Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và Nhật Bản thời gian qua, đặc biệt là sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Tư pháp Nhật Bản dành cho Bộ Tư pháp và các cơ quan pháp luật và tư pháp Việt Nam; cho biết thông qua hợp tác với Nhật Bản, năng lực, trình độ của cán bộ Việt Nam được nâng cao; góp phần giúp Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch nước đề nghị Bộ Tư pháp hai nước đẩy mạnh hợp tác tương trợ tư pháp trong bối cảnh các giao dịch dân sự, thương mại, đầu tư... ngày càng tăng; giải quyết tốt các vụ việc tố tụng; các vấn đề về quốc tịch, hộ tịch cho công dân hai nước để ổn định cuộc sống; hỗ trợ Việt Nam đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực pháp luật và tư pháp ngang tầm khu vực, hội nhập quốc tế.
Chủ tịch nước đề nghị Bộ Tư pháp Nhật Bản tăng cường hợp tác ASEAN-Nhật Bản về pháp luật và tư pháp; khẳng định Việt Nam ủng hộ đề xuất của Nhật Bản về việc thúc đẩy hợp tác pháp luật và tư pháp ASEAN-Nhật Bản.
Chia sẻ ấn tượng trong lần đầu tiên sang thăm Việt Nam, Bộ trưởng Furukawa Yoshihisa cho rằng, Việt Nam rất đẹp và thân thương như quê hương của mình. Bộ trưởng cũng cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ việc tổ chức hội nghị Bộ trưởng tư pháp giữa Nhật Bản và ASEAN vào năm 2023.
Về vấn đề hỗ trợ tư pháp, Bộ trưởng khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục dự án này để góp phần nâng cao năng lực cán bộ tư pháp Việt Nam. Phía Nhật Bản cũng sẽ hỗ trợ để các thực tập sinh cũng như lao động kỹ năng đặc biệt Việt Nam có nơi cư trú ổn định và an tâm làm việc.
Cũng trong chiều 28/6, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Lãnh sự Danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ, ông Philipp Rosler cùng đoàn doanh nghiệp Thụy Sĩ thăm Việt Nam, tìm kiếm cơ hội thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và hai nước Đức, Thụy Sĩ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vui mừng gặp lại Lãnh sự Danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ Philipp Rosler-người bạn lớn của Việt Nam; cho rằng dù trên các cương vị chính trị gia Đức trước đây, hay là nhà lãnh đạo kinh tế và Lãnh sự Danh dự của Việt Nam tại Thụy Sĩ hiện nay, ông Philipp Rosler luôn có những đóng góp tích cực cho quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Đức, Quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Thụy Sĩ và quan hệ Việt Nam-Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Đặc biệt, quan hệ Việt Nam-Đức không ngừng phát triển; trong nhiều năm liền, Đức luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu và cũng là nhà đầu tư FDI lớn tại Việt Nam.
Chủ tịch nước mong muốn cá nhân ông Philipp Rosler tiếp tục ủng hộ và thúc đẩy việc tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Đức, quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Thụy Sĩ; vận động các doanh nghiệp Đức, Thụy Sĩ và châu Âu tăng cường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo và công nghệ cao như: Công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh... Chủ tịch nước cũng mong muốn ông Philipp Rosler tác động và thúc đẩy để Thụy Sĩ sớm ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và khối EFTA (Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu).
Lãnh sự Danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ Philipp Rosler vui mừng cho biết, đoàn doanh nghiệp Thụy Sĩ đã và đang tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam.
Đánh giá cao ý kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Lãnh sự Danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ Philipp Rosler cho biết, ông đang tích cực đẩy mạnh các dự án liên quan tới hợp tác phát triển du lịch, nhất là những dự án về đào tạo nhân lực trong ngành này và sẽ tích cực xúc tiến kết nối trong thời gian tới. Đề nghị sớm mở đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và Thụy Sĩ, ông Philipp Rosler cũng cho biết sẽ thúc đẩy để Thụy Sĩ sớm ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và khối EFTA.