Gia hạn tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đến tháng 11/2023

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) mới đây đã có văn bản kiến nghị gửi Chính phủ cho phép xin gia hạn dự án tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đến tháng 11/2023.
duong-sat-cat-linh1-1659428092.jpg
Hình minh họa.

Theo văn bản của Bộ GTVT, dự án tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thành, bàn giao và đưa vào khai thác giai đoạn đầu, song vẫn còn một số hạng mục công việc Tổng thầu EPC phải tiếp tục thực hiện theo quy định hợp đồng. Do đó, Bộ Giao thông vận tải xin tiếp tục gia hạn tiến độ hoàn thiện dự án.

Cụ thể, phía EPC phải mua sắm vật tư linh kiện dự phòng, phương tiện chuyên ngành khu depot, hoàn thiện các hồ sơ hoàn công còn lại, tiếp tục đánh giá an toàn hệ thống đối với hạng mục thông tin, tín hiệu trong giai đoạn đầu khai thác và thực hiện công tác bảo hành công trình... Bộ GTVT kiến nghị mốc gia hạn là 6/11/2023 cùng thời thời điểm kết thúc công tác bảo hành dự án.

Trước đó vào tháng 11/2020, Bộ GTVT đã có công văn xin Thủ tướng gia hạn thời gian thực hiện dự án và thời hạn rút vốn của Hiệp định vay bổ sung trị giá 1,6 tỷ NDT cho Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông. Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn thời gian thực hiện Dự án đến ngày 31/3/2021 và gia hạn thời gian giải ngân của Hiệp định vay ưu đãi Chính phủ bổ sung đến ngày 28/12/2022.

Dự án đường sắt đô thị (Đường sắt Cát Linh – Hà Đông) có chiều dài 13 km, thiết kế đường đôi, khổ 1.435mm. Toàn tuyến có 12 nhà ga trên cao trong đó có 2 ga trung chuyển là Cát Linh và Đại học Quốc gia.

Tuyến khai thác 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa chuẩn B1 và 11 chuyên ngành thiết bị khác, khai thác với tần suất 3-5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến, tốc độ thiết kế tối đa 80km/h, tốc độ khai thác bình quân 35km/h.

Dự án có tổng mức đầu tư là 18.000 tỷ đồng tương đương 868 triệu USD. Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 13.900 tỷ đồng tương đương 670 triệu USD gồm 3 Hiệp định vay (Hiệp định ưu đãi Chính phủ trị giá 1,2 tỷ NDT tương đương 169 triệu USD; Hiệp định ưu đãi bên mua trị giá 250 triệu USD và Hiệp định ưu đãi Chính phủ bổ sung trị giá 1,6 tỷ NDT tương đương 251 triệu USD); vốn đối ứng Việt Nam là 4.100 tỷ đồng.

Hiện dự án đã đưa vào vận hành thương mại, theo thống kê từ ngày 6/11/2021 - 24/6/2022, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã vận chuyển gần 4.000.000 lượt hành khách, trung bình hơn 16.000 lượt hành khách/ngày. Đặc biệt, tuyến đường sắt này đã có 231 ngày vận hành an toàn.

Đây là thành quả tốt nhất trong phương án vận hành giai đoạn đầu đã được Bộ Bộ Giao thông vận tải và UBND TP.Hà Nội thống nhất.