Giải quyết hồ sơ khen thưởng thành tích kháng chiến còn tồn đọng như thế nào?

16/08/2023 16:53

Theo dõi trên

Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Cà Mau do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 4544/VPCP-QHĐP ngày 20-6-2023.

Nội dung như sau: “Trong những năm qua, tỉnh Cà Mau đã tích cực tham mưu thực hiện tốt công tác rà soát và thẩm định hồ sơ đề nghị Trung ương khen thưởng thành tích tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cho các gia đình và người có công với cách mạng. Riêng từ năm 2015 đến năm 2020, tỉnh đã trình Chủ tịch nước khen thưởng cho 3.282 trường hợp, trong đó đã có quyết định khen thưởng của Chủ tịch nước là 1.647/3.282 trường hợp; thông báo trả lại 1.635 trường hợp chưa khen, với lý do không có lý lịch quân nhân, thiếu lịch sử kháng chiến của địa phương, tham gia cách mạng dưới 18 tuổi phải có xác nhận của tổ chức cách mạng theo quy định...

lanh-dao-tinh-vinh-phuc-pld-1692179447.jpg
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng tại xã Trung Hà, huyện Yên Lạc nhân kỷ niệm 25 năm Ngày tái lập tỉnh, tháng 1-2022. Ảnh: TRUNG HIẾU.

Nguyên nhân:

(1) Hiện nay, phần lớn các cơ quan không còn lưu trữ lý lịch cán bộ, lý lịch quân nhân nên không thể cung cấp bản sao lý lịch hoặc có cơ sở để xác nhận cho người dân.

(2) Do thời gian quá lâu (từ năm 1975 đến nay) nên quyết định phục viên hoặc Giấy xuất ngũ của người dân không còn lưu giữ (do hư hỏng, thất lạc), vì vậy không thể hoàn thiện hồ sơ.

(3) Đối với các trường hợp tham gia cách mạng dưới 18 tuổi phải có xác nhận của tổ chức cách mạng: Hiện nay các tổ chức cách mạng này đã giải thể nên không còn để xác nhận hồ sơ hoặc các tổ chức này đã sáp nhập về cơ quan, tổ chức khác nhưng địa phương không biết cơ quan nào có trách nhiệm xác nhận cho từng trường hợp cụ thể nên không thể hướng dẫn cho người dân hoàn thiện hồ sơ.

(4) Hầu hết các địa phương trong tỉnh chưa xây dựng được lịch sử kháng chiến để làm cơ sở đề nghị khen thưởng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình giải quyết hồ sơ khen thưởng thành tích kháng chiến của tỉnh.

Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người có công với cách mạng, kiến nghị cho hướng dẫn cụ thể để tỉnh giải quyết dứt điểm hồ sơ khen thưởng thành tích kháng chiến còn tồn đọng” (Câu số 71).

Ngày 3-8-2023, Bộ Quốc phòng có văn bản trả lời như sau:

Theo quy định hiện hành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xét, đề nghị khen thưởng thành tích tham gia kháng chiến cho cán bộ, nhân dân thuộc địa phương (bao gồm cả cán bộ, chiến sĩ quân đội đã nghỉ hưu, ra quân, xuất ngũ...). Do đó, việc đề nghị khen thưởng thành tích tham gia kháng chiến do Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau trình Thủ tướng Chính phủ qua Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) nên việc trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Cà Mau không thuộc thẩm quyền của Bộ Quốc phòng.

Bộ Quốc phòng chuyển nội dung nêu trên đến Bộ Nội vụ xem xét, giải quyết, trả lời cử tri tỉnh Cà Mau.

Bạn đang đọc bài viết "Giải quyết hồ sơ khen thưởng thành tích kháng chiến còn tồn đọng như thế nào?" tại chuyên mục Chính sách - Sự kiện. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com