Sau khi Taliban chiếm được Kabul vào ngày 15/8, Taliban đã kêu gọi các chuyên gia ở lại Afghanistan và tiếp tục làm việc.
Nhưng giờ đây, đã bốn tháng kể từ khi Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan, các học giả cho biết họ cảm thấy mình bị ruồng rẫy và bị cộng đồng quốc tế bỏ rơi. Nỗi tuyệt vọng về một tương lai nghiên cứu u ám đã buộc nhiều nhà khoa học quyết định rời khỏi đất nước hoặc cố gắng tìm ra những con đường để có thể tiếp tục sự nghiệp của mình.
Khó khăn lớn nhất mà họ phải đối mặt là bị tước bỏ nguồn tài chính lẫn quyền tự do học thuật và không cảm thấy được chính phủ mới coi trọng. Nhiều người tiếp tục lo sợ bị khủng bố vì các mối quan hệ hợp tác quốc tế, vì sắc tộc hoặc giới tính của họ - hoặc vì họ đã chỉ trích chính phủ - và một số chia sẻ rằng Taliban đã đe dọa sẽ giết chết hoặc trừng trị họ. “Chính quyền hiện tại đã hủy hoại hoàn toàn nền khoa học”, Shohra Qaderi, người từng sống ở Afghanistan nhưng hiện đang nghiên cứu khoa học lâm sàng và sức khỏe cộng đồng tại Đại học Khoa học Y tế Shahid Beheshti ở Tehran, cho biết. “Nghiên cứu là một hình thức tự do ngôn luận của các học giả, nhưng Taliban đã tước đoạt quyền này”.
Do cộng đồng quốc tế hiện vẫn chưa công nhận chính phủ hiện tại nên hàng tỷ USD tiền tài trợ, tài sản và các khoản cho vay dành cho các cơ quan chính phủ, các chương trình phát triển và hoạt động nhân đạo vẫn bị đóng băng. Cùng với đó, kinh phí nghiên cứu từ các nguồn quốc tế cũng không còn chảy vào những cơ sở học thuật nữa.
Tình trạng tuyệt vọng
Hiện nay, khoảng 40 trường đại học công lập và cơ sở giáo dục đại học của quốc gia này vẫn mở cửa nhưng không thực sự hoạt động. Các nhà nghiên cứu cho biết các quan chức chính phủ đã yêu cầu nhân viên tiếp tục đến trường điểm danh, nhưng không có lớp học nào diễn ra. Các nhân viên của trường đại học đã không được trả lương kể từ trước tháng tám và các nguồn tài trợ quốc tế cho những dự án nghiên cứu đã bị đình chỉ. Các giảng viên nữ vẫn được phép làm việc nhưng với một số hạn chế. “Chúng tôi đang lãng phí thời gian ở đây”, một nhà nghiên cứu yêu cầu giấu tên cho biết. Sau khi Taliban tiếp quản, các nhà khoa học vẫn phân vân không biết nên làm gì, nhưng giờ thì họ đang cân nhắc đến việc việc rời khỏi đất nước vì công việc nghiên cứu đã bị đình trệ và con cái của họ thì không thể đến trường.
Vào tháng tám, Taliban đã đưa ra lệnh cấm nam, nữ sinh viên học chung - và nhiều trường đại học công lập hiện đang tìm hiểu tính thực tiễn của việc tiến hành giảng dạy tách biệt nam nữ. Chính phủ Taliban cũng đã sắp xếp cài những người đại diện cho họ vào các vị trí trong trường đại học công lập. Thậm chí, chính phủ đã bổ nhiệm một phó hiệu trưởng cho Đại học Kabul danh tiếng, dẫn đến sự kiện hàng loạt các nhân viên trong trường đã từ chức để phản đối, bởi họ cho rằng ứng viên này không đủ tiêu chuẩn để ngồi lên vị trí đó. Vị phó hiệu trưởng sau đó đã được thay thế bởi một ứng cử viên khác.
Nghiên cứu bị đình trệ
Rất nhiều trong số hơn 120 trường đại học tư của đất nước vẫn đang hoạt động. Tuy vậy, các cơ sở giáo dục này vận hành dựa vào học phí của sinh viên, và nhiều sinh viên đang gặp khó khăn trong việc chi trả, thậm chí có những em đã rời khỏi đất nước hoặc bỏ dở việc học của mình. Các học giả cho biết tiền lương và kinh phí nghiên cứu đã bị cắt giảm. “Các hoạt động của nghiên cứu của chúng tôi đã dừng lại”, Sayed Hamid Mousavi, một chuyên gia y tế và là giám đốc nghiên cứu tại Đại học tư thục Kateb ở Kabul, người đã không được trả lương trong suốt bốn tháng qua, cho biết. Hiện tại, ông và những người khác đang xoay sở với công việc bàn giấy như viết các phân tích hồi cứu dữ liệu, bởi các hoạt động nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã bị đình trệ và rất khó để thu thập dữ liệu mới.
Ngoài ra, đã có những học giả bị ngược đãi ở cả các trường đại học công lập lẫn tư thục. Ramin Mansoory, một chuyên gia pháp lý từng là cố vấn cho thống đốc tỉnh Balkh của Afghanistan trước khi ông trốn sang Ba Lan vào tháng tám, đã được nghe nhiều người kể về các vụ sa thải giảng viên thuộc các nhóm dân tộc thiểu số để thay thế bằng những người thuộc sắc tộc Pashtun, nhóm dân tộc lớn nhất Afghanistan. Thậm chí, đã có một số bài báo đưa tin về vụ bắt cóc và giết hại các học giả từ các nhóm dân tộc thiểu số.
Rời khỏi đất nước
Vào tháng tám, Nature đã ghi nhận một làn sóng các nhà nghiên cứu rời khỏi đất nước để xin tị nạn ở nước ngoài. Conncil for At-Risk Academics, tổ chức có trụ sở tại London, đã nhận được hơn 500 đơn đăng ký nhận hỗ trợ từ những nhà nghiên cứu ở Afghanistan. Kể từ đó, đơn đăng ký vẫn liên tục tăng lên, chủ yếu là từ các học giả vẫn còn mắc kẹt ở Afghanistan, nhưng chỉ một ít trong số đó tìm thấy tổ chức đồng ý tiếp nhận họ. “Mọi người đều đang cố gắng đào thoát”, Eraj Haidari, một nhà nghiên cứu luật tại trường City, Đại học London, cho biết.
Scholars at Risk, một tổ chức tương tự có trụ sở tại thành phố New York, đã nhận được hơn 1.300 đơn đăng ký. Cho đến nay, chỉ có 20 ứng viên được kết nối với các tổ chức ở Hoa Kỳ và châu Âu, và tổ chức này đang tìm kiếm cơ hội cho 35 người khác.
Quỹ The Institute of International Education’s Scholar Rescue ở thành phố New York cũng ngập trong số lượng đơn đăng ký kỷ lục. Các yêu cầu đã tăng lên kể từ tháng tám, giám đốc James King cho biết.
Nhưng ngay cả khi các nhà nghiên cứu đã có được cơ hội ra nước ngoài tiếp tục công việc nghiên cứu, việc thoát khỏi Afghanistan vẫn rất khó khăn. Nhiều đại sứ quán trong nước vẫn đóng cửa, điều đó có nghĩa là các học giả thường phải lặn lội sang các nước láng giềng, chẳng hạn như Pakistan và Iran, để lo giấy tờ thủ tục của mình.
Các nhà nghiên cứu cho biết họ không mấy tin tưởng vào việc tình hình ở Afghanistan rồi sẽ được cải thiện trong tương lai gần. “Chúng tôi không nhận được sự hỗ trợ của thế giới. Số lượng các nhà nghiên cứu và học giả đã giảm đáng kể. Chúng tôi đang đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám”, Qaderi bày tỏ nỗi băn khoăn của mình.