Người trồng cafe Việt Nam loay hoay chuyển hướng

Người trồng cafe Việt Nam đang tìm cách kết hợp sản xuất thêm những loại cây cho lợi nhuận cao hơn như bơ, hồ tiêu (đen), sầu riêng,… trong bối cảnh giá phân bón và nhiên liệu tăng cao do chiến tranh tại Ukraine.

Nhưng ngay cả khi có thêm nguồn thu nhập bổ sung này thì hoạt động đầu tư cho cây cà phê cũng phải cắt giảm, dẫn tới việc sản lượng mùa tới có nguy cơ sụt giảm 10% – ông Nguyễn Nam Hải, chủ tịch Hiệp hội Cafe và Cacao Việt Nam (VICOFA) cho biết. Do Việt Nam vẫn đang nhập khẩu một lượng lớn phân bón từ Ukraine, Nga và Belarus, nên mặc dù giá bán cafe tốt song nông dân trên thực tế lại không có lợi nhuận do chi phí leo thang.

7335h1-1652409143.png

Một công nhân đang thu hoạch cafe. Ảnh: Reuters.

Việt Nam hiện là nhà sản xuất cafe robusta – nguyên liệu chính của món cafe uống liền và espressos – lớn nhất thế giới. Theo số liệu do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công bố, Việt Nam có khả năng đã sản xuất gần 1/5 lượng cafe của thế giới trong giai đoạn 2021 – 2022 với hơn 1,86 triệu tấn.

Chiến sự hầu như không ảnh hưởng tới các đơn hàng xuất khẩu cafe của Việt Nam, do khu vực xung quanh vùng chiến sự (Nga, Ukraine, Belarus) không phải là thị trường chính; còn doanh số bán hàng sang Liên minh Châu Âu (EU) – thị trường chủ lực – vẫn được duy trì tương đương với năm ngoái. Trong khi cafe hạt (thô) thống trị danh mục xuất khẩu thì các sản phẩm cafe chế biến của Việt Nam vẫn đang vật lộn tìm đường tiến ra thị trường thế giới bởi khách hàng vốn đã quen thuộc với những thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Nestle, ...

Ông Hải cho biết: Việt Nam đặt mục tiêu sẽ đưa các sản phẩm đã qua chế biến lên chiếm 25% tổng doanh thu từ xuất khẩu cafe trong vòng 5 năm tới, so với mức dưới 10% như hiện tại. Trong khi đó, thị trường nội địa cũng được dự báo sẽ tăng trưởng tốt, tiêu thụ khoảng 12% sản lượng cafe.

VICOFA khuyến nghị người trồng cafe tại địa phương nên kết hợp với nhau theo mô hình hợp tác xã và liên kết cùng những nhà xuất khẩu để đạt được quy mô lớn, chuẩn hóa quy trình canh tác, khuyến khích việc sử dụng các giống năng suất cao, cải thiện hệ thống thủy lợi,… để thích ứng trước tình trạng biến đổi khí hậu.