Nên đầu tư vào kênh nào trong năm 2023?

Tâm An

20/12/2022 08:57

Theo dõi trên

Trong bối cảnh tín dụng bị thắt chặt, thanh khoản bất động sản suy giảm cùng những biến động về tài chính toàn cầu, gửi tiết kiệm được cho là kênh đầu tư an toàn hiện nay và thời gian sắp tới.

nen-dau-tu-vao-kenh-nao-trong-nam-2023-1671491729-1671501249.jpg

Gửi tiết kiệm được cho là kênh đầu tư an toàn trong năm 2023.

Một năm sóng gió sắp đi qua đối với các nhà đầu tư từ trái phiếu, cổ phiếu, bất động sản cho đến tiền ảo cũng như một số đồng ngoại tệ. Tuy nhiên, khủng hoảng của thị trường tài chính toàn cầu khiến lãi suất tiết kiệm tăng cao, lại khiến tiền gửi trở thành kênh đầu tư “vua” trong năm 2022.

Bước sang năm 2023, nhiều dự đoán cho rằng đây vẫn sẽ là kênh đầu tư an toàn và lý tưởng.

Phân tích kỹ hơn, chuyên gia tài chính Phan Linh cho biết, thời gian qua, những kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, tiền số,... đều chịu ảnh hưởng khi mặt bằng lãi suất tăng lên.

Lúc này, nhà đầu tư có xu hướng rút vốn từ những kênh khác để gửi tiết kiệm. Mặc dù hiện nay thanh khoản hệ thống đã hạ nhiệt khá nhiều, nhưng áp lực lên lãi suất vẫn còn tương đối lớn.

Ông Linh dự báo, khả năng cao, lãi suất vẫn duy trì mặt bằng cao đến giữa 2023 đến khi Fed xoay chiều chính sách.

Trong khi đó, thị trường trái phiếu hiện nay còn nhiều ngổn ngang, bất cập chưa xử lý đươc hết. Đến quý 2.2023, nhiều trái phiếu đến hạn, bắt buộc Ngân hàng Nhà nước phải tăng đầu vào lên để cung cấp ra lượng vốn nhất định đáp ứng được khả năng đảo nợ cho trái phiếu đó.

Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất vẫn duy trì ở mức cao, khó hạ nhiệt. Do đó, với những nhà đầu tư thận trọng, gửi tiết kiệm là kênh đầu tư số 1 trong năm 2023, ông Linh nhận định.

Theo chuyên gia này, còn quá nhiều thứ phía trước vẫn chưa xảy ra. Sau cuộc chiến về lạm phát trên thế giới, Việt Nam có thể sẽ đi chậm hơn một chút, bước sang 2023 sẽ có áp lực nhất định.

Chính vì vậy, trong giai đoạn bất ổn hiện nay, đầu tư vào những kênh phi rủi ro, trong đó có gửi ngân hàng với lãi suất khoảng 10%/năm sẽ là kênh an toàn.

Theo ông Linh, hiện nay Việt Nam chưa có quy định cho phép phá sản ngân hàng, việc gửi tiền vào ngân hàng vẫn tương đối chắc chắn. Tuy nhiên, khi chọn ngân hàng gửi tiền, lãi suất cao không hẳn là yếu tố cốt lõi để đưa ra quyết định, rút kinh nghiệm từ sự kiện SCB vừa qua.

Thời điểm này, nhà đầu tư nên lựa chọn các ngân hàng có yếu tố an toàn, chất lượng dịch vụ tốt, đi cùng với đó là xem xét mức lãi suất hợp lý để tối ưu hiệu quả đầu tư.

Với chứng khoán, sau cú giảm rất mạnh lên tới hơn 40%, thị trường này sẽ cần một thời gian để phục hồi và ổn định trở lại. Tuy nhiên dưới góc nhìn cá nhân, chuyên gia này cho rằng, chỉ cần chính sách nới lỏng trở lại, mọi thứ sẽ quay lại guồng quay mới.

“Tôi nghĩ là vào nửa sau 2023, thị trường sẽ bớt khó hơn cho chứng khoán”, ông Linh nhận định. Khi đó, nhà đầu tư nên cân nhắc rót khoảng 20-30% vốn cho chứng khoán, còn lại vẫn nên lựa chọn một kênh đầu tư an toàn như gửi tiết kiệm. Khi chính sách thay đổi nới lỏng hơn, có thể xem xét dành ra 80% cho kênh này.

Với kênh tài sản kỹ thuật số, ông Linh cho rằng công nghệ blockchain và nhiều đồng tiền số về mặt dài hạn là một xu hướng không thể chối cãi, nhưng nếu đã ở trong một giai đoạn bị thổi lên quá cao sẽ về điểm cân bằng giữa cung và cầu.

Với những nhà đầu cơ, có thể cân nhắc những công nghệ mang tính ứng dụng thực sự vào trong đời sống thì những đồng tiền số đó mới tồn tại được dài hạn. Thời điểm cân nhắc đầu tư thị trường này có thể rơi vào cuối năm 2023.

Vàng cũng sẽ là kênh đầu tư trú ẩn an toàn cho cả nhà đầu tư cá nhân và tổ chức. Theo ông Linh, thông thường giá vàng thế giới sẽ ngược chiều với sức mạnh của đông đô la Mỹ. Từ đầu năm đến nay, đồng đô la mạnh lên khá nhiều, trong khi đó giá vàng thế giới có xu hướng giảm.

“Có thể chúng ta sẽ đối mặt với cuộc suy thoái của Mỹ và châu Âu trong năm 2023. Lúc này, vàng sẽ là kênh đầu tư tương đối ổn trong năm sau”, ông Linh nói.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank, cho rằng gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư tốt nhất trong nửa đầu năm sau. Nửa cuối năm, khi thị trường chứng khoán trở nên ổn định hơn, vùng mua an toàn hơn, dòng tiền cá nhân có thể nhập cuộc sau một thời gian đứng ngoài, giúp thị trường sôi động hơn.

Trước đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng trong bối cảnh nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng lên đến 9%, gửi tiền tiết kiệm ngân hàng là kênh an toàn nhất, khả quan nhất.

Còn đối với vàng, ông Hiếu cho rằng thời điểm này sẽ là kênh nguy hiểm khi giá lên xuống liên tục.

Còn với chứng khoán, thời gian này ai có “gan” lắm mới nhảy vào, bởi hiện tại không ai biết chứng khoán đã chạm đáy hay chưa. Do vậy, đầu tư vào chứng khoán lúc này rất rủi ro.

Với kênh ngoại hối, mặc dù đang tăng rất mạnh nhưng ông Hiếu cho rằng, đây không phải là kênh đầu tư đại chúng vì muốn kinh doanh ngoại hối phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước.

“Muốn an toàn nhất lúc này là bỏ 100% tiền vào ngân hàng, chắc chắn trong 2 năm tới sẽ không bị thất thoát”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Bạn đang đọc bài viết "Nên đầu tư vào kênh nào trong năm 2023?" tại chuyên mục Đầu tư. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com