Có thể nói, vụ đất “vàng” 216 Trần Duy Hưng được Hà Nội giao cho doanh nghiệp không qua đấu giá khiến nghi vấn về các giao dịch tiêu cực, lợi ích nhóm ngày càng lớn. Ý đồ chia tách thửa đất 216 Trần Duy Hưng có tự bao giờ? Vai trò của ông Phạm Đức Thắng – Giám đốc Hoa Phượng Thăng Long trong phi vụ này là gì? Đây có phải là một trong những kịch bản “thâu tóm” đất công của “phù thủy” Dương New được thực hiện từ Bắc chí Nam, khiến nhiều quan chức liên quan xộ khám?
Càng đi sâu vào tìm hiểu, mới thấy việc giao “đất vàng” 216 Trần Duy Hưng cho doanh nghiệp tư nhân không qua đấu giá có những mối liên kết, logic đến lạ thường. Một phần những logic lạ thường này đã được Tầm Nhìn điện tử đăng tải trong nhiều kỳ trước.
Kịch bản "thâu tóm", chia tách đất công được lặp lại tại đất "vàng 216 Trần Duy Hưng?
Nguyễn Đại Dương (SN 1965, tức Dương New) từng là Phó Giám đốc của Hoa Phượng Thăng Long và là người quản lý vũ trường New Century (thuộc Hoa Phượng Thăng Long). Dương New có nhiều mối quan hệ hữu hảo với những chức sắc của Hà Nội lúc bấy giờ. Năm 2007, vũ trường New Century gây chấn động khi xảy ra vụ án tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy và kinh doanh trái phép. Dương New phải hầu tòa nhưng sau đó vẫn “trắng án”. Thời điểm Hà Nội giao đất cho Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội, Dương New là Giám đốc của doanh nghiệp này.
Hiện tại, Nguyễn Đại Dương đang bị bắt để phục vụ điều tra liên quan đến việc “hô biến đất công thành đất tư” cùng với bố vợ là Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 3-2 (tỉnh Bình Dương); Trần Văn Nam - nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương khóa XIV và 20 bị can khác cùng về tội "Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Vụ việc “hô biến” đất công thành đất tư không qua đấu giá đã khiến Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương dính vòng lao lý, mất tong sự nghiệp chính trị của mình. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang điều tra làm rõ. Kết luận điều tra bổ sung cho biết có đủ cơ sở kết luận ông Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Bình Dương, cùng con rể Nguyễn Đại Dương và các đồng phạm đã thực hiện hành vi cố ý làm trái nội dung phê duyệt của Tỉnh ủy Bình Dương để chuyển nhượng trái pháp luật khu đất 43 ha sang Công ty Âu Lạc do Nguyễn Đại Dương thành lập, điều hành.
Trở lại khu đất “vàng” 216 Trần Duy Hưng, từ một thửa đất công có mục đích cho thuê để thực hiện dự án xây dựng văn phòng làm việc và trung tâm giới thiệu sản phẩm, do một chủ đầu tư là Hoa Phương Thăng Long thực hiện, “bất ngờ” được Hà Nội chấp thuận đơn xin chia tách thành 2 thửa đất để thực hiện 2 dự án (trong đó có một dự án xây dựng chung cư để bán) do 2 chủ đầu tư thực hiện. Việc chấp thuận chủ trương diễn ra âm thầm nhưng chóng vánh…
Đáng chú ý, Công ty TNHH Hoa Phương Thăng Long (Hoa Phượng Thăng Long) hoạt động từ năm 1993, theo giấy phép đăng ký doanh nghiệp số 0100507379, có trụ sở tại số 216 Trần Duy Hưng, do ông Phạm Đức Thắng (hộ khẩu thường trú tại số 5 phố Ngô Văn Sở, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) làm giám đốc và ông Nguyễn Đại Dương, tức Dương New (SN 1965, trú tại tổ 41, phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội) làm Phó Giám đốc.
Như vậy, chỉ sau chưa đầy 7 tháng thành lập, và chưa có thành tích gì đáng kể liên quan đến việc đầu tư dự án hay thực hiện dự án, Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội đã chính thức là chủ khu “đất vàng” rộng 2.373m2 tại số 216 Trần Duy Hưng bằng quyết định số 6459/QĐ-UBND ngày 04/12/2014 do ông Vũ Hồng Khanh – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội lúc bấy giờ ký.
Tại thời điểm Hà Nội giao đất cho Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội, Dương New là Giám đốc đương nhiệm của doanh nghiệp này.
Ý tưởng chia tách thành 2 thửa có từ khi nào để rồi sau này được về tay doanh nghiệp do Dương New là giám đốc? Để trả lời câu hỏi này, phải bắt đầu từ Hoa Phượng Thăng Long do ông Phạm Đức Thắng là giám đốc.
Vai trò của ông Phạm Đức Thắng trong phi vụ "hô biến" đất "vàng"
Để hình thành thửa đất số 216 Trần Duy Hưng, Hà Nội đã phải cất công giải phóng mặt bằng, thu hồi đất từ nhiều thửa đất khác nhau, rồi hợp thành một thửa. Sau đó, Hoa Phượng Thăng Long được thuê đất bằng quyết định cho thuê đất số 764/QĐ-UBND ngày 27/01/2003 do ông Lê Quý Đôn - Phó Chủ tịch Hà Nội lúc bấy giờ ký. Từ đây, Hoa Phượng Thăng Long đã ký hợp đồng thuê đất số 44-2003/ĐCNĐ-HĐTĐTN với Sở Địa chính - Nhà đất Hà Nội để thuê 4.741m2 đất tại số 216 Trần Duy Hưng (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), thời gian thuê đất là 45 năm, từ ngày 27/01/2003 đến ngày 27/01/2048.
Ngày 05/04/2004, Hoa Phượng Thăng Long được cấp GCN QSDĐ số X112675 có diện tích 4.741m2, mục dích sử dụng đất là xây dựng văn phòng làm việc và trung tâm giới thiệu sản phẩm. Phần đất được giới hạn bởi các mốc F,E,D,C,B,A,G,A1,C1. Đơn giá thuê đất thời điểm đó là 22.610 đ/m2/năm, tương ứng tiền thuê đất phải thanh toán một năm cho 4.741m2 là 107.194.010 đồng/năm (Một trăm linh bảy triệu, một trăm chín mươi tư nghìn, không trăm mười đồng).
Sau khi được giao đất, Hoa Phượng Thăng Long đã có văn bản đề nghị điều chỉnh quy hoạch tại khu đất 216 Trần Duy Hưng và ngày 17/11/2010. Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã có văn bản số 3768/QHKT-P1 báo cáo UBND TP Hà Nội về việc điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình tại khu đất 216 Trần Duy Hưng.
Ngày 09/12/2010, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chấp thuận đề xuất của Sở Quy hoạch – Kiến trúc tại công văn số 3768/QHKT –P1 ngày 17/11/2010; ủy quyên cho Sở Quy hoạch Kiến trúc kiểm tra, hướng dẫn Hoa Phượng Thăng Long hoàn chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc, thẩm định và phê duyệt theo quy định.
Ngày 14/04/2011, ông Phạm Đức Thắng – Giám đốc Hoa Phượng Thăng Long tiếp tục có công văn số 93-CV đề nghị chấp thuận điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc sơ bộ công trình hỗn hợp văn phòng – Dịch vụ thương mại và nhà ở căn hộ tại khu đất B có địa chỉ số 216 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội, kèm theo bản vẽ thiết kế do Công ty Cổ phần phát triển Tân Việt hoàn thiện tháng 04/2011.
Bằng cách nào đó, cũng trong ngày 14/04/2011, UBND TP Hà Nội (lúc đó ông Nguyễn Thế Thảo là Chủ tịch) đã nhanh chóng có Quyết định số 1735/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết quận Cầu Giấy, tỷ lệ 1/2000, tại khu đất B địa chỉ số 126 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thuộc ô quy hoạch số 38 (hiện trạng khu A đã được xây dựng 8 tầng). Từ đây, khu đất được hình thành khu A và khu B.
Sau đó, lãnh đạo Sở TN&MT đã liên tiếp có những văn bản tham mưu để UBND thành phố Hà Nội ban hành văn bản chủ trương về việc chia tách đất, giao đất và chuyển mục đích sử dụng đất tại thửa B số 216 Trần Duy Hưng thuộc ô quy hoạch số 38, quận Cầu Giấy...
Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội chính thức là chủ khu “đất vàng” rộng 2.373m2 tại số 216 Trần Duy Hưng chỉ sau chưa đầy 7 tháng thành lập. Và sau đó, ngày 03/01/2017, bằng Quyết định số 01/QĐ-UBND, TP Hà Nội đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại – Summit Building do liên danh Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội và Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Bất động sản 216 là liên danh chủ đầu tư.
Cần nhắc lại, tại thời điểm Hà Nội giao đất cho Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội, Dương New là Giám đốc đương nhiệm của doanh nghiệp này.
Việc UBND TP Hà Nội giao “đất vàng” 216 Trần Duy Hưng không qua đấu giá có đúng quy định không? Cá nhân, đơn vị nào có liên quan trong “phi vụ” giao đất công thành cho tư nhân rất cần được cơ quan điều tra làm rõ. Đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội lúc bấy giờ là ông Nguyễn Trọng Đông (hiện là Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đương nhiệm) và các lãnh đạo TP Hà Nội vào thời bấy giờ là ông Nguyễn Thế Thảo, ông Vu Hồng Khanh. Và cần làm rõ vai trò của ông Phạm Đức Thắng – Giám đốc Hoa Phượng Thăng Long trong “phi vụ” chia tách thửa đất này?!
Tầm Nhìn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc “Kỳ 7: Đất vàng 216 Trần Duy Hưng được Hà Nội điều chỉnh Quy hoạch thần tốc chỉ trong 8 giờ"