Dự án chỉ mới được hoàn thành một ít hạng mục, phần lớn còn lại đang bỏ hoang.
Trong quá trình triển khai dự án này đã để rừng bị phá lên đến hơn 257ha và trên 111ha đất rừng bị lấn chiếm.
Ngoài ra, chủ đầu tư còn chậm hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Cụ thể vào năm 2012, tỉnh Lâm Đồng cho phép Công ty Sài Gòn Đại Ninh chuyển mục đích sử dụng hơn 1,6 triệu m2 đất sang đất ở (giao đất có thu tiền sử dụng đất).
Bộ Tài chính mới xác định số tiền sử dụng đất của Công ty Sài Gòn Đại Ninh là 158 tỉ đồng. Nhưng mãi đến năm 2021, Công ty Sài Gòn Đại Ninh tạm nộp tiền sử dụng đất là 100 tỉ đồng vào tài khoản của Sở Tài chính Lâm Đồng.
Kết luận Thanh tra Chính phủ số 929 vào tháng 6/2020 đã yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với dự án này.
Tuy nhiên, Công ty Sài Gòn Đại Ninh khi đó đã có văn bản kiến nghị lên nhiều cơ quan chức năng xem xét lại việc thu hồi dự án.
Thanh tra Chính phủ sau đó đã lập tổ công tác để thẩm tra. Đến tháng 7/2021, Thanh tra có văn bản thông báo sửa đổi một số nội dung trong kết luận số 929, rút lại yêu cầu chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với dự án trên.
Đồng thời đề ngị UBND tỉnh Lâm Đồng hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương, gia hạn thời gian hoàn thành dự án.
Tháng 3/2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án nhận hối lộ, khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng. Ông Chánh là người đã tham gia vào tổ công tác thẩm tra của Thanh tra Chính phủ trước đó.
Đến tháng 8/2023, Cơ quan điều tra tiếp tục bắt bà Trần Bích Ngọc, vụ trưởng Vụ I thuộc Văn phòng Chính phủ để điều tra tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn liên quan vụ án nhận hối lộ nói trên.