Cụ thể, năm 2022, Nam Cường báo lãi sau thuế đạt 1.168 tỷ đồng, giảm 29% so với năm 2021 (1.644,6 tỷ đồng).
Đến cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của Nam Cường tăng thêm 798 tỷ đồng so với năm 2021, lên xấp xỉ gần 7.700 tỷ đồng.
Báo cáo tình hình tài chính của Nam Cường trong năm 2022 còn cho thấy, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cũng giảm mạnh, từ 71% cuối năm 2021 xuống còn 43% vào cuối năm 2022, tương ứng với tổng nợ của doanh nghiệp giảm từ 4.900 tỷ đồng xuống còn hơn 3.300 tỷ đồng.
Như vậy, tổng tài sản (bằng nợ phải trả cộng vốn chủ sở hữu) của Nam Cường tính đến cuối năm 2022 vào khoảng 11.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của công ty cũng giảm mạnh, từ 600 tỷ đồng xuống còn gần 340 tỷ đồng.
Tập đoàn Nam Cường tiền thân là Tổ hợp dịch vụ Vận tải vật tư nông nghiệp và xây dựng Xuân Thủy được thành lập vào năm 1984. Nam Cường được biết đến là “ông trùm” bất động sản phía Bắc khi sở hữu quỹ đất rộng lớn, ở vị trí đắc địa nhờ tham gia vào các dự án BT (hợp đồng xây dựng chuyển giao).
Nam Cường bắt đầu công cuộc mở rộng quỹ đất của mình từ thời điểm năm 2008 thông qua việc tham gia vào các dự BT. Đầu tiên là dự án 5,1km đường trong trục phát triển phía Bắc của quận Hà Đông. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng, có điểm đầu tuyến thuộc phường Vạn Phúc và điểm cuối thuộc phường Yên Nghĩa.
Thời điểm năm 2009, khi thị trường địa ốc sôi động nhất, Nam Cường là ông trùm địa ốc nắm trong tay các dự án khủng như: Dự án khu đô thị Cổ Nhuế, dự án khu đô thị Phùng Khoang và dự án khu đô thị Dương Nội (hai dự án đối ứng từ dự án BT đường Lê Văn Lương kéo dài).
Nam Cường còn đầu tư thêm dự án BT Đường trục kinh tế Bắc Nam (tỉnh Hà Tây cũ). Theo đó, doanh nghiệp được giao quỹ đất đối ứng lên đến gần 2000ha bao gồm 2 dự án Khu đô thị Quốc Oai (huyện Quốc Oai) và dự án Khu đô thị sinh thái Chương Mỹ.
Tuy nhiên, sau khi nhận một loạt dự án “khủng” nêu trên, năm 2010, thời điểm thị trường bất động sản có dấu hiệu suy thoái, nhìn lại tất cả những dự án ấy vẫn chỉ là đất “bỏ hoang”, gần như không thấy Nam Cường có bất cứ hoạt động nào nữa.
Không chỉ tham vọng “gom đất” ở Hà Nội, Nam Cường còn vươn tới nhiều tỉnh thành khác nhờ tham gia các dự án BT. Tại Nam Định, Nam Cường trở thành chủ của 3 khu đô thị Hòa Vượng, Thống Nhất, Mỹ Trung. Tại Hải Dương, Nam Cường có Khu đô thị phía Tây Hải Dương,…
Một trong những dự án được coi là lớn nhất của Nam Cường là Khu đô thị Dương Nội (Hà Đông). Đây cũng là nơi Nam Cường chọn để đặt trụ sở chính.
Tuy nhiên, dự án đình đám này cũng từng dính “lùm xùm” khi xây thừa 500 căn biệt thự và nghi vấn thiếu cân đối trong thực hiện dự án BT đổi đất lấy hạ tầng.