Ngủ gật khi lái xe sẽ gây ra hậu quả khôn lường và là một trong những lý do phổ biến dẫn đến các vụ tai nạn. Chính vì thế, nhiều nhà sản xuất ô tô đã trang bị công nghệ phát hiện lái xe mệt mỏi, có dấu hiệu buồn ngủ để ngăn ngừa sự cố xảy ra.
Công nghệ phát hiện lái xe buồn ngủ hay giám sát tài xế đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Vậy cách hoạt động của công nghệ này như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu ngay trong bài viết sau.
Công nghệ phát hiện lái xe ngủ gật hoạt động ra sao?
Các hệ thống phát hiện lái xe buồn ngủ trên ô tô ngày nay đều sử dụng một phương pháp là dùng thiết bị giám sát gương mặt để xác định xem tài xế có buồn ngủ hay có vấn đề đáng chú ý nào khác không. Cụ thể hơn, các hệ thống này sẽ sử dụng cảm biến và camera để liên tục quét gương mặt người lái, theo dõi số lần chớp mắt, cử động đầu, số lần ngáp để xác định xem tài xế có buồn ngủ không. Những công nghệ phát hiện buồn ngủ này đôi khi liên kết với các cảm biến bên ngoài để kiểm tra xem người lái có đi lệch làn đường hay phản ứng quá chậm không.
Nếu một hoặc nhiều các dấu hiệu trên xảy ra và nhận thấy sự khác lạ của lái xe, hệ thống báo thức chống buồn ngủ sẽ được kích hoạt, nhằm thu hút sự chú ý của người lái. Chức năng này có thể cảnh báo bằng âm thanh, rung lắc vô lăng, thậm chí là rung ghế lái (tùy vào trang bị của từng hãng).
Công nghệ phát hiện lái xe ngủ gật ở các hãng ô tô
Hầu hết tính năng này đều được gọi với cái tên như giám sát người lái hay cảnh báo lái xe mất tập trung. Một số nhà sản xuất ô tô lại kết hợp hệ thống phát hiện lái xe buồn ngủ này với các tính năng an toàn khác vào gói hỗ trợ lái của mình. Dưới đây là một số công nghệ phát hiện lái xe buồn ngủ của một số hãng ô tô:
- Super Cruise của GM: Super Cruise về cơ bản là hệ thống hỗ trợ lái bán tự động của tập đoàn GM. Tuy nhiên, hệ thống này cũng sử dụng công nghệ giám sát người lái FOVIO để theo dõi xem tài xế có mệt mỏi hay không. Công nghệ này có sẵn trên một số mẫu xe của tập đoàn GM như Cadillac Escalade.
- Driver Alert Control (DAC) của Volvo: Nhà sản xuất ô tô Thụy Điển đi đầu trong công nghệ này và đã giới thiệu DAC vào năm 2007, để giúp người lái nhận biết khi họ điều khiển xe kém ổn định hơn và bị phân tâm do buồn ngủ. Phiên bản cập nhật của công nghệ này có sẵn trên toàn bộ dòng sản phẩm, bao gồm cả XC90 .
- Attention Assist của Mercedes-Benz: Gói công nghệ an toàn này bao gồm cả tính năng phát hiện sự mệt mỏi của người lái xe, có sẵn trên tất cả các mẫu xe mới nhất của Mercedes-Benz. Hệ thống phát hiện buồn ngủ của Mercedes-Benz tính toán cả thời lượng lái xe, thời điểm trong ngày, tình trạng giao thông ngay lúc đó. Hệ thống ghi lại vài phút đầu tiên lái xe và phân tích thói quen của người lái, rồi sử dụng chúng làm cơ sở trong chuyến đi, liên tục so sánh các số liệu để xác định người lái có dấu hiệu mệt mỏi hay không.
- Active Protection System của BMW: Hệ thống bảo vệ chủ động này sử dụng các tính năng và camera giám sát người lái để phát hiện xem có chuyển động bất thường nào cho thấy lái xe buồn ngủ hay không. Tính năng cảnh báo mệt mỏi và mất tập trung là trang bị tiêu chuẩn trên những chiếc xe BMW như 7-Series.
- Hệ thống hỗ trợ người lái EyeSight của Subaru: Bộ hỗ trợ an toàn toàn diện này giám sát cả phương tiện và sẽ cảnh báo nếu người lái đi chệch làn đường. Đây là công nghệ tiêu chuẩn trên tất cả các xe Subaru mới, bao gồm Outback và Forester.
- Hệ thống giám sát lái xe của VinFast: Hệ thống giám sát tài xế của VinAI sử dụng camera hồng ngoại nhận diện gương mặt tài xế và phát hiện các hành vi lái xe nguy hiểm như mệt mỏi, buồn ngủ (ngáp). Tính năng này được hãng thông báo là sẽ xuất hiện trên VinFast VF 8 và VF 9.