Bùng nổ thị trường mạng di động ảo tại Việt Nam

17/07/2023 14:51

Theo dõi trên

Không lâu sau khi FPT Retail tuyên bố “tham chiến” thị trường mạng di động ảo (MVNO), một người chơi lớn khác cũng bắt đầu tăng tốc mở rộng trên toàn quốc.

Bước chân của VNSky

Sau khi thử nghiệm tại Nghệ An, mới đây, mạng di động ảo VNSky bắt đầu triển khai mở rộng trên toàn quốc. Đây là mạng di động thuộc hệ sinh thái của Công ty cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPay), sử dụng đầu số 0777.

mang-di-dong-ao-vnsky-bat-dau-trien-khai-mo-rong-tren-toan-quoc-pld-1689580129.jpg
Mạng di động ảo VNSky bắt đầu triển khai mở rộng trên toàn quốc.

Khác doanh nghiệp viễn thông truyền thống, nhà cung cấp mạng di động ảo không sở hữu hạ tầng mạng lưới viễn thông mà thuê từ đơn vị khác. Để cung cấp dịch vụ cho khách hàng, VNSky sẽ hợp tác với MobiFone để sử dụng hạ tầng viễn thông.

Cho đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cho 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng di động ảo tại Việt Nam gồm Đông Dương Telecom (iTel), Mobicast (Wintel – trước là Reddi), ASIM (Local), Digilife (VNSky) và FPT Retail.

Trước đó, vào tháng 4 năm 2019, Indochina Telecom là mạng di động ảo đầu tiên tại Việt Nam, với tên gọi Itel. Sau hơn hai năm hoạt động, tính đến tháng 12/2021, mạng này đã đạt gần 3 triệu thuê bao.

Ngay sau đó, vào tháng 6 năm 2020, Reddi, một mạng di động ảo khác do Mobicast vận hành, đã được thành lập tại Việt Nam, sử dụng hạ tầng điện thoại di động của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Tuy nhiên, vào năm ngoái, nó đã được mua bởi Công ty TNHH Sherpa, một công ty con của Tập đoàn Masan, với tham vọng số hóa các nền tảng của mình và xây dựng các giải pháp dịch vụ và sản phẩm ngoại tuyến thống nhất.

tai-viet-nam-hien-dang-co-5-doanh-nghiep-cung-cap-dich-vu-mang-di-dong-ao-pld-1689580129.jpg
Tại Việt Nam hiện đang có 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng di động ảo.

Mạng di động ảo thứ ba mang tên Local do ASIM Telecom phát triển và ra mắt vào đầu tháng 5 năm 2021. Cung cấp các sản phẩm SIM 4G siêu data của MobiFone. Và mới đây nhất, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) cũng đã triển khai mô hình kinh doanh mạng di động ảo tại Việt Nam. Sự tham gia của FPT Retail được cho là có thể sẽ tạo ra những thay đổi tích cực tới thị trường viễn thông, dù nó được cho là chỉ phục vụ hệ sinh thái và khách hàng của Tập đoàn FPT.

Giờ đây, với việc triển khai và mở rộng thị trường của VNSky, công ty đặt mục tiêu trở thành 1 trong 5 mạng di động lớn nhất Việt Nam khi kết hợp với những dịch vụ trong hệ sinh thái của VNPay như ví điện tử, VNPay-QR, VnShop hay VNTaxi, có thể sẽ tạo ra một cuộc chiến thực sự trên thị trường mạng di động ảo của Việt Nam.

Đa dạng hóa dịch vụ

Theo Fortune Business Insights, thị trường MVNO toàn cầu được dự đoán sẽ tăng từ 72,5 tỷ USD vào năm 2021 lên 123,4 tỷ USD vào năm 2028 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 7,9% trong giai đoạn 2021-2028.

du-moi-me-nhung-mang-di-dong-ao-duoc-ky-vong-da-dang-hoa-cac-dich-vu-di-dong-tai-viet-nam-pld-1689580129.jpg
Dù mới mẻ, nhưng mạng di động ảo được kỳ vọng đa dạng hóa các dịch vụ di động tại Việt Nam.

Trên thực tế, mạng di động ảo (MVNO) lại là một mô hình kinh doanh phổ biến trong ngành viễn thông trên toàn cầu. Nó có thể được tìm thấy ở hầu hết các châu lục. Châu Âu vẫn chiếm ưu thế về số lượng mạng MVNO với 357 trên tổng số 602 mạng MVNO toàn cầu. Bắc Mỹ và châu Á – Thái Bình Dương có khoảng 72 mạng MVNO, trong khi Đông Âu là nơi có 34 mạng MVNO. Hầu hết các MVNO đã đạt được những màn trình diễn thành công tại thị trường châu Âu. Tính đến thời điểm hiện tại, họ đã chiếm hơn 20% thị phần tại một số thị trường châu Âu như Anh, Đức và Bỉ.

Ngay cạnh Việt Nam, thị trường Trung Quốc cũng đã có sự tham gia của 15 nhà khai thác viễn thông ảo bao gồm các tên tuổi lớn như Alibaba, Xiaomi và JD, thu hút khoảng 5% trong tổng số 1,2 tỷ thuê bao di động của thị trường.

Theo Cục Viễn thông Bộ TT&TT, tính đến ngày 30/4, số lượng thuê bao di động của các nhà mạng này mới chỉ đạt con số 2,65 triệu thuê bao, chiếm 2,1% tổng số thuê bao toàn thị trường. Đây có thể được coi là một con số còn khá khiêm tốn khi Việt Nam là một đất nước có tỷ lệ dân số trẻ, am hiểu công nghệ và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao.

Lý giải điều này, các chuyên gia phân tích cho rằng thị trường mạng di động Việt Nam hiện có doanh thu trung bình trên mỗi đơn vị (ARPU) thấp với mức chi tiêu trung bình cho dịch vụ di động ở Việt Nam lại chỉ ở vào khoảng 70.000 – 90.000 đồng/tháng. Do đó, sẽ rất khó cho các MVNO có thể cạnh tranh để có được người đăng ký.

Bên cạnh đó, hiện tại lượng thuê bao di động tại Việt Nam đã cán ngưỡng bão hòa, rất khó để phát triển thêm thuê bao mới. Các MVNO mới ra đời gần đây buộc phải đi vào các thị trường ngách. Song, ngay cả thị trường ngách (như cung cấp cho khu công nghiệp, khu đô thị,…) thì các nhà mạng có hạ tầng kỳ cựu bao gồm Viettel và VNPT (Vinaphone và MobiFone) cũng đã phủ khắp và cạnh tranh khốc liệt.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, thị trường di động Việt Nam cần một làn gió mới. Sự tham gia của các nhà mạng di động ảo gần đây đang được kỳ vọng sẽ góp phần đa dạng hóa các loại hình dịch vụ cho chuyển đổi số trong các lĩnh vực tài chính, giáo dục, y tế, giải trí…

Và mặc dù các mạng MVNO là mô hình mới tại Việt Nam, nhưng nó có thể nhanh chóng triển khai các dịch vụ trên toàn quốc, tiết kiệm cơ sở hạ tầng và tài nguyên, đồng thời mang lại giá trị mới cho khách hàng. Sự xuất hiện và mở rộng liên tiêp của FPT Retail trước đó và VNSky giờ đây có thể sẽ là những chỉ dấu, báo hiệu một sự đa dạng hóa các mô hình dịch vụ di động tại Việt Nam trong tương lai.

Bạn đang đọc bài viết "Bùng nổ thị trường mạng di động ảo tại Việt Nam" tại chuyên mục Sản phẩm. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com