Hơn 2.400 người được triệu tập đến phiên xử vụ án Vạn Thịnh Phát

Sáng nay 5/3, phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác vì những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và những đơn vị liên quan khai mạc.

Phiên tòa do thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM) làm chủ tọa, dự kiến kéo dài đến 29/4.

Khoảng 200 luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho các bị cáo; riêng bà Lan có 5 luật sư. Tòa cũng triệu tập hơn 2.400 người có quyền, nghĩa vụ liên quan.

Các bị cáo trong vụ án bị xét xử về các tội: tham ô tài sản; đưa hối lộ; nhận hối lộ; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (BLHS 1999); vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng (BLHS 2015); lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Duy nhất bị cáo Nguyễn Cao Trí (chủ tịch Công ty Capella) bị xét xử về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị TAND TP HCM xét xử về tội Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Tham ô tài sản liên quan đến việc chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng của SCB.

Ông Chu Nap Kee Eric (tức Chu Lập Cơ, doanh nhân Hong Kong) bị cáo buộc giúp vợ “rút ruột” SCB, gây thiệt hại hơn 9.116 tỷ đồng (trong tổng số hơn 304.000 tỷ).

Trương Huệ Vân (cháu bà Lan, 36 tuổi, Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị xác định vai trò giúp sức tích cực cho bà Lan, gây thiệt hại gần 1.100 tỷ đồng.

ba-truong-my-lan-pld-1709608725.jpg
Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị TAND TP HCM xét xử về tội Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Tham ô tài sản liên quan đến việc chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng của SCB.

Vạn Thịnh Phát có hơn 1.000 công ty “ma” trong và ngoài nước, không có hoạt động kinh doanh, chia thành nhiều tầng lớp tạo thành một hệ sinh thái.

Trong đó, Vạn Thịnh Phát là trung tâm, kiểm soát toàn bộ hoạt động. Các công ty “ma” chủ yếu được bà Lan dựng lên để phục vụ việc đứng tên các khoản vay khống và chuyển nhượng cổ phần.

Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ thực tế số lượng cổ phần gần tuyệt đối của Ngân hàng SCB (từ 85% đến 91,5% cổ phần), qua đó thao túng toàn bộ hoạt động của SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình.

Bà Lan cùng nhiều đồng phạm đã thực hiện một chuỗi hành vi từ tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt tại Ngân hàng SCB; thành lập một số đơn vị thuộc Ngân hàng SCB chuyên trách chỉ để cho vay, giải ngân theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan; thành lập, sử dụng hàng ngàn công ty "ma", thuê nhiều cá nhân, câu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp trong hệ sinh thái để thực hiện tội phạm.

Ngoài ra, bà Lan còn chỉ đạo những người được giao quản lý các công ty có hoạt động kinh doanh thực tế, trong đó có cháu ruột Trương Huệ Vân và chồng là Chu Lập Cơ... ký hồ sơ lập phương án vay vốn khống.

Cơ quan điều tra xác định, trong 10 năm liên tiếp (từ 2012 đến 2022), SCB đã giải ngân cho nhóm của bà Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỷ đồng, chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng, 7% còn lại là nhóm khách hàng thông thường.