Doanh nghiệp của đại gia Lê Phước Vũ “teo tóp” lợi nhuận

Một trong những ông lớn ngành thép từng báo lãi hàng nghìn tỉ đồng như Tập đoàn Hoa Sen nhưng đến nay phải đành “ngậm ngùi” với vỏn vẹn chỉ vài chục tỉ đồng.

Nhu cầu nội địa suy yếu tạo áp lực lên giá bán

Trong báo cáo mới đây về hoạt động kinh doanh của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG), Công ty chứng khoán SSI cho rằng kết quả kinh doanh niên độ 2023 (bắt đầu từ 1/10/2022 đến 30/9/2023) của Hoa Sen có thể bị ảnh hưởng lớn từ việc giá thép bị điều chỉnh giảm trong năm nay.

gia-thep-dieu-chinh-co-the-anh-huong-den-du-phong-hang-ton-kho-cua-hoa-sen-pld-1684423950.png
Giá thép điều chỉnh có thể ảnh hưởng đến dự phòng hàng tồn kho của Hoa Sen, khiến lợi nhuận doanh nghiệp của ông Lê Phước Vũ giảm mạnh tới 84%

SSI cho biết, lợi nhuận quý 2 niên độ tài chính 2022-2023 (từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/3/2023) của Hoa Sem đã trở lại mức dương 251 tỉ đồng, cao hơn 7% so với cùng kỳ, nhờ hoàn nhập dự phòng hàng tồn kho.

Trong đó, việc hoàn nhập dự phòng hàng tồn kho là nhờ giá thép phục hồi, từ đó giúp cải thiện tỉ suất lợi nhuận gộp lên mức 12,9% trong quý 2, so với mức 2% trong quý liền trước và 11,3% cùng kỳ năm 2022.

Nhà sản xuất tôn thép này đã giảm được 466 tỉ đồng dự phòng hàng tồn kho so với quý liền trước xuống còn 185 tỉ đồng trong tháng 3, do giá HRC phục hồi với mức tăng trung bình khoảng 9% trong quý. Mặt khác, giá bán trung bình của công ty cũng tăng nhẹ 1,6% so với quý trước, nhưng giảm 14% so với cùng kỳ.

nhu-cau-noi-dia-yeu-co-the-khien-loi-nhuan-hoa-sen-co-the-giam-pld-1684423949.png
Nhu cầu nội địa yếu có thể khiến lợi nhuận Hoa Sen có thể giảm 84% năm nay

Tuy vậy, sản lượng tiêu thụ của Hoa Sen vẫn yếu, đặc biệt là ở thị trường trong nước với sản lượng tiêu thụ quý 2 giảm 37% so với cùng kỳ, xuống 167.000 tấn (tương đương mức đáy quý 4/2021 trong bối cảnh thực thi giãn cách xã hội do dịch Covid-19).

Trong khi đó, thị trường xuất khẩu đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi khi sản lượng tiêu thụ ổn định ở mức 50.000 tấn trong tháng 2 và 3 so với mức đáy 32.000 tấn từ tháng 7 đến tháng 9/2022.

Tính chung nửa đầu niên độ tài chính 2023, Hoa Sen đã ghi nhận khoản lỗ 430 tỉ đồng, giảm mạnh so với mức lãi 872 tỉ đồng trong nửa đầu niên độ tài chính 2022, với nguyên nhân chính tới từ khoản lỗ lớn ở quý đầu năm.

Về triển vọng kinh doanh thời gian tới, SSI dự báo sản lượng xuất khẩu của Hoa Sen sẽ phục hồi ổn định, lên gần 60.000 tấn/tháng trong vài tháng tới, nhờ nhu cầu phục hồi từ thị trường Mỹ và châu Âu. Hiện tại, Hoa Sen cũng đã chốt đơn hàng xuất khẩu trước gần 100.000 tấn. Tuy nhiên, tỉ suất lợi nhuận xuất khẩu nhiều khả năng vẫn thấp hơn so với kênh nội địa do thuế nhập khẩu và chi phí vận chuyển.

Mặt khác, thị trường trong nước nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục ảm đạm do suy thoái kinh tế. Do đó, sản lượng tiêu thụ của Hoa Sen sẽ giảm 24% trong cả niên độ tài chính 2022-2023, đạt 1,36 triệu tấn.

Lợi nhuận lao dốc tới 84%

Thời gian tới, tỉ suất lợi nhuận của nhà sản xuất tôn thép này cũng được dự báo giảm do giá thép điều chỉnh. Trong đó, giá thép cuộn cán nóng HRC trong nước đã giảm gần 12% trong 2 tháng qua, sau khi giá tại Trung Quốc giảm khoảng 14%, do dư cung tại các nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới.

Theo SSI, các đơn hàng được ký trước sẽ giúp Hoa Sen đảm bảo tỉ suất lợi nhuận cho kênh xuất khẩu thời gian tới. Tuy nhiên, giá thép điều chỉnh có thể ảnh hưởng kém tích cực đến dự phòng hàng tồn kho của công ty và khiến tỉ suất lợi nhuận quý 3 thấp hơn quý gần đây.

Do đó, SSI hạ đáng kể ước tính lợi nhuận năm nay của Hoa Sen từ 263 tỉ đồng xuống 41 tỉ đồng và giảm 84% so với cùng kỳ năm trước.

Về triển vọng ngắn hạn, SSI cho rằng vẫn còn nhiều thách thức và lợi nhuận còn biến động mạnh do nhu cầu nội địa yếu và giá thép thế giới điều chỉnh khiến tỉ suất lợi nhuận của Hoa Sen rất mỏng.

Ngoài ra, SSI cũng lưu ý rằng với kết quả lợi nhuận âm trong nửa đầu năm 2023, Hoa Sen có khả năng bị loại khỏi danh sách cổ phiếu được giao dịch ký quỹ tại HoSE sau khi báo cáo tài chính soát xét được công bố.