Mùa xuân giá thép đến sớm từ quý 4/2024
Trong 8 tháng đầu năm 2024, giá thép xây dựng và giá thép cuộn cán nóng (HRC) đã lần lượt giảm 32% và 28% so với cùng kỳ năm 2023 do nhu cầu yếu. Tình trạng này đến từ tiêu thụ thép ở Trung Quốc giảm mạnh, chủ yếu là do cuộc khủng hoảng bất động sản đang diễn ra.
Tuy nhiên, theo đánh giá mới đây của Chứng khoán MB (MBS), giá thép Trung Quốc có thể đảo chiều và phục hồi khi nguồn cung tại nước này bị thắt chặt kể từ quý 4/2024.
Cụ thể, chính phủ Trung Quốc đã hoãn phê duyệt các nhà máy thép sử dụng than kể từ năm 2024 để bảo vệ môi trường và hạn chế nguồn cung mới.
Ngoài ra, một số nhà máy sản xuất thép lớn của nước này đã cắt giảm 20 - 30% sản lượng khi biên lợi nhuận gộp rơi xuống mức âm 4%, mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Điều này khiến sản lượng thép của Trung Quốc trong tháng 9/2024 đã giảm 10% so với cùng kỳ năm 2023.
Về phía cầu, tiêu thụ thép tại Trung Quốc được kỳ vọng sẽ dần hồi phục khi một số thành phố lớn như Thượng Hải và Giang Tô có kế hoạch tái thiết cơ sở hạ tầng.
Trung Quốc cũng đang nỗ lực vực dậy thị trường bất động sản với loạt biện pháp “mạnh tay”, gồm kế hoạch giảm lãi suất vay mua nhà với số nợ vay thế chấp mua nhà trị giá 5.300 tỷ USD, nới lỏng hạn chế đối với những người mua căn nhà thứ hai…
MBS cho rằng, khi áp lực từ thép giá rẻ Trung Quốc giảm xuống, giá thép trên thị trường nội địa Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trở lại.
Khác với Trung Quốc, tiềm năng của thép Việt Nam đến từ triển vọng phục hồi của thị trường bất động sản. Tăng trưởng của nguồn cung nhà ở và đầu tư công đã thúc đẩy sự phục hồi của thép xây dựng.
Theo CBRE, nguồn cung căn hộ tại Hà Nội và TP.HCM sẽ tăng lần lượt 30% và 20% so với cùng kỳ. Hơn nữa, kế hoạch giải ngân đầu tư công tiếp tục tăng trưởng 12% so với cùng kỳ với giá trị khoảng 638.000 tỷ đồng khi Chính phủ tập trung đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế.
MBS dự báo giá thép xây dựng và HRC Việt Nam sẽ có mức hồi phục tích cực kể từ quý 4/2024 khi áp lực từ Trung Quốc được giảm bớt. Do đó, theo ước tính giá thép xây dựng có thể đạt trung bình 571 USD/tấn, tăng 4% so với năm 2023.
Trong khi đó, giá thép HRC có thể đạt 556 USD/tấn, giảm 7% so với năm 2023, chủ yếu do mức giảm mạnh trong nửa đầu năm nay.
Sang năm 2025, MBS kỳ vọng thép xây dựng và HRC có thể tăng lần lượt 7% và 6% svck, đạt mức 611 USD và 590 USD/tấn. Trong năm 2025 - 2026, giá thép xây dựng có thể tăng 7% và 8% đạt mức 608 USD và 657 USD/tấn.
Doanh nghiệp nào sẽ hưởng lợi lớn từ chu kỳ phục hồi giá thép?
MBS nhận định Tập đoàn Hòa Phát sẽ là doanh nghiệp hưởng lợi đầu tiên khi giá thép tăng trở lại nhờ vị thế đầu ngành.
Theo ước tính, lợi nhuận ròng trong giai đoạn 2024 - 2025 có thể tăng 74% và 51% so với nhờ sản lượng tăng trưởng và biên lợi nhuận gộp cải thiện.
Năm 2026, với sự đóng góp của 3 triệu tấn HRC từ dự án Dung Quất 2, lợi nhuận của Hòa Phát có thể đạt 23.576 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, nhà sản xuất này có thể giành thêm thị phần nếu thuế chống bán phá giá đối với thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc được áp dụng. Chính sách này cũng được kỳ vọng thu hẹp chênh lệch giữa giá thép Trung Quốc và Việt Nam.
Tương tự, Tập đoàn Hoa Sen với vị thế dẫn đầu ngành tôn mạ cũng được dự báo sẽ hưởng lợi khi nhu cầu trong nước hồi phục. Doanh nghiệp này cũng được kỳ vọng sẽ giành thêm thị phần nếu thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc được áp dụng.
MBS ước tính lợi nhuận ròng trong năm 2024 - 2025 của Hoa Sen có thể tăng trưởng lần lượt 2.330% và 6% so với cùng kỳ nhờ sản lượng tăng trưởng và biên lợi nhuận gộp tăng.
Với triển vọng thị trường EU và Mỹ tích cực, Thép Nam Kim cũng được dự báo hưởng lợi nhờ một trong những lợi thế là doanh nghiệp dẫn đầu ngành.
Đơn vị này dự báo Nam Kim sẽ bước vào chu kỳ phục hồi với tốc độ tăng trưởng 287% trong giai đoạn 2024 nhờ doanh thu tăng trưởng 20%, trong bối cảnh sản lượng và giá bán phục hồi nhu cầu xuất khẩu được cải thiện.