Tại Hội thảo “Vật liệu xây dựng phát thải thấp và công trình nhà ở các bon thấp" vừa được tổ chức mới đây, các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản đã làm rõ hai trong số các vấn đề của Chính phủ đang chỉ đạo và được đông đảo người dân quan tâm đó là tiến tới giảm phát thải ròng về 0 (net zero) vào năm 2050; và mục tiêu xây dựng 1 triệu NƠXH.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tính đến nay, cả nước có 301 dự án NƠXH đã hoàn thành, với quy mô xây dựng khoảng 155.790 căn, tổng diện tích khoảng hơn 7,7 triệu m2.
Hiện có 418 dự án đang triển khai thực hiện, bao gồm các dự án đang xây dựng và dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn, tổng diện tích khoảng 22,5 triệu m2.
Để thúc đẩy việc xây dựng NƠXH, hướng tới mục tiêu 1 triệu căn NƠXH mà Chính phủ đề ra, có nhiều chính sách đã được ban hành. Trong đó, mới nhất là Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua NƠXH, nhà ở công nhân; xây mới/sửa chữa nhà ở theo chính sách về NƠXH, tổng số vốn là 15.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Trong đó chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân.
Tại hội thảo, TS. Thái Duy Sâm, Phó chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đã trình bày những thuận lợi, thách thức về vật liệu xây dựng pháp thải thấp và hiệu quả năng lượng cho xây dựng nhà ở; đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng phát thải thấp và hiệu quả năng lượng, đặc biệt trong xây dựng NƠXH góp phần giảm giá thành sản phẩm.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sản phẩm, hướng dẫn sử dụng và định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến việc sử dụng vật liệu xây dựng xanh. Đối với công trình NƠXH, cần đưa ra các tiêu chí và thông số đặc thù cụ thể.
Cũng trong hội thảo, các chuyên gia đã trình bày nhiều tham luận xoay quanh các vấn đề chính sách nhà nước về phát triển NƠXH và cho vay ưu đãi cho người thu nhập thấp; ứng dụng bê tông siêu tính năng UHPC trong thực hiện mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp.
Ngoài ra, vấn đề kiến trúc và vật liệu cho NƠXH hiệu quả năng lượng; sơn sinh thái graphenstone cho thế hệ xanh không plastic, không VOC, không formaldehyde; nhà ở công nhân và NƠXH giảm nhiệt bên trong và bên ngoài công trình cũng được đề cập.
Thời gian tới, cần tiếp tục ban hành đầy đủ và rà soát sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách như chính sách hỗ trợ về đầu tư, tài chính, thuế... nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng phát thải thấp. Đặc biệt, trong các công trình xây dựng NƠXH, góp phần hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ đưa phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.