#kỷ nguyên mới

Chuyển giao công nghệ: Giải pháp nằm ở cơ chế? (Kỳ cuối)

Mong đợi về một môi trường lý tưởng với những cơ chế thông thoáng, thuận lợi cho các hoạt động chuyển giao công nghệ và đủ sức kết nối trường, viện với doanh nghiệp, có lẽ, chỉ dần trở thành hiện thực nếu các nút thắt chính sách được tháo gỡ.

Qua rất nhiều hội thảo liên quan đến doanh nghiệp, có thể thấy doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, “khát” công nghệ mới đến như thế nào bởi chỉ có công nghệ mới giúp họ có được sản phẩm cạnh tranh trên thị trường. Quá trình hội nhập quốc tế đi kèm với việc thực thi các hiệp định thương mại thế hệ mới và những cơ hội của quá trình số hóa càng khiến doanh nghiệp thấm hơn bài toán của thị trường này. Theo phân tích của TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan, ở hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ”, diễn ra vào cuối tháng 3/2022 vừa qua tại TP.HCM, bản thân bối cảnh của thị trường hiện đã khác trước rất nhiều. “Doanh nghiệp trong thời đại số phải đối mặt với cạnh tranh toàn cầu trong khi sản phẩm có vòng đời ngắn dần. Nếu trước đây sản phẩm có thể tồn tại trong vòng 5 đến 7 năm thì giờ là rút ngắn còn 2 đến 3 năm. Mặt khác, khách hàng còn thích trải nghiệm mà sản phẩm mới đem lại hơn trước”, ông nói.

e08img-8253-1650028940.jpg
Từ những kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm thành công nghệ, đòi hỏi phải thực hiện rất nhiều bước. Ảnh: Hoàng Nam

Trong khi đó, năng lực hội nhập và cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam lại không cao như mong đợi. Ví dụ, theo kết quả khảo sát của Sở KH&CN Đồng Nai do báo Đồng Nai đăng tải vào tháng 12/2021, chỉ số tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị của doanh nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 là -56,05% do thiếu nhân lực trình độ cao, thiếu tiềm lực tài chính để tiến hành đổi mới, nâng cấp công nghệ. Ở một tỉnh cửa ngõ vùng kinh tế Đông Nam Bộ và là một phần của tam giác phát triển TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai, nơi có khoảng 38.000 doanh nghiệp với tổng vốn đăng kí trên 264.000 tỉ đồng, tình trạng còn như vậy thì có lẽ, người ta khó có hy vọng gì hơn đối với các nơi khác, ngoại trừ TP.HCM và Hà Nội.

Vậy có cách nào để tháo gỡ những nút thắt công nghệ này?

Chính sách ở điểm đầu của công nghệ

Nếu nhìn lại toàn bộ quá trình chuyển giao công nghệ thì có thể thấy, khúc mắc cần tháo gỡ có mặt ở ngay khâu đầu tiên, đó là chuyển kết quả nghiên cứu thành công nghệ. Ở bước khởi đầu của công nghệ này, nhà khoa học chưa được trang bị một cách đầy đủ nên sản phẩm của họ vẫn dừng lại ở mức độ ý tưởng và mới chứng thực ở việc có công bố quốc tế. Đó là trường hợp của giáo sư Hoàng Nam Nhật (ĐH Công nghệ, ĐHQGHN): vào năm 2021, anh có công bố về hiện tượng co ngót của mạng tinh thể vàng cấy hydro trên tạp chí Nature Communication, kết quả từ đề tài “Ảnh hưởng của cấy ion lên cấu trúc và tính chất của vật liệu cấu trúc nano” (Quỹ NAFOSTED tài trợ). Nghiên cứu này được nhận xét là có tiềm năng tác động lớn đến ngành luyện kim vì pha hydro là một kỹ thuật căn bản để tạo ra cơ tính tốt cho nhiều loại vật liệu (như độ đàn hồi, độ cứng cao…).

597lua-1650028940.jpg

Các nhà nghiên cứu tại Viện Lúa ĐBSCL. Ảnh: nongnghiep.vn

Tuy nhiên con đường từ vật liệu mới đến linh kiện và sau đó tích hợp trong một sản phẩm hoàn chỉnh cho người dùng cuối, ví dụ như pin, điện thoại và các loại thiết bị khác… còn phải trải qua rất nhiều bước mà nhà khoa học không thể tự một mình giải quyết. “Để làm được ra sản phẩm phổ dụng mà ai cũng cần thì công nghệ phải có rất nhiều know-how trong đó”, TS. Nguyễn Trần Thuật (Trung tâm Nano và Năng lượng, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) từng nhận xét và giải thích know-how cần được tích lũy qua rất nhiều bước phát triển công nghệ.

Vậy giải pháp nào để nhà khoa học có thể bước qua từng giai đoạn một cách vững chắc, nếu không phải là bệ đỡ chính sách? Chính sách đã hỗ trợ gì cho họ trong nỗ lực phát triển công nghệ? Có phải họ quá đơn độc? Thực ra, mọi chuyện không hẳn như vậy. Các nhà quản lý khoa học đã từng nghĩ rất nhiều về câu chuyện này để đi tìm giải pháp hợp lý có thể hỗ trợ được các nhà khoa học, tuy nhiên không phải lúc nào kết quả cũng như mong đợi. Năm 2016, trong quá trình bổ sung, sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ để thay thế Luật Chuyển giao công nghệ tồn tại đã 10 năm, nhiều người trong ban soạn thảo đã đề xuất một số giải pháp mới mẻ, hỗ trợ các nhà khoa học thoát khỏi “thung lũng chết” của công nghệ - một trong số đó là ý tưởng lập những trung tâm hỗ trợ chuyển giao công nghệ ở ba vùng miền. Theo đề xuất này, các trung tâm hỗ trợ chuyển giao công nghệ sẽ đóng trọn vẹn vai trò bà đỡ công nghệ: tổ chức các dự án sản xuất thử nghiệm, mời nhà khoa học và doanh nghiệp cùng tham gia. Khi đó, công nghệ không chỉ hứa hẹn được hỗ trợ “đo ni đóng giày” hoàn thiện mà còn đạt các mức tiêu chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực của mình. Tuy nhiên, do gặp nhiều vướng mắc nên đề xuất này cuối cùng đành phải xếp lại. Đây cũng là một trong những lý do khiến Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 dù được đánh giá là có nhiều điểm mới, thậm chí là đột phá ở nhiều khía cạnh, nhưng trên thực tế vẫn chưa tạo được một môi trường thật sự thuận lợi như mong đợi để thúc đẩy chuyển giao công nghệ.

Dĩ nhiên để tạo điều kiện cho nhà khoa học chuyển giao công nghệ, ngoài Luật Chuyển giao công nghệ còn có nhiều chính sách khác như Luật KH&CN năm 2013, Nghị định 76/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ, Nghị định 70/2018/NĐ-CP quy định quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước,… cùng các thông tư hướng dẫn chi tiết. Bên cạnh đó còn có một số chương trình do Bộ KH&CN quản lý như Chương trình phát triển thị trường KH&CN quốc gia, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia… Tuy nhiên, dù “tả xung, hữu đột” thì những chính sách này không những không tháo gỡ hết muôn hình vạn trạng vướng mắc trong thực tế mà còn tạo ra những băn khoăn mới, ví dụ cơ chế sở hữu công nghệ theo Nghị định 70.

“Sự rắc rối và thiếu rành mạch ở Nghị định 70 khiến người ta thà trả hết công nghệ cho nhà nước còn hơn là chuyển giao”, một nhà nghiên cứu ở ĐHQGHN phân tích và cho biết thêm: theo quy định, nhà nước là chủ sở hữu công nghệ từ kết quả nghiên cứu do ngân sách tài trợ 70% nhưng know-how lại thuộc nhà khoa học. “Muốn chuyển giao có hiệu quả thì doanh nghiệp phải nhận được know-how từ nhà khoa học nhưng tại sao nhà khoa học lại phải mất thêm công sức khi không được hưởng lợi từ công nghệ mình làm ra?”, ông nói.

Cách nào để tháo gỡ?

Có lẽ tham dự nhiều cuộc họp liên quan đến chuyển giao công nghệ, mới thấy vô vàn ý kiến của các nhà khoa học và cả doanh nghiệp đề xuất tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại. Dường như ai cũng nhận thấy rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang rất cần công nghệ mới và doanh nghiệp vừa và nhỏ không đủ nguồn lực để đầu tư cho R&D thì việc có những mô hình, chính sách mang tính đột phá để tạo ra những cơ hội mới cho công nghệ hình thành trong trường, viện là những việc cần được chú trọng hàng đầu.

Trong hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ”, PGS. TS Vũ Văn Tích, trưởng ban KH&CN (ĐHQGHN), đề xuất một cơ chế từng được đề cập đến ở nhiều hội thảo khác nhau, đó là cho phép nhà khoa học thành lập doanh nghiệp spinoff trong trường đại học. “Chỉ khi được sở hữu, làm cho chính mình, nhà khoa học mới có thể dành nhiều công sức nâng cấp công nghệ, thậm chí sẽ làm ra nhiều công nghệ hơn”, ông nói. “Khi đó, nhà khoa học cũng có nhiều cách lựa chọn như kêu gọi doanh nghiệp góp vốn, tự bỏ tiền đầu tư cho công nghệ. Nhìn rộng ra, công ty này còn là nơi thực tập của sinh viên, qua đó góp phần tạo ra cho xã hội những người có kỹ năng thực hành”.

Khi chưa có một quy định nào cho phép hình thành và công nhận một mô hình spinoff do nhà khoa học ở trường đại học lập ra, ông đề nghị thí điểm cơ chế sand-box để “nuôi” công nghệ. “Nếu Việt Nam cho phép thí điểm cơ chế này, tôi cho rằng sau 5 đến 10 năm, chúng ta sẽ có được một nền công nghiệp phụ thuộc know-how”, ông nêu giá trị của mô hình đã được chứng thực thành công ở nhiều quốc gia.

Tuy nhiên, giữa “kho công nghệ” được hình thành từ nghiên cứu do nhà nước tài trợ, không phải công nghệ nào cũng có thể phù hợp trở thành hạt nhân của mô hình spinoff và không phải nhà khoa học nào cũng có thể có tinh thần doanh nhân. Vậy cần đối xử với những công nghệ còn lại như thế nào để nó có thể đến được với doanh nghiệp? PGS. TS Nguyễn Quang Vinh, trưởng ban KH&CN (ĐHQG TP.HCM) cho rằng, cần tính đến “chính sách chia sẻ quyền sở hữu công bằng và hợp lý đối với các sáng chế được hình thành từ kết quả nghiên cứu sử dụng vốn từ ngân sách và vốn hỗn hợp (trường viện và doanh nghiệp)”.

Ở góc độ một doanh nhân là nghiên cứu và từng tham gia giảng dạy tại trường ĐH Trà Vinh trong vòng 10 năm, TS. Nguyễn Thanh Mỹ thấu hiểu những vướng mắc liên quan đến công nghệ như vậy. Theo quan điểm của ông, Việt Nam có thể học hỏi rất nhiều từ các mô hình ở nước ngoài để không làm lãng phí nguồn lực. Một trong số đó là “cho phép các thầy được lập các công ty tư vấn công nghệ và cho phép các thầy thuê lại quyền sở hữu trí tuệ những công nghệ mà các thầy đã làm ra. Như vậy công nghệ mới có thể được mang ra thị trường công nghệ và tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể thuê lại. Như vậy công nghệ đó mới có thể đem lại lợi ích cho đất nước”, ông phân tích. Việc ưu tiên cho các nhà khoa học thuê lại công nghệ cũng có điểm hay là chọn lọc được công nghệ bởi “đồ xịn, đồ tốt, đồ thiệt thì các thầy mới thuê” và về lâu dài thì “các thầy sẽ không làm lén mà còn làm lớn nữa”, ông nói.

Những đề xuất liên quan đến chính sách như vậy đã được bàn tới bàn lui trong nhiều phiên họp do Bộ KH&CN tổ chức. Đó cũng là điểm trọng tâm của kế hoạch tái cơ cấu lại các chương trình KH&CN quốc gia và qua đó trên đường hình thành những cơ chế chính sách mới. Tại phiên họp tổng kết các chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia vào cuối năm 2021, ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Tài chính kế toán (Bộ KH&CN) cho biết, trên tinh thần Công văn số 1066/TTg-KGVX của Chính phủ về tái cơ cấu các chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 thì các nguyên tắc quản lý chương trình giai đoạn tới sẽ thể hiện quan điểm chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN sẽ tiến hành cùng Bộ Tài chính sửa đổi một số thông tư liên tịch và nghiên cứu thí điểm cơ chế xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước. “Chúng ta sẽ xây dựng trước tiên một cơ chế thí điểm đặc thù. Qua việc áp dụng cơ chế thí điểm đặc thù đó trên thực tế, kết quả của nó sẽ minh chứng cho việc chúng ta đề xuất sửa đổi các văn bản liên quan như Nghị định 70”, ông nói.

Chắc hẳn, khi nhìn toàn toàn bộ quá trình đầu tư làm ra một công nghệ và phát triển nó trở thành một sản phẩm có thể chuyển giao cho doanh nghiệp, nhiều người sẽ vẫn băn tự hỏi “vậy nhà nước có thể thu lại được gì qua việc đầu tư nguồn lực cho các hoạt động KH&CN?”. Giá trị của những khoản đầu tư cho khoa học cần phải có thời gian mới có thể kiểm chứng. Nhà vật lý Michael Fadaray từng giải đáp về lợi ích nhiều mặt của một khoản đầu tư “có lãi” như vậy trước câu hỏi “cái này để làm gì?” của người đứng đầu Chính phủ Anh sau khi nghe ông trình bày về nghiên cứu cảm ứng điện từ của mình: “Rồi một ngày nào đó, ngài sẽ có thể đánh thuế nó”.

Với nỗ lực trong khuôn khổ của mình, ĐHQGHN mới ban hành Chiến lược KH&CN và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030 có nêu giải pháp được đánh giá là cấp tiến: cho phép nhà khoa học được làm việc một tháng/năm tại doanh nghiệp trong và ngoài nước; cho phép nhà khoa học/đơn vị phối hợp với doanh nghiệp và nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp dạng spin-off; hỗ trợ kinh phí ban đầu cho các nhóm nghiên cứu thực hiện đấu thầu các nhiệm vụ KH,CN&ĐMST có quy mô từ 5 tỷ đồng trở lên…

Trong chiến lược, ĐHQGHN có nêu một số chỉ tiêu cơ bản như số lượng đơn đăng ký giải pháp hữu ích, sáng chế được chấp nhận hợp lệ/năm vào năm 2025 là 100 và năm 2030 là 150; số lượng bằng phát minh sáng chế được công nhận/năm vào năm 2025 là 25 và vào năm 2030 là 50; số lượng bản quyền tác giả vào năm 2025 là 200 và 300 vào năm 2030.