Một năm nhiều tổn thương và thách thức
Trải qua gần một năm biến động chung của thị trường bất động sản, đối mặt với nhiều thách thức khi giao dịch sụt giảm, hầu hết các công ty bất động sản đều cắt giảm lương cũng như nhân sự. Trong đó, đội ngũ môi giới là lực lượng đầu tiên chịu những tổn thương.
Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), tính đến năm 2022 tại Việt Nam có khoảng 200.000 người hoạt động môi giới bất động sản. Tuy nhiên, đến hết quý 2.2023, số môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30% - 40% so với giai đoạn đầu năm 2022. Đặc biệt, tại một số khu vực, 80% môi giới bất động sản đã nghỉ việc.
Số liệu từ VARS cho biết trong 5 tháng đầu năm 2023, có 554 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, cả nước có trên 95% doanh nghiệp bất động sản phải thu hẹp quy mô lao động.
Bộ Xây dựng đã đưa ra đánh giá, đây là giai đoạn thách thức đối với những đơn vị môi giới không đủ năng lực cạnh tranh để tồn tại nhưng cũng là cơ hội để các đơn vị chuyên nghiệp vượt lên và phát triển bền vững hơn.
Từ quý 2, thị trường bất động sản bắt đầu hồi phục, đặc biệt rõ nét ở Hà Nội với nguồn cung mở mới đã tăng 153% so với quý 1. Để thúc đẩy giao dịch, các chủ đầu tư ra nhiều chính sách bán hàng hấp dẫn, lượng tiêu thụ của bất động sản cao tầng tại Hà Nội tăng 67% so với quý 1. Dự báo, từ nay đến cuối năm 2023, nguồn cung và lượng tiêu thụ tại thị trường Hà Nội tiếp tục đà hồi phục và là thời điểm tốt nhất cho các nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bất động sản BHS (BHS Group) đã từng chia sẻ, một chương mới cho một giai đoạn bất động sản mới đang dần mở ra. Khó khăn trước mắt vẫn còn nhưng những gì khó khăn nhất thì đã ở phía sau lưng những người làm bất động sản. Tuy nhiên, khi nhìn đến nhân tố vô cùng quan trọng của thị trường, là các sàn giao dịch và lực lượng môi giới bất động sản, vị này lại thấy một thảm cảnh.
Lực lượng môi giới đã biến mất một cách nhanh chóng. Cách đây hơn một năm, chỉ cần một sản phẩm mới ra thị trường đã có tới hàng ngàn sales tham gia. Nhưng hiện nay, đến 70% sales đã chuyển sang làm công việc khác. 30% còn lại là những người lành nghề, có sẵn tích luỹ tiền bạc mới chống chọi được trong thời gian khốc liệt vừa qua.
Chủ tịch BHS Group cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do thị trường mất thanh khoản đột ngột. Các chủ đầu tư rơi vào tình cảnh khó khăn, việc thanh toán công nợ cho Sàn và sales bị chậm.
Theo VARS, nếu tình hình khó khăn trên thị trường bất động sản tiếp tục duy trì đến hết năm 2023, số lượng doanh nghiệp có nguy cơ phá sản sẽ tiếp tục tăng cao.
“Giải cứu” môi giới bất động sản?
Thực tế nêu trên, phải chăng là lý do mà thời gian gần đây, các đơn vị đã liên tục đưa ra giải pháp để “cứu” lấy lực lượng này?
Đơn cử, ngay từ giữa quý 2, OneHousing liên tục tổ chức các sự kiện tuyển dụng để mở rộng lực lượng môi giới chuyên nghiệp. Đại diện OneHousing cho biết, mỗi sự kiện thu hút hàng trăm lượt sales bất động sản đến tham dự, chuỗi hoạt động tuyển dụng và đào tạo sẽ được kéo dài tới tận cuối năm, để quy tụ lực lượng môi giới bất động sản giỏi nhất về Pro Agent (một thương hiệu đội ngũ môi giới bất động sản của OneHousing).
Đơn vị này dự tính, tới cuối 2023 lực lượng môi giới của OneHousing sẽ lên tới 1.000 sales tập trung cho thị trường Hà Nội chuyên bán loại hình nhà thổ cư, nhà dự án (bao gồm cao tầng và thấp tầng). Đồng thời đặt tham vọng trong 2024, mạng lưới môi giới của OneHousing trong cả nước sẽ đạt 10.000 sales.
Theo tìm hiểu, hệ số hoa hồng OneHousing đang chi trả là 50% cho người bán hàng trực tiếp và 20% cho quản lý, nhận ngay khi hoàn tất giao dịch.
Trước đó, VARS cũng đã cho ra đời VARs Connect - hệ sinh thái ứng dụng proptech ALL IN ONE. Đơn vị này cho biết, đây là siêu ứng dụng của ngành bất động sản, phục vụ như cầu quản trị thông tin trên môi trường số. Đồng thời là một giải pháp công nghệ toàn diện cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư, nhà đầu tư, đội ngũ môi giới bất động sản và chuyên viên ngân hàng…
Theo giới thiệu của VARS, các thông tin và số liệu trong hệ sinh thái này sẽ bắt mạch đúng nhịp thở của thị trường, dự đoán và kiểm soát được rủi ro cho các chủ thể là đối tượng doanh nghiệp bất động sản, môi giới bất động sản và cá nhân có nhu cầu quan tâm và giao dịch bất động sản. Ngoài ra, việc đội ngũ môi giới tham gia phần lớn là môi giới định danh, sẽ mang lại giá trị thực cho khách hàng và cộng đồng, là yếu tố tạo nên tính minh bạch và bền vững cho thị trường bất động sản.
Thực tế đã chỉ ra, trải qua hàng loạt những biến động của thị trường những năm vừa qua, đáng chú ý là những cơn sốt đất từ Bắc chí Nam, nghề môi giới đã bộc lộ sự non nớt về chuyên môn và quản lý khi một lượng lớn môi giới là dân “tay ngang”, tranh thủ tham gia thị trường để kiếm lợi bằng những chiêu trò. Hệ quả là tạo ra một thị trường hỗn độn, thiếu minh bạch, khiến nhiều nhà đầu tư kém hiểu biết rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.
Tuy nhiên, PGS.TS. Trần Đình Thiên đánh giá, so với thập kỷ trước, người làm nghề môi giới hiện đã cải thiện và chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Song, nghề môi giới bất động sản tại Việt Nam vẫn còn những mảng tối. Do đó, việc nâng cao hơn nữa số lượng và chất lượng của nghề môi giới nói chung rất quan trọng.
Bởi trên thực tế, dù nguồn cung và cầu thị trường có tốt hơn nhưng “mắt xích” môi giới yếu sẽ làm chậm quá trình phục hồi của thị trường lại rất nhiều.