Bình Định xem xét cấp sổ đỏ cho các trường hợp lấn, chiếm đất đai được phép tồn tại

Đối với các trường hợp lấn, chiếm đất đai mà có đủ điều kiện cho phép sử dụng đất theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ, UBND cấp huyện chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn người sử dụng đất làm đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
ubnd-tinh-binh-dinh-pld-1688810215.png
UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành Kế hoạch thực hiện xử lý lấn, chiếm đất đai trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Bình Định sẽ tổ chức rà soát, thống kê và xử lý đối với các vi phạm trước ngày 01/7/2014 và đối với các trường hợp lấn, chiếm đất đai từ ngày 01/7/2014 trở về sau.

Cụ thể, đối với các trường hợp vi phạm trước ngày 01/7/2014, trường hợp nào đủ điều kiện cho phép tiếp tục sử dụng đất (đủ điều kiện tồn tại) thực hiện theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ; trường hợp nào không đủ điều kiện cho phép tồn tại (do vi phạm quy hoạch hoặc phát sinh từ ngày 01/7/2014 trở về sau) thì phải có thông báo rõ nội dung gửi UBND xã, phường, thị trấn và nhân dân biết để thực hiện.

Kết quả xét duyệt của Ban chỉ đạo cấp huyện, thị xã, thành phố phải niêm yết công khai tại Trụ sở UBND xã, phường, thị trấn và trụ sở xóm, thôn (tổ, khu vực), để nhân dân biết tham gia ý kiến.

Đối với các trường hợp đủ điều kiện cho phép sử dụng đất theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ, UBND cấp huyện chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn người sử dụng đất làm đơn xin cấp giấy chứng nhận QSD đất.

Đối với các trường hợp không đủ điều kiện cho phép tồn tại, thì trong thông báo phải nêu rõ thời gian và hướng xử lý cụ thể.

Các trường hợp buộc phải tháo dỡ trả đất cho nhà nước, nếu quá thời gian quy định mà người sử dụng đất không chấp hành, thì UBND xã, phường, thị trấn báo cáo UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Riêng các trường hợp lấn, chiếm đất đai từ ngày 01/7/2014 trở về sau, Nhà nước không công nhận quyền sử dụng đất, không cấp giấy chứng nhận QSD đất theo quy định của pháp luật hiện hành.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các phòng chuyên môn thuộc huyện thường xuyên kiểm tra phát hiện các trường hợp mới phát sinh, gắn với việc công bố công khai số điện thoại đường dây nóng, thư điện tử và địa điểm tiếp nhận các thông tin từ tổ chức, công dân phát hiện báo các trường hợp lấn, chiếm đất đai, giao đất trái quy định. Phân công cán bộ trực tiếp tiếp nhận ý kiến và ghi vào sổ theo dõi hàng ngày.

Cán bộ công chức địa chính cấp xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra tình hình sử dụng đất tại địa bàn quản lý để phát hiện kịp thời những trường hợp lấn, chiếm đất đai mới phát sinh. Khi phát hiện, trong thời hạn không quá 1 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện sai phạm phải báo cáo bằng văn bản lên Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để buộc tháo dỡ trong ngày. Đồng thời báo cáo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, thị xã, thành phố để báo cáo UBND cấp huyện ngăn chặn, tháo dỡ.

Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm chỉ đạo thường xuyên việc kiểm tra phát hiện các hành vi lấn chiếm đất đai mới phát sinh. Trong thời hạn không quá 01 ngày, kể từ ngày phát hiện vi phạm hoặc được báo cáo có vi phạm thì phải tổ chức việc kiểm tra buộc khôi phục lại tình trạng sử dụng đất ban đầu. Nếu người có hành vi vi phạm không chấp hành thì tổ chức tháo dỡ, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức cưỡng chế tháo dỡ kịp thời.

Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan có chức năng trực thuộc phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn (nơi có đất xảy ra lấn chiếm) tổ chức thực hiện việc cưỡng chế theo thẩm quyền (trừ trường hợp quy định tại khoảng 3, Điều 22 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ).

tao-dieu-kien-ve-dat-o-nha-o-pld-1688810215.jpg
Ảnh minh họa

Tạo điều kiện về đất ở, nhà ở cho các trường hợp không có nơi ở nào khác

Theo kế hoạch, trong tháng 7/2023, UBND các huyện, thị xã, thành phố phải quán triệt chủ trương; thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện và chỉ đạo UBND cấp xã, phường, thị trấn thành lập Tổ công tác; tổ chức ra quân trên địa bàn; họp dân phát tờ khai tình hình sử dụng đất.

Trong tháng 8/2023, các địa phương phải chỉ đạo hoàn thành việc lập danh sách người sử dụng đất do lấn, chiếm niêm yết công khai, thời gian 15 ngày làm việc (lần 1).

Từ tháng 9 đến tháng 12/2023, tổ công tác cấp xã, phường, thị trấn hoàn thành việc kiểm tra thực tế, đo đạc đất đai, lập bản đồ thửa đất, phân loại đối tượng gửi hồ sơ về ban chỉ đạo cấp huyện, thị xã, thành phố.

Từ tháng 01 đến tháng 2/2024, Ban chỉ đạo cấp huyện hoàn thành việc xét và công bố danh sách, ra thông báo các trường hợp được phép tồn tại, các trường hợp không được phép tồn tại buộc tháo dỡ.

Đồng thời chuẩn bị quỹ đất ở trên địa bàn, quỹ nhà ở xã hội (nếu có) đề xuất chủ trương tái định cư, bán nhà ở xã hội nhằm đảm bảo an sinh xã hội (đối với trường hợp không có nơi ở nào khác trên địa bàn cấp huyện theo quy định).

Trong tháng 2/2024, các địa phương thực hiện việc niêm yết danh sách công khai, thời gian 15 ngày làm việc (lần 2).

Trong tháng 3/2024 đến hết tháng 5/2024, các huyện, thị xã, thành phố phải thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận QSD đất đối với các trường hợp được phép tồn tại.

Từ tháng 5/2024 trở đi, phải tổ chức ra quân xử lý tháo dỡ hoặc cưỡng chế những trường hợp lấn, chiếm đất đai không được phép tồn tại.

UBND tỉnh Bình Định yêu cầu, từ nay về sau, đối với các trường hợp vi phạm lấn, chiếm đất đai mới phát sinh, chính quyền sở tại phải kiểm tra phát hiện và xử lý buộc tháo dỡ hoặc cưỡng chế tháo dỡ ngay trong ngày (kể cả thời gian ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ).