Đà Nẵng: Xác định “sức khoẻ” của doanh nghiệp là yếu tố quyết định khả năng phục hồi của kinh tế

Sáng 24/9, Thành ủy và UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp dành cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với sự tham dự của gần 150 khách mời trực tiếp mỗi phiên và trực tuyến qua hệ thống hội nghị trực tuyến Zoom.

Hội nghị được tổ chức với mục đích đối thoại giữa lãnh đạo thành phố và Hội, Hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để kịp thời lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Đồng thời, tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị, đề xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố trong thời gian đến; cũng như kịp thời sửa đổi, ban hành các chính sách hỗ trợ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị, đề xuất các cơ quan Trung ương xem xét, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp.

z2788387714490_9764089b99

Theo ông Lê Trung Chinh- Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng TP Đà Nẵng “sức khoẻ” của doanh nghiệp là yếu tố hàng đầu quyết định đến khả năng phục hồi của nền kinh tế

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, từ ngày 3/5, Đà Nẵng đã ghi nhận hơn 4.800 ca nhiễm Covid-19. Để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh, TP Đà Nẵng đã triển khai xây dựng kịch bản tiếp cận phù hợp, tuỳ theo tình hình diễn biến của dịch bệnh trong từng giai đoạn. Trong 20 ngày, thực hiện đợt phong tỏa “chưa từng có trong tiền lệ” theo Quyết định 2788 với hàng loạt yêu cầu đặt ra cao hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, doanh nghiệp áp dụng nghiêm ngặt quy trình “3 tại chỗ” với số lượng nhân công cho phép tối đa 30% nhằm duy trì sản xuất tối thiểu, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng và các hoạt động. Việc triển khai các mô hình “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 điểm đến” đã gây gia tăng chi phí và phát sinh nhiều vấn đề trong vận hành nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều rất chủ động xây dựng phương án thích nghi với bối cảnh dịch bệnh và phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp.

Chính sự nỗ lực của các doanh nghiệp đã giúp TP Đà Nẵng đảm bảo “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”.

z2788473525301_cc3cf94fa4

Ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp sẽ giúp lãnh đạo thành phố hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp.

Mặc khác, việc áp dụng các quy định về việc thực hiện giãn cách xã hội và một số biện pháp cấp bách để phòng, chống Covid-19, nhất là trong giai đoạn tháng 8, đã làm cho một số ngành kinh tế chủ lực của thành phố giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020 và giảm sâu so với cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2021 của TP Đà Nẵng ước đạt 15.050 tỷ đồng, bằng 69,1% dự toán HĐND thành phố giao. Ước 9 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công theo dự toán năm 2021 đạt 3.500 tỷ đồng, đạt 50,5% kế hoạch Trung ương giao và 36,7% HĐND thành phố giao (giảm so với cùng kỳ năm 2020 là 40,7%).

TP Đà Nẵng xác định “sức khoẻ” của doanh nghiệp là yếu tố hàng đầu quyết định đến khả năng phục hồi của nền kinh tế; đặc biệt sức mạnh nội lực đến từ các doanh nghiệp trong nước có ý nghĩa quan trọng vì đây chính là nhân tố bảo đảm việc phát huy hiệu quả các nguồn ngoại lực, tạo thành nguồn lực tổng hợp to lớn cho phát triển.

vungxanh1

Đà Nẵng cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng

Theo dự báo, dịch bệnh sẽ vẫn kéo dài trong thời gian tới, gây tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, dẫn đến nhiều xáo trộn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp cũng như sự thay đổi thường xuyên các định hướng, chính sách của chính quyền.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Lê Trung Chinh, với sự đồng lòng và quyết tâm cao của chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp, Đà Nẵng sẽ có đủ sức mạnh, sẵn sàng vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, sớm phục hồi mạnh mẽ và bước vào trạng thái bình thường mới, phát triển bền vững.

“Cũng giống như phương châm chống dịch “không để ai bị bỏ lại phía sau”, lãnh đạo thành phố cam kết sẽ nỗ lực để “không doanh nghiệp nào bị bỏ lại phía sau”, tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng”, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định.