Đề xuất sửa quy định về tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng

Châu An

15/04/2024 11:33

Theo dõi trên

Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2019/TT-NHNN quy định về thực hiện dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

du-thao-se-sua-doi-bo-sung-4-dieu-trong-thong-tu-30-la-dieu-3-dieu-7-dieu-13-va-dieu-16-pld-1713155469.jpg
 Dự thảo sẽ sửa đổi, bổ sung 4 điều trong Thông tư 30 là Điều 3, Điều 7, Điều 13 và Điều 16.

Dự thảo Thông tư sửa đổi Điều 7 về giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc như sau:

Thứ nhất, tổ chức tín dụng hỗ trợ quy định tại khoản 39 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng (tổ chức tín dụng hỗ trợ) được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt theo phương án phục hồi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Thứ hai, tổ chức tín dụng là bên nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng (tổ chức tín dụng nhận chuyển giao) được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo phương án chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Thứ ba, mức giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với từng tổ chức tín dụng quy định tại khoản 1 và 2 nêu trên được tính trên cơ sở tỷ lệ dự trữ bắt buộc quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này và áp dụng đối với tất cả các loại tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc.

Theo Ngân hàng Nhà nước, dự thảo bổ sung trường hợp giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tổ chức tín dụng là bên nhận chuyển giao ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt để thống nhất với điểm p khoản 1 Điều 185 Luật tổ chức tín dụng 2024 quy định quyền của bên nhận chuyển giao: Được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Ngoài ra, dự thảo Thông tư bổ sung khoản 4 Điều 3 về các tổ chức tín dụng không thực hiện dự trữ bắt buộc để thống nhất với khoản 2 Điều 23 Luật tổ chức tín dụng 2024 quy định: Ngân hàng chính sách không phải thực hiện dự trữ bắt buộc.

Dự trữ bắt buộc hay tỉ lệ dự trữ bắt buộc là một quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỉ lệ giữa tiền mặt và tiền gửi mà các ngân hàng thương mại bắt buộc phải tuân thủ để đảm bảo tính thanh khoản.

* Tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quy định tại Điều 1 Quyết định số 1158/QĐ-NHNN ngày 29/5/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như sau:

- Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô: Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các loại tiền gửi bằng đồng Việt Nam và tiền gửi bằng ngoại tệ là 0%.

- Ngân hàng chính sách: Tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo quy định của Chính phủ.

Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, ngân hàng chính sách trong trường hợp được áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc là 0% đối với tất cả các loại tiền gửi không phải báo cáo Ngân hàng nhà nước về số dư tiền gửi huy động bình quân phải dự trữ bắt buộc theo quy định về dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng.

- Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác xã áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc tương ứng với từng loại tiền gửi như sau:

+ Tiền gửi bằng đồng Việt Nam không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng là 3% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc;

+ Tiền gửi bằng đồng Việt Nam kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 1% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc;

+ Tiền gửi bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng ở nước ngoài là 1 % trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc;

+ Tiền gửi bằng ngoại tệ phải tính dự trữ bắt buộc khác không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng là 7% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc;

+ Tiền gửi bằng ngoại tệ phải tính dự trữ bắt buộc khác kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 5% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc.

- Tổ chức tín dụng khác (ngoài các tổ chức tín dụng trên) áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc tương ứng với từng loại tiền gửi như sau:

+ Tiền gửi bằng đồng Việt Nam không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng là 3% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc;

+ Tiền gửi bằng đồng Việt Nam kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 1% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc;

+ Tiền gửi bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng ở nước ngoài là 1% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc;

+ Tiền gửi bằng ngoại tệ phải tính dự trữ bắt buộc khác không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng là 8% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc;

+ Tiền gửi bằng ngoại tệ phải tính dự trữ bắt buộc khác kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 6% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc.

Bạn đang đọc bài viết "Đề xuất sửa quy định về tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng" tại chuyên mục Tài chính - Ngân Hàng. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com