Cụ thể, tại các dự án đầu tư thứ cấp tại khu công nghiệp phía Nam, việc cấp giấy phép xây dựng đối với 9/19 dự án được cấp phép xây dựng còn thiếu đơn, thiết kế bản vẽ thi công. Trong khi đó, 10 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất và 10 dự án đang đầu tư xây dựng thì chưa được cấp giấy phép xây dựng do chưa được giao đất.
Dự án nhà máy gạch sông Hồng Yên Bái do Công ty cổ phần đầu tư phát triển công nghiệp Sông Hồng làm chủ đầu tư đã đi vào hoạt động từ năm 2016 nhưng chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất, chưa ký hợp đồng thuê đất, chưa được cấp phép xây dựng, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về tiền thuê đất, tiền thuê hạ tầng là vi phạm Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật xây dựng;
Tại Dự án Nhà máy luyện gang - thép Cửu Long, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần thép Cửu Long Yên Bái, diện tích sử dụng đất 28 ha, chưa được cấp Giấy phép xây dựng, chậm tiến độ.
Về công tác quản lý xây dựng tại địa phương, TTCP cho biết chất lượng khảo sát, lập, thẩm định phê duyệt dự án còn hạn chế, phải thực hiện điều chỉnh dự án bổ sung, cắt giảm hạng mục, tăng giảm khối lượng. Trong đó, có thể kể đến trường hợp của dự án đầu tư xây dựng công trình đường tránh ngập thành phố Yên Bái được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 114.154 triệu đồng lên 995.784 triệu đồng; thay đổi phương án thiết kế hạng mục cầu nhà khách bằng xây dựng cống hộp, trong khi hạng mục cầu đã thi công một phần khối lượng móng cầu với giá trị 1.950 triệu đồng, làm lãng phí chi phí đầu tư.
Tương tự, dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp phía Nam tỉnh Yên Bái được phê duyệt điều chỉnh tăng tổng vốn đầu tư từ 236,57 tỉ đồng lên 2.009 tỉ đồng nhưng không bố trí được nguồn vốn để thực hiện, không điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư. Trong đó, chi phí tư vấn đầu tư đã thanh toán là 2.160 triệu đồng, làm lãng phí chi phí đầu tư.
Dự án đầu tư xây dựng công trình đường tránh ngập thành phố Yên Bái, gói thầu số 4 ký hợp đồng và tạm ứng 15 tỷ, sau 14 tháng mới khởi công; gói thầu số 15 ký hợp đồng, tạm ứng 30 tỷ, sau 7 tháng mới khởi công do không có mặt bằng thi công là chưa đúng quy định.
Bên cạnh đó, việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình cũng chưa tuân thủ đúng pháp luật: phê duyệt kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng không có kết quả, phê duyệt cả chi phí xây lắp một số hạng mục công trình trong khi chưa giải phóng mặt bằng, chi phí tư vấn đầu tư nhưng phân bổ trong chi phí khác, áp dụng đơn giá, định mức không phù hợp với trị giá 215,6 tỉ đồng (ở dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp phía Nam tỉnh Yên Bái).
Việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu thầu và tổ chức thực hiện đấu thầu của Yên Bái cũng chưa sát với thực tế về khả năng cân đối nguồn vốn, mặt bằng thi công, thời gian thực hiện các dự án. Ví như ở gói thầu số 7 dự án đầu tư xây dựng công trình đường nối quốc lộ 37 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai phải hủy kết quả đấu thầu do không cân đối được vốn đầu tư; Dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp phía Nam thực hiện chia các gói thầu có giá trị từ 5- 20 tỷ đồng để thực hiện đấu thầu với thời gian thực hiện từ 270 - 300 ngày chưa tương ứng với quy mô gói thầu…
TTCP cho rằng, trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh Yên Bái (Chủ tịch UBND, phó Chủ tịch UBND phụ trách), các Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường (Giám đốc, phó Giám đốc phụ trách), Cục Thuế tỉnh, Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh Yên Bái (Trưởng Ban, phó Trưởng Ban được giao phụ trách); các nhà đầu tư dự án và các tập thể, cá nhân có liên quan đến nội dung trên.
Cũng tại kết luận, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Yên Bái tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ, để xảy ra một số tồn tại, thiếu sót đã nêu trong Kết luận thanh tra; chỉ đạo các sở KH&ĐT, TN&MT, Tài chính, Xây dựng, GTVT, Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh, UBND huyện Văn Yên, tổ chức, cá nhân có liên quan kiểm điểm trách nhiệm để xảy ra sai phạm, khuyết điểm đã nêu trong Kết luận thanh tra và có hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.
Căn cứ kết quả kiểm điểm Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái có biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm đối với những tập thể, cá nhân thực hiện chưa đúng các quy định của pháp luật trong lĩnh vực quản lý: quy hoạch, đầu tư xây dựng, sử dụng đất đai đã được nêu trong Kết luận thanh tra này.
Trong quá trình kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây hậu quả thì yêu cầu chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.