Giả danh công an lừa đảo qua app hẹn hò, cùng điểm lại những vụ mạo danh mới nhất

Tin lời cán bộ công an 'dỏm' quen qua ứng dụng hẹn hò, một phụ nữ Hà Nội bị lừa đảo, chiếm đoạt 100 triệu đồng. Trước đó, cơ quan chức năng liên tục đưa ra cảnh báo trước hàng loạt vụ giả danh công an để lừa đảo.
pham-van-dung-lua-dao-gia-danh-cong-an-1054-1728372012.jpg
Đối tượng Phạm Văn Dũng giả danh công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. (Ảnh: Công an Hà Nội)

Trước đó, ngày 2/10, Công an phường Đức Giang tiếp nhận đơn trình báo của chị M. (SN 1974, trú tại Gia Lâm, Hà Nội) về việc bị một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an lừa đảo chiếm đoạt số tiền 100 triệu đồng.

Theo đơn trình báo, chị M. có quen biết người đàn ông qua ứng dụng hẹn hò. Nhiều lần gặp gỡ, đối tượng tự giới thiệu là Nguyễn Hà Sơn, cán bộ Công an.

Khi tạo được sự tin tưởng với chị M., đối tượng đã lừa chị chuyển 100 triệu đồng. Sau đó, đối tượng lại tiếp tục hẹn đến nhà để dùng thủ đoạn gian dối lừa đảo chiếm đoạt tiền của chị M. nên Tổ công tác Công an phường Đức Giang đã bắt giữ đối tượng đang nhận 30 triệu đồng của chị M.

Tại cơ quan Công an, đối tượng khai nhận tên thật là Phạm Văn Dũng (nghề nghiệp: tự do). Do cần tiền để tiêu xài cá nhân, Dũng lên ứng dụng hẹn hò và quen biết với chị M. Thấy chị M. nhẹ dạ cả tin nên đối tượng đã tự nhận mình là cán bộ Công an để lừa đảo chiếm đoạt tiền của chị M.

Hiện Công an Công an quận Long Biên đang củng cố hồ sơ, xử lý đối tượng theo quy định.

Trước đó, vào tháng 5, Công an TP. Long Khánh (Đồng Nai) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Quang (SN 1990, ngụ huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức giả danh công an nhân nhân để tạo lòng tin.

Theo đó, đối tượng hành nghề sửa chữa điện máy và đang gặp những khó khăn về tài chính. Cuối năm 2022, nhằm tạo thuận lợi cho việc làm quen rồi chiếm đoạt tiền của những người nhẹ dạ cả tin, Quang đã đặt mua trang phục công an nhân dân, còng số 8,... trên qua mạng xã hội.

Sau đó, Quang đã sử dụng chức năng hẹn hò của mạng xã hội Facebook để làm quen với nhiều phụ nữ, trong đó có chị N.T.N.H. (ngụ TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai). Khi làm quen, Quang sử dụng thông tin giả là Nguyễn Đình Chung, đang công tác tại phòng ma túy thuộc Công an TP Hà Nội.

Từ tháng 3/2023 đến tháng 4/2024, Quang thường xuyên đưa ra nhiều thông tin như bản thân phải đi công tác vùng sâu, biên giới nguy hiểm, cần tiền đóng thuế đất, cần tiền để bồi thường thiệt hại và sửa chữa xe do bị tai nạn trong quá trình đi công tác, cần tiền để xin chuyển công tác từ lĩnh vực ma túy về lĩnh vực kinh tế để thuận tiện cho việc kết hôn.

Từ đó, đối tượng tạo lòng tin rồi chiếm đoạt tài sản của chị H. tổng cộng hơn 242 triệu đồng để trả nợ và tiêu xài cá nhân. Đến tháng 4, chị H. phát hiện Quang không phải là cảnh sát nên đã tố cáo đến công an địa phương.

Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cần tuyệt đối cẩn trọng khi có những đối tượng lạ làm quen trên nền tảng mạng xã hội hay những ứng dụng hẹn hò online.

Người dân không nên tuyệt đối tin tưởng những đối tượng lạ trên mạng, cần xác minh rõ danh tính đối tượng; không nghe theo những lời dụ dỗ đầu tư tài chính hay giao dịch vay mượn tiền với đối tượng trên mạng xã hội. Không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng để tránh bị đánh cắp phục vụ cho những mục đích phạm pháp.

Cảnh báo mạo danh công an kêu gọi ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ
Vừa qua, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) thông tin về hình thức lừa đảo mạo danh công an vận động chuyển khoản ủng hộ đồng bào bão lũ ngay sau khi bão số 3 đi qua.

Các đối tượng lừa đảo tự xưng là cán bộ công an gọi điện kêu gọi quyên góp, ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Người dân tin tưởng và chuyển tiền vào tài khoản cá nhân sẽ bị chiếm đoạt.

Việc lợi dụng thiên tai, lũ lụt để thực hiện các hành vi lừa đảo không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người dân mà còn làm giảm lòng tin của cộng đồng đối với các hoạt động từ thiện chính đáng.

Trung tâm VNCERT/CC khuyến cáo người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt vào các tài khoản không rõ nguồn gốc. Đồng thời, đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin cảnh báo rộng rãi để người dân nêu cao tinh thần cảnh giác.

VNCERT/CC cũng lưu ý người dân cần lưu lại các bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi) thực hiện phản ánh tới Doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý nếu có hiện tượng trên.

Ngoài ra, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để xử lý hoặc thông báo đến số điện thoại trực ban hình sự 0692348560 của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) để được hướng dẫn kịp thời.

Hình thức lừa đảo thứ hai là các đối tượng mạo danh các cơ quan có thẩm quyền để hướng dẫn thay đổi tem đăng kiểm.

Cụ thể, hệ thống tiếp nhận phản ánh về tin nhắn, cuộc gọi rác qua đầu số 5656/156 của VNCERT/CC gần đây tiếp nhận nhiều ý kiến về việc có kẻ mạo danh để thực hiện hành vi lừa đảo.

Với hình thức này, các đối tượng lừa đảo liên tục tung nhiều chiêu trò dụ dỗ người dân, đặc biệt mới nhất là thủ đoạn "thông báo, hướng dẫn thay đổi tem đăng kiểm xe". Các đối tượng gọi điện tự xưng là cán bộ của Cục Đăng kiểm hoặc Sở Giao thông vận tải, thông báo "Yêu cầu người dân và doanh nghiệp đổi tem kiểm định theo quy định của Thông tư mới". Để thực hiện đổi tem trực tuyến, người dân làm theo hướng dẫn của các đối tượng.

Các đối tượng lừa đảo yêu cầu người dân điền thông tin cá nhân và chuyển khoản khoản phí gọi là phí đổi tem. Sau khi người dùng làm theo yêu cầu, đối tượng thực hiện các biện pháp như chặn liên lạc, xóa mọi dấu vết.

Trung tâm VNCERT/CC khuyến cáo, nếu người dân có nhu cầu, thắc mắc thay đổi tem đăng kiểm, vui lòng tra cứu thông tin, trang web chính thống của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Người dân cần cẩn trọng trước mọi thông tin khi chưa được xác thực và lưu ý bảo vệ thông tin cá nhân của mình để tránh những rủi ro không đáng có.

Dùng Facebook có tích xanh mạo danh công an để lừa đảo trực tuyến
Những ngày qua, xuất hiện nhiều trang Facebook mạo danh các Cục nghiệp vụ Bộ Công an đăng tải nhiều video, bài viết có nội dung cảnh báo về phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đồng thời lồng ghép quảng cáo về các dịch vụ, như: "tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ lấy lại tiền bị treo", "thu hồi tiền lừa đảo"... với cam kết chỉ thu tiền sau khi người dân đã lấy lại tiền lừa đảo.

Đáng chú ý, các trang Facebook này được nhà cung cấp dịch vụ xác thực tích xanh để tăng uy tín, nhằm đánh lừa người dân.

Theo đó, đánh vào tâm lý những người từng bị lừa đảo mong muốn lấy lại số tiền đã mất, các đối tượng giới thiệu sẽ hỗ trợ thu hồi tiền bị lừa với thủ tục nhanh chóng, cam kết lấy lại được tiền.

Thay vì đến cơ quan Công an trình báo, người bị lừa lại lên mạng xã hội để tìm kiếm trang mạng hỗ trợ lấy lại tiền. Nhiều người do nhầm lẫn, nghĩ các trang ghi thông tin Bộ Công an, lại được xác thực tích xanh, là trang uy tín nên đã liên hệ để nhờ hỗ trợ.

Lúc này, các đối tượng hướng dẫn nạn nhân chuyển tiền để hỗ trợ. Nhiều nạn nhận đã bị lừa, nay lại tiếp tục "sập bẫy" các đối tượng lừa đảo và chuyển tiền.

Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân thận trọng, cảnh giác trước những trang Facebook giả mạo này; tuyệt đối không nghe theo, không liên hệ với các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội quảng cáo dịch vụ "tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ lấy lại tiền bị treo", "thu hồi tiền lừa đảo"... trên không gian mạng; không chuyển tiền cho các đối tượng trên để được hướng dẫn, làm hồ sơ thu hồi tiền.

Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân nên đến cơ quan Công an trình báo để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật. Nếu nghi ngờ các trang giả mạo lực lượng Công an, người dân cần liên hệ cơ quan Công an gần nhất để kiểm tra, xác thực độ chính xác của các trang này.