Cơ cấu lại nền kinh tế với đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số

PV

29/11/2021 15:02

Theo dõi trên

Quan điểm của Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 là cơ cấu lại nền kinh tế với đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế phát triển, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát huy vai trò, tiềm năng, thế mạnh kinh tế đô thị, các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn.

null
Ảnh minh họa

 

Về quan điểm, Nghị quyết nêu rõ, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bảo đảm ổn định vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nền kinh tế tự chủ, nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.

Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế trên cơ sở kế thừa và phát triển, vừa toàn diện vừa có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có dư địa lớn và khả năng bắt kịp, tiến cùng, vượt lên ở khu vực, thế giới và ba lĩnh vực quan trọng là cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là các tổ chức tín dụng; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Bên cạnh đó, cơ cấu lại nền kinh tế với đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế phát triển, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát huy vai trò, tiềm năng, thế mạnh kinh tế đô thị, các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết đô thị-nông thôn.

Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, trong đó nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng.

Phát huy cao độ yếu tố con người, giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết của dân tộc gắn với khai thác tối đa các cơ hội, thuận lợi và phù hợp xu thế phát triển trên thế giới, không để lỡ nhịp trong xu hướng hồi phục kinh tế thế giới cũng như quá trình tái cấu trúc chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Mục tiêu tổng quát mà Nghị quyết số 31/2021/QH15 đặt ra là hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; phát triển được nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao; tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.  

Nghị quyết xác định 7 mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025. Cụ thể, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm, trong đó tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,5 - 7%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm và 5 thành phố trực thuộc Trung ương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động trung bình cả nước; nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng, trong đó năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khoảng 45% GDP. Thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước trong nhóm ASEAN-4, đặc biệt đối với các chỉ số về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực.

Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7% GDP; giảm tối thiểu 10% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021, có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính; bảo đảm tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 32-34% GDP.

Nghị quyết đề ra mục tiêu phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có khoảng 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%; tối thiểu có 5 đến 10 sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu quốc tế.

Kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Phấn đấu đến hết năm 2025 có khoảng 35.000 hợp tác xã, trong đó có trên 3.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản, khoảng 35% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

Bạn đang đọc bài viết "Cơ cấu lại nền kinh tế với đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số" tại chuyên mục Sự kiện. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com