Dự án “Mỏ sắt Thạch Khê” - Bài toán còn nan giải

Nhật Dương

21/09/2023 18:03

Theo dõi trên

Dự án đầu tư khai thác, tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) khởi động từ năm 2009. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hàng nghìn tỉ đồng vào khai thác, chế biến thử nghiệm; nhưng tổng thể hoạt động Dự án chưa bao giờ suôn sẻ. Dự án phải dừng từ năm 2019 đến nay, bởi có nhiều ý kiến trái chiều. Đầu tháng 7/2023, một “phương án trung gian” được Tập đoàn Công nghiệp Than & Khoáng sản Việt Nam (TKV) đề xuất; nhưng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa đồng tình, vì nhiều lẽ.

Quan điểm trái nhau

Mỏ sắt Thạch Khê lớn nhất Đông Nam Á nằm trên địa bàn 5 xã Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Trị, Thạch Lạc; trữ lượng khoảng 544 triệu tấn. Dự án do Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) thuộc TKV làm chủ đầu tư, trên tổng diện tích 4.821 ha.
Tháng 9/2009, TIC khởi động Dự án bằng việc thực hiện thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ. Tuy nhiên, quá trình bóc đất tầng phủ nảy sinh những bất cập về thiết kế kỹ thuật, công nghệ khai thác và đối diện khó khăn tài chính. Đến tháng 11/2011, Dự án phải tạm dừng, chờ thẩm định lại thiết kế kỹ thuật và tái cơ cấu cổ đông. Trước khi Dự án tạm dừng, TIC có hơn 400 lao động, bao gồm lao động của TIC và các nhà thầu; đa số lao động người địa phương; số lao động còn lại sau khi Dự án bị tạm dừng là 48.
Năm 2018, ngay từ khi Bộ KH&ĐT đề xuất dừng triển khai Dự án, Bộ Công Thương đã cho rằng đề xuất đó chưa đủ cơ sở khoa học và thực tiễn, cần xem xét thận trọng, toàn diện. Theo Bộ KH&ĐT, năng lực tài chính của TIC không đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư Tổ hợp Dự án theo tiến độ, dù trong 3 năm đã 2 lần điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư; Dự án điều chỉnh được phê duyệt năm 2014 chưa tính đủ chi phí vào tổng đầu tư và chưa dự báo giá quặng sắt trong dài hạn, nên không đủ cơ sở tính toán hiệu quả. Hơn nữa, cũng theo Bộ KH&ĐT, còn một số quan ngại về môi trường: cạn kiệt nguồn nước ngầm; xâm nhập mặn; sa mạc hóa; sạt lở bờ moong tầng khai thác, bãi thải; ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp, dân sinh trong vùng... Phản bác lại, Bộ Công Thương cho rằng cần phải tính đến hệ lụy liên quan những thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng các nhà đầu tư bỏ ra hơn 10 năm qua, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư - kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, môi trường đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh cũng như Việt Nam. Cùng đó, theo Bộ Công Thương, còn phải tính đến hiệu quả kinh tế Dự án, phát triển công nghiệp và kinh tế Việt Nam, đóng góp vào GDP, giảm nhập siêu, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, cùng các vấn đề liên quan (an sinh xã hội, an ninh trật tự…) và nhiều hệ lụy khác.

152-1695293940.jpg
Dự án đã bóc đất tầng phủ 12,7 triệu m3 tại khu mỏ

Trao đổi về vấn đề này, GS-TS Nguyễn Mại - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - cho biết: Năm 1993-1994 Chính phủ đã cho một số hãng khai khoáng hàng đầu của Đức, Nhật vào thăm dò, khai thác, nhưng sau đó họ ngừng và không khai thác, vì cho rằng không có hiệu quả, do hàm lượng thiếc trong sắt rất cao. Sau đó một tập đoàn Đài Loan được Tỉnh Hà Tĩnh cho vào thăm dò, khẳng định có hiệu quả, xin khai thác và làm thép tại đây; nhưng sau khi họ đưa được Tập đoàn Formosa vào tỉnh này thì Formosa chỉ dùng sắt nhập khẩu, với lý do “chờ sắt Thạch Khê lâu quá”. Ông Mại lý giải thêm: Vấn đề Mỏ sắt Thạch Khê nổi cộm đã lâu. Đầu năm 2017, khi nhóm tư vấn của Tỉnh uỷ Hà Tĩnh lập ra, trong đó có tôi, làm việc với Tỉnh, tôi đã trao đổi việc dừng hay làm tiếp cần có những nghiên cứu kỹ khoa học về 4 mặt: hiệu quả kinh tế, lợi ích doanh nghiệp, vấn đề môi trường và lợi ích cộng đồng dân cư. Tôi đã đề nghị Hà Tĩnh chưa nên quyết định vội vàng là dừng hay làm mà nên dành thời gian khảo sát. Sau đó Hà Tĩnh mời một số chuyên gia thuộc Liên hiệp các hội khoa học & kỹ thuật Việt Nam tư vấn, rồi Bộ KH&ĐT đề xuất dừng Dự án.

Vẫn còn ách tắc

Theo nhiều chuyên gia, nếu thực hiện Dự án, ngân sách Nhà nước sẽ được thêm hàng tỷ USD (có doanh nghiệp góp vốn tính ra nộp thuế 180.000 tỷ đồng); nếu dừng Dự án thì nhà đầu tư có thể mất trắng 2.000 tỷ đồng. Nhiều chuyên gia khác lại cho rằng không nên lấy lý do “không có vốn để khai thác” để dừng Dự án; vấn đề ở chỗ khai thác có lợi về mặt kinh tế, xã hội, môi trường hay không...
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 10/2/2022, Tập đoàn Công nghiệp Than & Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã chỉ đạo Cty CP Sắt Thạch Khê (TIC) xây dựng phương án trung gian khai thác mỏ sắt Thạch Khê ở mức âm 145 m so với mực nước biển. 
Tháng 6/2022, cùng đoàn khảo sát thực trạng mỏ sắt Thạch Khê sau hơn 10 năm tạm dừng Dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính Thủ tướng gợi mở hướng xử lý: Với các vấn đề càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến của nhau, quyết định theo đa số. Thủ tướng yêu cầu đánh giá tổng thể các vấn đề kinh tế, xã hội, đời sống nhân dân, bảo đảm môi trường… cả trước mắt lẫn lâu dài, trên cơ sở khoa học, thực tiễn, lòng dân, lắng nghe ý kiến các chủ thể liên quan, các nhà khoa học và người dân, chọn phương án phù hợp, khả thi nhất, có lợi nhất, nhanh chóng có quyết sách, khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan.
Ngày 3/7/2023, làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, TKV đề xuất “phương án trung gian”. Theo đó, TKV dự kiến tổng vốn đầu tư trước thuế hơn 5.086 tỷ đồng; trong 10 năm sẽ bóc hơn 121,3 triệu m3 đất đá, khai thác hơn 41,8 triệu tấn quặng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 17.100 tỷ đồng. Với hiện trạng Dự án, khi triển khai “phương án trung gian” sẽ giải quyết vấn đề hoàn vốn cho Dự án; lòng moong để lại sau hoàn nguyên chứa gần 100 triệu m3 nước ngọt, tạo điều kiện phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực; đảm bảo quyền lợi cả 4 bên: Nhà nước - địa phương - người dân - doanh nghiệp. Cùng đó, TKV đề xuất một số phương án tháo gỡ khó khăn: Bộ TN & MT dừng thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với TIC trong thời gian TIC phải tạm dừng Dự án; Cục thuế Hà Tĩnh dừng cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế và phong tỏa hóa đơn, tài khoản ngân hàng của TIC; Cục Thi hành án dân sự Hà Tĩnh dừng thi hành án đối với TIC; Tỉnh Hà Tĩnh cho phép TKV tiếp tục đầu tư hạ tầng bãi tập kết than tại Khu Kinh tế Vũng Áng, nhằm phục vụ than cho các nhà máy nhiệt điện tại đây. Chủ tịch TKV Ngô Hoàng Ngân khẳng định “TKV đang rất nỗ lực giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình triển khai Dự án, với quan điểm phát triển hài hoà, đảm bảo lợi ích cho cả Nhà nước, người dân, doanh nghiệp và địa phương”.
Nội dung đề xuất kể trên của TKV vẫn chưa được lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh chấp nhận. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Việt vẫn tiếp tục bày tỏ mối lo ngại: "Nếu khai thác mỏ này, mỗi ngày sẽ có 3-4 triệu m3 nước thải xả ra biển, 2 tấn mìn nổ cách Thành phố Hà Tĩnh 5 km theo đường chim bay. Hà Tĩnh rút kinh nghiệm từ bài học về sự cố môi trường của Công ty Formosa từng xảy ra". Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng thì tuyên bố: “Dự án này chưa cần thiết triển khai, vì đến nay vẫn chưa đảm bảo nghiên cứu về yếu tố khoa học kỹ thuật và đánh giá tác động môi trường”.

 Bất chấp rủi ro hay tìm hướng khác?

Tóm tắt ý kiến nhiều nhà khoa học thuộc và không thuộc VUSTA, GS-TS Nguyễn Mại nhận định: Không nên lấy lý do “không có vốn để khai thác”, vì nếu khai thác mà có hiệu quả thì vay vốn ở đâu chẳng được. Vấn đề đặt ra là, khai thác có lợi toàn diện về các mặt kinh tế, xã hội, môi trường hay không. Nếu ai đến hiện trường lâu nay tại các xã gần thành phố Hà Tĩnh thì thấy rất thảm hại - Cả một vùng hoang hoá; cát và hố nước chưa khai thác bao nhiêu nhưng khá sâu; dân cư một số đông dời đi nơi khác, số ít chịu đựng hằng ngày ăn cơm với… cát; nước ngầm chưa khai thác bao nhiêu nhưng có hiện tượng thiếu và sụt giảm.

161-1695293940.jpg
Dự án dừng hoạt động, hằng năm doanh nghiệp vẫn phải chi 2 tỷ đồng thuê bảo vệ, trông coi máy móc; người lao động bị nợ lương nhiều tháng nay

Vậy Dự án có nên tiếp tục thực hiện? Ông Mại vẫn giữ quan điểm: Nếu chưa thực hiện thì không nên thực hiện, vì tại tỉnh Hà Tĩnh có thể làm giàu bằng nguồn nhân lực chất lượng cao; Hà Tĩnh có nhiều danh lam thắng cảnh, tâm linh, bờ biển phục vụ tốt cho kinh tế du lịch. Tuy nhiên, vì thực hiện dở dang rồi nên phải tính lợi ích doanh nghiệp. Hàng nghìn tỉ đồng họ bỏ ra, có phần của doanh nghiệp nhà nước TIC (TKV), có phần của doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp tư nhân… Theo ông Mại, nếu chưa lường hết tác hại, cứ khai thác thì không biết hậu quả sẽ ra sao. Còn trong trường hợp doanh nghiệp vẫn muốn làm nhưng vì nhu cầu của đất nước mà không làm thì Chính phủ nên có chính sách trợ cấp, đền bù thoả đáng.
Hỏi chuyện nhiều cán bộ hưu trí và đương nhiệm ở tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi cũng ghi nhận quan điểm: Nếu làm đầy đủ đánh giá tác động môi trường thì cũng chưa ai dám đảm bảo đánh giá ấy là đầy đủ, vì việc đó quá khó. Trong điều kiện mới hiện nay, Hà Tĩnh nên tập trung mở hướng phát triển du lịch và nông nghiệp công nghệ cao; như thế sẽ tận dụng được tài nguyên lớn nhất là nhân lực.  

GS-TS Đặng Trung Thuận -  chủ tịch Hội địa hóa Việt Nam:
Thực hiện dự án này không chỉ gây lãng phí rất lớn. Theo nhiều nhà khoa học, nếu lượng lớn tài nguyên được sử dụng như phương án của Chủ đầu tư là phần lớn chỉ dùng để san lấp mặt bằng hoặc thải ra môi trường tự nhiên thì chính nguồn tài nguyên này còn gây nhiều hệ lụy môi trường. Hơn 194 triệu m3 đất thải đổ vào bãi thải đất liền phía bắc của mỏ, cùng hơn 262 triệu m3 đổ vào bãi thải phía nam, tạo ra cao trình 90 m, sẽ là mối ẩn họa tiềm tàng về ô nhiễm,  vì bão bụi, sạt lở. Trong khi đó, với khối lượng khoảng 172 triệu m3 đổ lấn từ mép biển đến đường đẳng sâu 10 m, bãi thải trên biển lớn nhất cả nước từ trước tới nay với cao trình bề mặt 25 m sẽ là hậu họa lớn khi xảy ra biến cố. Bãi thải cực lớn từ đới bờ ra đến độ sâu 10 mét  sẽ làm thay đổi cân bằng của quá trình tương tác giữa biển và đới bờ. Tác động tổng hợp của thiên tai và động lực biển dễ dàng phá hủy bãi thải, gây tình trạng thay đổi nền đáy biển, xói lở bờ biển phía bắc và nam bãi thải, suy thoái môi trường nước biển, thay đổi hệ sinh thái ven bờ, làm biến dạng ngư trường.

 

Bạn đang đọc bài viết "Dự án “Mỏ sắt Thạch Khê” - Bài toán còn nan giải" tại chuyên mục Tư vấn - Bàn tròn. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com