Trong thư, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, trước bối cảnh tình hình diễn biến rất phức tạp tại Ukraine, để giúp cộng đồng người Việt tại Ukraine trong quá trình sơ tán, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện phối hợp với các hội đoàn người Việt tại các nước Ba Lan, Nga, Hungary, Romania, Slovakia và Belarus tìm hiểu thông tin cho quá trình sơ tán, tổ chức đón và hỗ trợ bà con từ Ukraine trong trường hợp bà con sơ tán sang các nước lân cận.
Tính đến chiều ngày 2/3 (giờ Việt Nam), hầu hết bà con ở Kiev và Odessa cùng hàng trăm người ở Kharkov đã được sơ tán khỏi khu vực, được bố trí sang các nước lân cận - Ảnh: VGPỦy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao xin cung cấp một số thông tin cùng các đầu mối liên lạc kèm theo để bà con người Việt tại Ukraine liên hệ trong trường hợp cần thiết.
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật và thông báo tới bà con khi có thông tin mới.
- Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine: +380 63 863 8999; email: vnemb.ua@mofa.gov.vn
- Tổng đài Bảo hộ Công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: +84 981 84 84 84; email: baohocongdan@gmail.com
- Link đăng ký nguyện vọng sơ tán công dân Việt Nam tại Ukraine về nước: https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSdQqfqeq3QTxl8CKLqbAwkQnOpHiRu8wj8hiN2lqhnqp4j-OA/viewform
- Tổng đài Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao: +84 24 38240 401, máy lẻ 100 hoặc 101 (ngoài giờ hành chính) hoặc 141, 269 (trong giờ hành chính); email: ubnv@gmail.com.
Nhập cảnh Ba Lan
Cụ thể, để vào được Ba Lan, bà con cần chuẩn bị giấy tờ xác minh nhân thân (hộ chiếu, thẻ cư trú tại Ukraine, bằng lái xe…).
Trong trường hợp nhập cảnh Ba Lan bằng xe riêng, cần mang theo thẻ xanh (green card) bảo hiểm bắt buộc, được cấp khi mua bảo hiểm xe để đi quốc tế bởi khi vào Ba Lan rồi sẽ không mua bảo hiểm được nữa.
Hiện Ba Lan dỡ bỏ các yêu cầu liên quan đến COVID-19.
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng lưu ý bà con nên bảo đảm có đủ giấy tờ cần thiết để việc nhập cảnh Ba Lan được nhanh chóng và thông suốt do lượng người qua biên giới Ba Lan - Ukraine rất đông.
Công dân không mang quốc tịch Ukraine có thể lưu trú tại Ba Lan trong vòng 15 ngày. Trong khoảng thời gian này, công dân có thể hồi hương hoặc làm đơn xin tị nạn theo quy chế tị nạn chiến tranh và chờ phía cơ quan chức năng của Ba Lan quyết định, đồng thời có thể xin hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.
Để việc hỗ trợ và bảo hộ công dân được thuận lợi, công dân điền form đăng ký yêu cầu hỗ trợ theo đường link: https://forms.gle/SD7fQq6pqezrXJ9w8.
Liên hệ: Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan: +48782257359; Hội người Việt Nam tại Ba Lan: +48 888 070 888 (ông Trần Anh Tuấn, chủ tịch Hội); +48 600 280 979 (ông Trần Trọng Hùng, phó chủ tịch Hội); +48 888 264 198 (ông Nguyễn Lê Hùng, phó chủ tịch Hội); +48 605 886 809 (ông Lê Văn Mừng, phó chủ tịch Hội)…
Nhập cảnh Hungary
Các trường hợp cư trú hợp pháp tại Ukraine (có giấy tờ chứng minh) được vào Hungary tạm lánh nhưng không được đi tiếp sang các nước EU khác. Nếu đi tiếp sẽ bị coi là nhập cư bất hợp pháp.
Đối với các trường hợp không có giấy tờ cư trú hợp pháp ở Ukraine, người có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị, nếu có vé máy bay (thương mại hoặc giải cứu, hoặc ít nhất là kế hoạch chuyến bay) để đi tiếp và được nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary đón ở cửa khẩu (danh sách cần được gửi trước cho cảnh sát biên phòng) thì không cần đăng ký tị nạn. Tuy nhiên, bắt buộc phải bắt chuyến bay đầu tiên ra khỏi Hungary (thực tiễn là bay ngay hôm sau), không được ở lại Hungary.
Nếu muốn ở lại Hungary chờ quay về Ukraine thì phải đăng ký quy chế tị nạn tại biên giới, Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary không can thiệp được việc xét duyệt này.
Những người không có hộ chiếu Việt Nam, phải có bảo lãnh của Đại sứ quán và được cấp hộ chiếu tạm thời, phải thông báo trước cho Cơ quan Biên phòng và có người ra đón tại cửa khẩu, và phải ra khỏi Hungary bằng chuyến bay thương mại hoặc giải cứu đầu tiên (thực tiễn là chỉ được ở qua đêm).
Hungary cũng đã dỡ bỏ các quy định về kiểm dịch COVID-19.
Để bảo đảm công tác bảo hộ công dân và tạo thuận lợi cho công dân có nguyện vọng sang Hungary lánh nạn, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài lưu ý người dân cần thông báo trước cho Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary các thông tin cá nhân: Họ tên; Ngày tháng năm sinh; Số hộ chiếu và hạn sử dụng hộ chiếu; Thẻ định cư, cư trú hợp pháp và hạn sử dụng; Nhu cầu, nguyện vọng trong thời gian lưu trú tại Hungary (lánh nạn tạm thời, muốn quay trở về Việt Nam…).
Bà con cần chuẩn bị kỹ hành trang, phương tiện, xăng xe và giấy tờ cần thiết để việc di chuyển và quá cảnh tại các cửa khẩu được thuận lợi, đảm bảo an toàn.
Đường dây nóng bảo hộ công dân: +36 308 385 699 (ông Nguyễn Lương Bằng, Bí thư thứ Nhất); + 36 304 219 525 (bà Tống Thị Thanh Thủy, Bí thư thứ nhất, Chánh Văn phòng); Hội đoàn người Việt tại Hungary: +36 308 284 793 (ông Phùng Kim San, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary); +36 307 254 668 (ông Lê Ngọc Sơn, cộng đồng ở Nyiregyhaza, gần biên giới Ukraine)
Nhập cảnh Romania
Để nhập cảnh Romania, người dân cần có giấy tờ tùy thân, giấy tờ cư trú tại Ukraine; địa chỉ cư trú tại Ukraine, lịch trình, phương tiện di chuyển, nhập cảnh vào Romania, nơi lưu trú tại Romania và đích đến (về Việt Nam, sang nước thứ ba...).
Lưu ý, khi nhập cảnh Romania, công dân các nước thứ ba được miễn visa (cho mục đích quá cảnh). Người sang Romania bằng đường bộ được miễn cách ly nhưng vẫn áp dụng các quy định y tế khác nhằm phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Người sơ tán từ Ukraine sang sẽ được chính quyền Romania cung cấp nơi ở, thức ăn và cấp cứu y tế trong 24/48 giờ đầu.
Sau khi đã nhập cảnh Romania, công dân có nguyện vọng về Việt Nam sớm thu xếp mua vé các chuyến bay thương mại để về nước (Turkish Airlines, Qatar Airways...) do Romania chỉ cho phép quá cảnh.
Công dân có nguyện vọng đi nước thứ ba, liên hệ cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của nước đó để thực hiện các thủ tục theo quy định.
Số điện thoại bảo hộ công dân: +40 744 645 037 (Đại sứ quán Việt Nam tại Romania); Hội người Việt Nam tại Romania: ông Phạm Duy Hưng, Phó chủ tịch thường trực Hội người Việt Nam tại Romania: +40 722 788 126; ông Bùi Doãn Hải: +40 728 403 455; bà Phạm Thị Mai: +40 733 824 556; ông Nguyễn Đăng Hoàn: +40 754 043 689; ông Nguyễn Văn Tới: +40 722 684 547.
Nhập cảnh Slovakia
Slovakia cho phép mọi công dân đến từ Ukraine, kể cả những người không đáp ứng các yêu cầu nhập cảnh thông thường, được nhập cảnh vào lãnh thổ nước này, mọi giấy tờ tùy thân đều được chấp nhận kể cả giấy tờ đã hết hạn hoặc bị hỏng.
Slovakia cũng đã dỡ bỏ các quy định về kiểm dịch COVID-19.
Khi sang tới cửa khẩu Slovakia, người dân sẽ được hướng dẫn khai báo tạm trú và được cấp giấy tạm trú. Nếu công dân không có người nhà đón thì được ở lại các khu trại bố trí cho người tị nạn. Chính phủ Slovakia sẽ đảm bảo nơi ở và đồ ăn.
Tuy nhiên, các nhà chức trách Slovakia khuyến khích công dân nước ngoài và những người đi cùng hồi hương càng sớm càng tốt.
Sân bay Košice là nơi thuận tiện cho công dân Việt Nam hồi hương.
Số điện thoại hỗ trợ công dân: Đại sứ quán Việt Nam tại Slovakia: +421 2 5245 1263; +421 915 419 568; bà Nguyễn Thị Thu, Tham tán: +84914742368 (viber, Zalo); ông Nguyễn Ngọc Anh, Tham tán: +421 905 251 816 (viber, Zalo). Hội đoàn người Việt tại Slovakia: ông Nguyễn Kim Đăng, Quyền Hội trưởng Hội người Việt Nam tại Slovakia: +421 905 604 931 (viber); ông Nguyễn Thanh Cương, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp VN tại Slovakia: +421 905 716 545; Hỗ trợ phiên dịch làm thủ tục tại biên giới, có thể liên hệ: ông Nguyễn Duy Vũ, Quyền Hội trưởng Hội người Việt Nam tại Kosice: + 421 907 999 208; bà Nguyễn Thúy Loan: +421 915 725 003.
Nhập cảnh Belarus
Belarus không yêu cầu bắt buộc tiêm chủng. Nếu công dân có đăng ký thường trú/tạm trú tại Belarus sẽ không bị áp dụng các biện pháp hạn chế khi nhập cảnh, không cần xét nghiệm PCR âm tính và không phải tự cách ly.
Người không có đăng ký thường trú/tạm trú tại Belarus chỉ được nhập cảnh qua đường hàng không; phải tuân thủ các yêu cầu về thị thực như trước khi có dịch COVID-19 (sở tại không đóng cửa biên giới, không siết chặt hơn quy định về cấp thị thực, bảo hiểm y tế); phải có xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 3 ngày đến khi nhập cảnh.
Người đã tiêm chủng không cần xét nghiệm PCR âm tính (Belarus đã công nhận hộ chiếu vắc xin của Việt Nam).
Các biện pháp y tế áp dụng chung với công dân nước ngoài sau khi nhập cảnh: Không yêu cầu phải cài đặt ứng dụng công nghệ thông tin hoặc thiết bị giám sát quản lý y tế khi nhập cảnh. Người chưa tiêm chủng tự cách ly tại nhà 7 ngày đối với những người nhập cảnh từ các nước có trong danh sách "vùng đỏ". Việt Nam không nằm trong danh sách này. Người đã tiêm chủng không phải tự cách ly.
Số điện thoại bảo hộ công dân: +375 17 2374897 (Đại sứ quán Việt Nam tại Belarus); +375 (25) 999-38-99 (ông Đăng, Bí thư thứ nhất).
Nhập cảnh Moldova
Người nhập cảnh Moldova cần giấy tờ tùy thân, giấy tờ cư trú tại Ukraine. Các trường hợp cư trú hợp pháp tại Ukraine (có giấy tờ chứng minh) được vào Moldova tạm lánh trong thời gian 3 ngày nhưng không được đi tiếp sang các nước EU khác (trừ trường hợp có hộ chiếu Ukraine).
Khi nhập cảnh vào Moldova, người dân cần khai báo số tiền mang theo để có cơ sở mang tiền ra khỏi Moldova.
Từ Moldova, người dân có thể thuê xe ô tô, xe khách hoặc nếu chạy xe riêng thì sang Romania để có chuyến bay thương mại/ đăng ký chuyến bay giải cứu về Việt Nam.
Số điện thoại bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine (kiêm nhiệm Moldova): +380 63 863 8999; Hội đoàn người Việt tại Moldova: +373 69 153 290 (ông Bùi Quốc Huy).
Nhập cảnh Nga
Để nhập cảnh Nga, người dân cần giấy tờ tùy thân (hộ chiếu), giấy tờ chứng minh đang cư trú ở Ukraine.
Khi làm thủ tục nhập cảnh, công dân phải khai Phiếu di trú nộp cho nhân viên biên phòng. Người dân lưu ý cần giữ lại 1 liên của phiếu đến khi rời khỏi Nga.
Phía Nga sẽ cấp visa quá cảnh khi nhập cảnh. Trong vòng 7 ngày sau khi nhập cảnh, cần khai báo tạm trú với cơ quan di trú tại địa phương dừng chân.
Công dân không phải cách ly y tế khi nhập cảnh vào Nga. Công dân có nguyện vọng về Việt Nam có thể thu xếp mua vé các chuyến bay thương mại để về nước (Vietnam Airlines, Aeroflot hoặc các hãng hàng không khác).
Số điện thoại bảo hộ công dân (Đại sứ quán Việt Nam tại Nga): +79036821617.