Công bố Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030

Quy hoạch khoáng sản là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về quy hoạch khoáng sản, mở ra không gian phát triển mới cho ngành bền vững hơn.

Sáng 25/12, tại TP. Đà Nẵng, Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương tổ chức hội thảo công bố “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

dsc0934020231225095321-1703506474.jpg

Công bố Quy hoạch khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 tại TP. Đà Nẵng (khu vực miền Trung)

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Thành – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, ngày 18/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 866/QĐ-TTg về việc Phê duyệt thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch khoáng sản).

Quy hoạch khoáng sản được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ là cơ sở pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về quy hoạch khoáng sản mà còn mở ra không gian phát triển mới cho ngành khai khoáng, chế biến khoáng sản Việt Nam theo hướng hiệu quả hơn, bền vững hơn, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp của Quy hoạch tổng thể quốc gia.

dsc0933820231225095319-1703506474.jpg

Ông Nguyễn Ngọc Thành – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp

Thực hiện thành công các mục tiêu trên, ngành khai khoáng, chế biến khoáng sản sẽ từng bước trở thành ngành công nghiệp nền tảng, cung cấp nguyên vật liệu quan trọng không thể thiếu để phát triển các ngành công nghiệp khác (ngành điện, hoá chất, chế tạo máy, giao thông vận tải, công nghiệp quốc phòng, công nghiệp xây dựng...) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

“Hội thảo công bố Quy hoạch khoáng sản ngày hôm nay nhằm mục tiêu tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến, công khai nội dung quy hoạch, các quy định và công tác quản lý quy hoạch để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng về việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến quy hoạch”, Phó Cục trưởng Nguyễn Ngọc Thành nói.

Tại hội thảo, đại diện đơn vị tư vấn lập quy hoạch đã thông tin nội dung đánh giá các quy hoạch giai đoạn trước; các nội dung chính xây dựng quy hoạch gồm quan điểm, mục tiêu; xây dựng quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản kim loại; kinh phí thực hiện và các giải pháp triển khai hiệu quả quy hoạch.

dsc0934720231225095322-1703506473.jpg

Các đại biểu phát biểu ý kiến tại Hội thảo

Cùng với đó, các đại biểu tham dự hội thảo đã nêu các ý kiến, thắc mắc để triển khai hoạt động thai thác, chế biến khoáng sản theo Quy hoạch khoáng sản đã đề ra. Trong đó, tập trung về vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến, khai thác khoáng sản và giải pháp để Việt Nam không trở thành “bãi rác” công nghệ; làm rõ vai trò, trách nhiệm của Sở Công Thương các địa phương trong triển khai Quy hoạch 866; liên kết hợp tác và tập trung chế biến sâu để phát triển bền vững…

Được biết, trước đó, Cục Công nghiệp đã thực hiện công bố quy hoạch tại TP. Hà Nội và tỉnh Lâm Đồng.

Quy hoạch khoáng sản được xây dựng nhằm thực hiện 3 mục tiêu lớn

- Tài nguyên khoáng sản được quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa các-bon. Đẩy mạnh đầu tư, hình thành ngành khai thác, chế biến đồng bộ, hiệu quả với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại phù hợp với xu thế của thế giới.

- Đối với các loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng (bô-xít, titan, đất hiếm, crômit, niken, đồng, vàng), các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ phải có đủ năng lực và phải đầu tư các dự án chế biến phù hợp sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường bền vững.

- Hạn chế và tiến tới chấm dứt khai thác các mỏ trữ lượng thấp, phân tán, nhỏ lẻ, tập trung tài nguyên khoáng sản từ các mỏ/điểm mỏ quy mô nhỏ thành các cụm mỏ quy mô đủ lớn để đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư mới cho các hoạt động của Quy hoạch khoáng sản giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 vào khoảng 659.367 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2030 là 437.672 tỷ đồng, giai đoạn 2030 – 2050 là 222.695 tỷ đồng.