Ngăn chặn hoạt động khai thác cát trái phép

Thời gian gần đây, tình hình khai thác cát sông trái phép tại tỉnh Tiền Giang, Bến Tre diễn biến phức tạp gây bức xúc trong nhân dân. Các ngành, địa phương đang tập trung nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài để ngăn chặn, kéo giảm tình trạng này.
co-quan-chuc-nang-tinh-tien-giang-lap-bien-ban-xu-ly-cac-truong-hop-khai-thac-cat-trai-phep-tren-song-tien-pld-1687528698.jpg
Cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang lập biên bản, xử lý các trường hợp khai thác cát trái phép trên sông Tiền.

Hoạt động khai thác cát trái phép trong thời gian qua diễn biến hết sức phức tạp, nhất là khu vực sông Tiền (giáp ranh Tiền Giang và Bến Tre); khu vực sông Cổ Chiên (giáp ranh Bến Tre và Vĩnh Long), sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre)..., gây bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, sản xuất của người dân sống trong khu vực.

Liên tục phát hiện hành vi vi phạm

Bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, những đối tượng khai thác cát trái phép lợi dụng đêm tối để bơm, hút cát gây thất thoát nguồn tài nguyên cát và là một trong những nguyên nhân gây sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng. Cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý hàng chục vụ vi phạm.

Cụ thể, vào khoảng 23 giờ ngày 3/6, trong lúc tuần tra trên tuyến sông Tiền, thuộc thủy phận xã Phú Túc (huyện Châu Thành), Tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Bến Tre) phát hiện, bắt quả tang hai tàu sắt không biển số đang có hành vi khai thác cát sông trái phép, tổng khối lượng cát trên hai tàu sắt là gần 90m3. Qua làm việc, các đối tượng đã thừa nhận toàn bộ hành vi bơm, hút cát trái phép.

Gần nhất là vào rạng sáng 12/6, cơ quan chức năng phát hiện sáu phương tiện thủy vận chuyển cát trên sông Hàm Luông, với tổng khối lượng hơn 160m3. Tại thời điểm kiểm tra, những người có mặt trên tàu không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan số cát. Cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản, củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Phó Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre Nguyễn Quang Minh cho biết: “Tuy tình trạng khai thác cát sông trái phép ở tỉnh Bến Tre được kiểm soát, cơ bản không xảy ra các điểm nóng, nhưng có lúc, có nơi vẫn còn diễn ra. Qua thống kê, hiện toàn tỉnh có khoảng 630 phương tiện thủy đang hành nghề trên lĩnh vực này, chủ yếu là ghe gỗ, đa phần không đăng ký, đăng kiểm, hoạt động lén lút cho nên đã gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng trong quản lý, cũng như xử lý vi phạm…”.

Trong giai đoạn từ năm 2017 đến nay, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh Bến Tre đã mở nhiều đợt cao điểm tấn công tội phạm vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản trái phép trên sông. Kết quả, các đơn vị đã tiến hành hơn 4.000 đợt kiểm tra, qua đó xử phạt gần 3.000 vụ vi phạm, khởi tố 43 vụ, ra quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền 75,8 tỷ đồng. Đồng thời, tịch thu 142 phương tiện vi phạm trị giá 37,43 tỷ đồng, tịch thu hơn 16.750m3 khoáng sản trị giá 1,15 tỷ đồng.

Tại tỉnh Tiền Giang, tình hình khai thác cát sông trái phép cũng diễn biến rất phức tạp. Ngày 5/6, Thủy đoàn II (Cục Cảnh sát giao thông-Bộ Công an) đã bàn giao bảy phương tiện cùng 15 đối tượng khai thác cát trái phép cho Công an tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định. Thời điểm kiểm tra, trên các phương tiện có gần 600m3 cát. Thuyền viên trên phương tiện không xuất trình được giấy tờ phương tiện, bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, giấy tờ của cơ quan chức năng có thẩm quyền về cấp phép khai thác khoáng sản.

Cùng thời điểm, trong quá trình tuần tra trên tuyến sông Cửa Đại (xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang), Công an huyện Tân Phú Đông đã phát hiện bốn phương tiện đang thực hiện hành vi khai thác cát trái phép và hai phương tiện vận chuyển cát không có nguồn gốc hợp pháp nên tiến hành kiểm tra và lập biên bản. Bốn phương tiện thực hiện hành vi khai thác cát trái phép, với tổng khối lượng là 69m3. Trong bốn phương tiện khai thác cát trái phép có ba ghe gỗ không biển kiểm soát, một ghe gỗ biển kiểm soát LA 06582.

Thượng tá Bùi Văn Thông, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an Tiền Giang) cho biết: Trong sáu tháng đầu năm 2023, lực lượng công an đã bắt, xử lý vi phạm hành chính 76 vụ/134 đối tượng và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn tám tỷ đồng.

Đặc biệt, địa phương đã khởi tố ba vụ với ba bị can về tội “vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên”. Ngoài ra, nhiều trường hợp khác đang xem xét đề nghị xử lý hình sự. Nguyên nhân còn xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép là lợi nhuận rất lớn cho nên các đối tượng bất chấp pháp luật để hoạt động, trong khi nguồn cung thì khan hiếm, nhu cầu lớn đẩy giá cát lên cao.

Công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương chưa được quyết liệt, chặt chẽ, đồng bộ dẫn đến công tác quản lý, kiểm tra, xử lý chưa đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, công tác xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác, vận chuyển tập kết bến bãi, kinh doanh khoáng sản liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp và được quy định bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật.

Tập trung phối hợp, quyết liệt ngăn chặn

Khi tình hình khai thác cát trái phép tại khu vực sông Tiền giáp ranh Tiền Giang-Bến Tre diễn biến phức tạp, Ban Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang đã phối hợp Công an tỉnh Bến Tre tổ chức họp bàn, triển khai nhiều giải pháp.

Qua đó, đã góp phần ngăn chặn, kéo giảm tình trạng khai thác cát sông trái phép. Trong năm 2023, các đơn vị nghiệp vụ và công an địa phương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã tập trung phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra, khởi tố ba vụ án về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu thăm dò, khai thác tài nguyên”.

Sự quyết liệt trong chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang còn thể hiện qua việc xử lý các điểm nóng về hoạt động khai thác cát trái phép. Điển hình như khi tình hình khai thác cát trái phép xảy ra ở khu vực xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, Công an tỉnh đã thành lập tổ công tác gồm 10 đồng chí cắm chốt tại địa bàn huyện Cái Bè để giải quyết điểm nóng khai thác cát trái phép gần khu vực cầu Mỹ Thuận.

Thượng tá Bùi Văn Thông, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Tiền Giang) cho biết: Ngành chức năng Tiền Giang cần kiên quyết xử lý nghiêm, triệt để nhằm kéo giảm tội phạm, vi phạm pháp luật ngay từ cơ sở; giải quyết cơ bản các “điểm nóng” về khai thác cát trái phép, không để bức xúc trong nhân dân.

Trung tá Trần Hoàng Anh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Bến Tre) cho biết: Đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh triển khai nhiều kế hoạch, phương án chủ động phối hợp với các lực lượng liên quan tăng cường tần suất tuần tra trên các tuyến sông; thành lập hai tổ công tác cấp tỉnh và nhiều tổ công tác tại địa bàn các huyện, xã để hoạt động đồng loạt trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh đó, sẽ tiến hành tổng kiểm tra các điểm, bến bãi, doanh nghiệp tập kết, kinh doanh cát sông, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên lĩnh vực này”.

Ngoài việc kiểm tra xử lý vi phạm, các ngành, địa phương tại tỉnh Bến Tre, Tiền Giang còn chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, vận động những người có phương tiện đang hành nghề khai thác, vận chuyển cát sông chấp hành tốt các quy định về bảo vệ tài nguyên khoáng sản.

Đồng thời, kêu gọi những cá nhân này chuyển đổi nghề, không tham gia khai thác cát trái phép, mạnh dạn lên án, tố giác những cá nhân, tổ chức vi phạm. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết: Địa phương đã chỉ đạo các đơn vị, các ngành xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ trong năm 2023 và những năm tiếp theo sát với điều kiện và tình hình thực tế để quản lý hoạt động khai thác cát, nhất là đối với cát sông trái phép. Tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp quản lý hoạt động khoáng sản trong và ngoài tỉnh.

Đồng thời, tỉnh sẽ đấu giá quyền khai thác khoáng sản sau khi quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt để đưa các mỏ cát đủ điều kiện đi vào khai thác nhằm giải quyết nhu cầu hiện nay. Song song với đó, địa phương cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm; nâng cao ý thức, cảnh giác nhận diện các phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng khai thác khoáng sản để kịp thời có giải pháp, biện pháp đấu tranh, xử lý có hiệu quả, lâu dài.