Trên mạng xã hội TikTok xuất hiện nhiều đoạn clip với nội dung liên quan đến việc hướng nghiệp cho giới trẻ. Trong đó, một số TikToker liệt kê những tấm bằng đại học khó có cơ hội nghề nghiệp như quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Marketing và quản lý nhân sự...
Đây đều là những ngành hot với số lượng sinh viên đông và điểm đầu vào cao ngất ngưỡng hàng năm. Đồng thời, những người này còn khuyến khích giới trẻ đừng nên theo học những chuyên ngành đó vì cơ hội việc làm tỉ lệ thấp sau khi ra trường.
Chàng TikToker H.Đ đã chia sẻ: "Ngành quản trị kinh doanh rất chung chung, ra trường chỉ có 2 cơ hội nghề nghiệp là sales và marketing nhưng thực chất hiện giờ bạn mới làm sales hay Marketing thì học ngành nào cũng làm được. Thứ hai là ngành ngôn ngữ Anh, thời đại này không ai không biết tiếng Anh, các bạn nên học ngành khác rồi sau đó thi IELTS.
Thứ ba là ngành marketing, thời này không cần có bằng marketing thì các bạn cũng có thể đi làm được, chủ yếu là bạn có kinh nghiệm thì sẽ nhận được lương thôi. Cuối cùng là ngành quản lý nhân sự, ngành này thì thiên về sử dụng kỹ năng phần mềm, nên các bạn không cần bằng đại học thì vẫn có thể làm được".
Những phát ngôn của chàng TikToker lập tức nhận về những ý kiến phản đối, đa phần dân tình cho rằng việc tìm kiếm được việc làm phụ thuộc vào năng lực của từng cá nhân. Kiến thức được tiếp thu ở giảng đường đại học sẽ có giá trị nếu sinh viên biết cách áp dụng nó vào thực tiễn.
Từ khi đoạn clip này được quan tâm, nhiều Content Creator khác cố tình đưa ra những quan điểm liên quan đến vấn đề học đại học để tạo nên những luồng tranh cãi trái chiều và đẩy clip của họ dễ dàng lên xu hướng. Đây được xem là "thủ đoạn" để các TikToker tìm kiếm thêm lượng người theo dõi và tiếp cận với giới trẻ bằng nội dung sai lệch.
TikToker Lê Công Minh những nội dung này cực kỳ nguy hiểm với giới trẻ vì làm sai lệch về tư duy, định hướng nghề nghiệp của giới trẻ. "Nó còn làm cho hàng nghìn sinh viên đang theo đuổi các ngành học này chán nản và hoang mang về ngành học của chính mình" - Công Minh nhấn mạnh về tác hại của nội dung bẩn.
Lê Công Minh cho biết những đoạn clip bàn tán về chủ đề "những bằng đại học vô dụng" khiến giới trẻ lệch lạc về tư tưởng, ảnh hưởng xấu đến GenZ.
Mỗi ngành học đều có giá trị, mọi kiến thức đều có thể áp dụng vào thực tiễn. Mặc dù, thời đại và xu hướng toàn cầu có thay đổi ít nhiều nhưng quan trọng là cách người học biết ứng dụng và đáp ứng sao cho phù hợp. Việc theo học các ngành nghề như thế nào, ở ngôi trường top đầu hay những cơ sở đào tạo tư nhân đều không ảnh hưởng quá nhiều đến câu chuyện đầu ra, cơ hội việc làm. Sau khi ra trường, sinh viên làm việc ở các tập đoàn lớn, thu nhập khủng hoàn toàn dựa trên kiến thức và kinh nghiệm cá nhân nên không thể so sánh ngành tốt và ngành học "vô dụng".