Hé lộ sức khỏe “èo uột” của các doanh nghiệp xi măng sau những lùm xùm ở cấp lãnh đạo

Thị trường bất động sản trầm lắng cộng với việc giải ngân vốn đầu tư công chậm từ đầu năm 2023 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình tiêu thụ cũng như sức khỏe của các doanh nghiệp xi măng trong nước.

Loạt lãnh đạo vướng vòng lao lý

Năm 2023, các doanh nghiệp xi măng được dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do thị trường trường bất động sản trầm lắng, đầu tư công chậm và đặc biệt là tình trạng mất cân đối cung-cầu.

Bên cạnh yếu tố thị trường, những lùm xùm xung quanh việc lãnh đạo của một số doanh nghiệp xi măng vướng vòng lao lý cũng đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp này trong quý 1.2023.

image-20230425082534-1-1682390659.jpeg

Doanh nghiệp xi măng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do thị trường trường bất động sản trầm lắng, đầu tư công chậm và đặc biệt là tình trạng mất cân đối cung-cầu

Tại kỳ họp 26 hồi tháng 2.2023 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết cơ đã xem xét kết quả giải quyết tố cáo ông Bùi Hồng Minh, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Xây dựng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xi măng Việt Nam.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, ông Bùi Hồng Minh trên các cương vị công tác đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, những điều đảng viên không được làm. Ông cũng vi phạm trách nhiệm nêu gương trong lãnh đạo, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh và công tác cán bộ; có nguy cơ mất vốn đầu tư.

Ông Bùi Hồng Minh từng đảm nhận các vị trí lãnh đạo ở Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) như Tổng giám đốc (từ tháng 9.2017), Chủ tịch Hội đồng thành viên (từ tháng 8.2019). Ngoài ra, ông Minh còn là Bí thư Đảng ủy Tổng công ty; Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối doanh nghiệp trung ương. Đến tháng 6.2021, ông Minh được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Mới đây, Công an tỉnh Hải Dương đã ra quyết định khởi tố 6 bị can về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty xi măng Hoàng Thạch. Như vậy, tổng số bị can trong vụ việc này đã nâng lên 8 người. Đáng chú ý, trong số những người vừa bị công an bắt tạm giam có ông Nguyễn Việt Nga, Chủ tịch HĐQT Công ty Vicem vật liệu xây dựng Đà Nẵng.

Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương đã thi hành quyết định khởi tố và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Lê Thành Long, Chủ tịch HĐQT Công ty xi măng Vicem Hoàng Thạch. Tại thời điểm bị khởi tố, ông Long cũng đang là thành viên HĐQT của Công ty CP bao bì Hoàng Thạch.

Cùng với việc khởi tố, bắt giam ông Long, Công an tỉnh Hải Dương cũng bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Chảng (từng công tác tại Công ty xi măng Vicem Hoàng Thạch) để điều tra hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian công tác tại Vicem Hoàng Thạch.

Tại thời điểm bị khởi tố, ông Chảng đang là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vicem bao bì Bỉm Sơn, kiêm thành viên hội đồng quản trị Công ty CP Vicem bao bì Bút Sơn.

Doanh nghiệp xi măng làm ăn ra sao?

Ngay sau thông tin Chủ tịch HĐQT vướng vòng lao lý, Công ty CP Vicem Bao bì Bỉm Sơn đã lên kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu đạt 261 tỉ đồng và 1,5 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm nhẹ so với năm 2022.

Ban lãnh đạo Vicem Bao bì Bỉm Sơn cho biết, thị trường xi măng gặp nhiều khó khăn nên công ty chỉ đưa ra kế hoạch kinh doanh ở mức cầm chừng. Riêng quý 1.2023, Vicem Bao bì Bỉm Sơn lên kế hoạch doanh thu dự kiến ở mức 62 tỉ đồng.

Đáng chú ý, doanh nghiệp này chịu lỗ trước thuế 180 triệu đồng. Tuy nhiên trên thực tế, doanh nghiệp này ghi nhận mức lỗ cao hơn tại quý đầu năm 2023, ở mức âm 347 tỉ đồng.

Mới đây, công ty xi măng lớn nhất miền Nam là Xi măng Hà tiên cũng ghi nhận lỗ kỷ lục trong quý 1.2023 với mức lỗ 86 tỉ đồng.

image-20230425082534-2-1682390659.jpeg

Xi măng Vicem Hà Tiên báo lỗ 86 tỉ đồng trong quý 1.2023

Cụ thể, báo cáo tài chính quý 1 của Xi măng Hà Tiên cho thấy doanh thu đi lùi 14% về mức 1.691 tỉ đồng. Giá vốn tăng nhanh khiến lãi gộp chỉ còn 76 tỉ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo đó, biên lãi gộp của nhà sản xuất xi măng lớn nhất miền Nam này giảm gần một nửa so với cùng kỳ, từ 8,4% xuống còn 4,5%. Không chỉ hoạt động cốt lõi lao dốc mà hoạt động tài chính cũng xấu đi khi chi phí tài chính tăng mạnh 56% lên 43 tỉ đồng (chủ yếu do lãi vay tăng 112%).

Kết quả, Xi măng Hà Tiên báo lỗ sau thuế lên đến 86 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 25 tỉ đồng. Đây là mức lỗ lớn nhất trong lịch sử hoạt động theo quý.

Ban lãnh đạo Xi măng Hà Tiên dự báo 2023 vẫn là năm khó khăn của thị trường xi măng Việt Nam do các dự án chậm triển khai khi gặp khó khăn về nguồn vốn. Bên cạnh đó, các chi phí đầu vào như giá điện, giá than cũng dự kiến tăng trong năm 2023.

Hiện nay, thị trường xi măng miền Bắc và miền Trung xảy ra tình trạng dư cung, trong khi thị trường miền Nam luôn ở trong tình trạng dư cầu. Tình trạng cung vượt cầu đã đặt các doanh nghiệp sản xuất xi măng trước sự cạnh tranh gay gắt cả về chất lượng và giá thành trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Theo số liệu của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), tổng sản phẩm tiêu thụ toàn ngành trong quý 1.2023 đạt 20,7 triệu tấn, giảm 20% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhu cầu xi măng toàn xã hội đạt 17,6 triệu tấn, cũng giảm 9% so cùng kỳ và xi măng nội địa đạt 13,1 triệu tấn, giảm 15% so cùng kỳ năm 2022.

Nhìn chung, các chỉ tiêu sản xuất và tiêu thụ nói trên đã phản ánh rõ những khó khăn và thách thức của ngành xi măng nói chung trong thời gian qua.