Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định số 55 ban hành quy định một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND thành phố về xác định giá đất cụ thể trên địa bàn Hà Nội, có hiệu lực từ ngày 16/9.
Trong đó, Điều 5 quy định các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất, mức độ chênh lệch tối đa của từng yếu tố ảnh hưởng đến giá đất, cách thức điều chỉnh đối với từng mức độ chênh lệch của các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất (thực hiện khoản 3 Điều 8 Nghị định số 71 năm 2024 của Chính phủ).
Với đất phi nông nghiệp, 8 yếu tố ảnh hưởng đến việc định giá gồm: vị trí, địa điểm; điều kiện giao thông; điều kiện cấp thoát nước, cấp điện; diện tích, kích thước, hình thể thửa đất; quy hoạch xây dựng; hiện trạng môi trường, an sinh; thời hạn sử dụng đất và yếu tố danh lam thắng cảnh, làng nghề truyền thống. Các tiêu chí này được phân tích, xác định mức độ tương đồng giữa tài sản định giá và tài sản so sánh.
Trong điều kiện cấp thoát nước, cấp điện, quyết định nêu tiêu chí về mức độ ổn định của khu vực cấp nước, cấp điện với mức điều chỉnh chênh lệch không quá 5%. Việc định giá đất cũng cần xác định tình trạng ngập úng khi mưa lớn. Giá sẽ chênh lệch không quá 5% với mỗi tiêu chí.
Yếu tố hiện trạng môi trường, an sinh cũng nêu tiêu chí bụi, tiếng ồn, ô nhiễm không khí, nguồn nước, gần nghĩa trang, khu xử lý rác thải ảnh hưởng đến định giá đất với mức điều chỉnh chênh lệch dưới 5%.
Còn đối với đất nông nghiệp, có 5 yếu tố ảnh hưởng đến giá đất với mức điều chỉnh chênh lệch đều không quá 20%. Các yếu tố bao gồm: năng suất cây trồng, vật nuôi; vị trí, đặc điểm khu đất; giao thông phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; thời hạn sử dụng đất; yếu tố khác như truyền thống văn hóa, phong tục tập quán.
Theo quyết định, tổ chức tư vấn xác định giá đất sẽ đề xuất mức điều chỉnh chênh lệch (tăng hay giảm) của từng yếu tố nêu trên trong báo cáo thuyết minh xây dựng phương án giá đất theo nguyên tắc lấy thửa đất, khu đất định giá làm chuẩn. Báo cáo này sẽ được Hội đồng thẩm định cụ thể thẩm định.
Theo Nghị định 71, UBND cấp tỉnh sẽ quy định cụ thể các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất, mức chênh lệch tối đa từng yếu tố để xác định mức độ tương đồng, cách thức điều chỉnh giữa tài sản định giá và tài sản so sánh. Dựa trên quy định này, tổ chức tư vấn định giá sẽ quyết định áp dụng phương pháp phù hợp, đảm bảo tính chính xác, khách quan của kết quả tư vấn định giá.
Có thể thấy, tình trạng ngập sâu ở các khu đô thị và khu dân cư khi xảy ra mưa lớn đã trở nên phổ biến tại Hà Nội trong nhiều năm qua, đặc biệt ở khu vực phía Tây dọc theo đại lộ Thăng Long và quận Hà Đông.
Dù vậy, giá bất động sản tại khu vực này lại không ngừng tăng cao. Thời gian qua, khu vực phía Tây Hà Nội trở thành điểm nóng bất động sản Hà Nội với hàng loạt dự án của các “ông lớn”. Qua khảo sát, chung cư tại khu vực này có giá lên đến 80 triệu đồng/m2, thậm chí lên tới gần 100 triệu đồng/m2.
Theo các chuyên gia, việc hạ tầng thiếu đồng bộ khiến mưa to là ngập, một phần do đường gom đại lộ Thăng Long thiết kế thoát nước tự nhiên không có hệ thống thu gom, các kênh tiêu quanh khu vực bị bồi lấp giảm khả năng thoát nước. Nguyên nhân quan trọng nữa là nhiều dự án sử dụng đất tại đây chậm tiến độ khiến hạ tầng kỹ thuật chưa được khớp nối.
Các chuyên gia cho biết cần xem xét việc liên kết hạ tầng thoát nước của các khu đô thị này với trục thoát nước chính bên ngoài.
Như nhận định của KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, ngoài mưa lớn kéo dài thì nguyên nhân khu phía Tây Hà Nội thường xuyên rơi vào tình trạng bị ngập nghiêm trọng đến từ hệ thống thoát nước có vấn đề.
“Hệ thống thoát nước mưa ở khu vực này hiện chưa giải quyết được cuối nguồn, tức là chưa liên kết được hạ tầng thoát nước của các khu đô thị với trục thoát nước chính bên ngoài. Trong khi đó, hệ thống thoát nước trục chính cũng chưa lắp đặt trạm bơm cuối nguồn nên không thoát nước kịp thời, đưa tới tình trạng mưa lớn là ngập nặng”, ông Nghiêm chia sẻ.