“Vùng trũng” giá đất
Theo báo cáo thị trường của DKRA Vietnam, 6 tháng đầu năm 2022 sức cầu phân khúc đất nền tại Bình Dương vẫn tiếp tục tăng và nguồn cung mới chiếm 24% toàn thị trường sơ cấp TPHCM và các tỉnh giáp ranh. Giá bán phân khúc sản phẩm này bình quân đạt 33,5 triệu đồng/m2, cao nhất lên đến 58 triệu đồng/m2.
Thực tế, giá đất nền tại các khu vực đô thị lớn như Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An hiện nay đã tiệm cận với TPHCM. Chính vì vậy, một số nhà đầu tư sành sỏi kinh nghiệm bắt đầu “nhát tay” và có xu hướng tìm đến những khu vực giá đất còn thấp và đang có cơ hội phát triển kinh tế mạnh mẽ. Tam giác công nghiệp Phú Giáo –Tân Uyên – Bến Cát nhờ đó đang “lọt vào mắt xanh” của nhiều nhà đầu tư.
Khảo sát cho thấy, các dự án có vị trí trung tâm đô thị hoặc liền kề KCN tại Phú Giáo đang có giá thấp nhất 1,2 tỷ đồng/nền. Tại Bến Cát, Tân Uyên – hai thị xã chuẩn bị lên thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương, giá đất thấp nhất là 1,5 tỷ đồng/nền.
Mức giá này bằng chưa đến một nửa so với các khu vực giáp ranh TPHCM. Sự hấp dẫn này không chỉ giúp Phú Giáo, Tân Uyên hay Bến Cát thu hút các nhà đầu tư từng có nhiều trải nghiệm thị trường mà cả các nhà đầu tư mới, nhà đầu tư còn hạn chế về vốn hoặc những người tích lũy tiền lương tìm mua đất làm “của để dành”.
Anh Lý Kỳ Lam, ngụ tại TP. Thủ Đức, cho biết hơn 10 năm qua anh chỉ đầu tư phân khúc đất nền tại Bình Dương và nhận thấy thị trường luôn giữ nhịp tăng trưởng ổn định, thanh khoản dễ dàng, chưa bao giờ “đứng bánh” kể cả lúc thị trường bất động sản trầm lắng. Ba năm gần đây, thay vì các đô thị đã định hình phát triển, anh bắt đầu tìm đến những địa phương chuẩn bị lên thành phố như Tân Uyên, Bến Cát và thắng lớn.
“Gần đây, bên cạnh Bến Cát, Tân Uyên, tôi cũng quan tâm nhiều hơn đến Phú Giáo bởi đây là ‘thủ phủ công nghiệp’ mới của Bình Dương và hàng chục dự án hạ tầng lớn đang được đầu tư. Hai lô đất liền kề KCN VSIP 3, VSIP 4 tại thị trấn Phước Vĩnh tôi mua đầu năm 2022 bây giờ đã có lời không dưới 30%”, anh Lam nói.
Trong khi đó, anh Nguyễn Minh Đạt (TP. Thuận An) thì cho biết sau nhiều năm đi làm anh mới tích lũy được khoảng 1,4 tỷ đồng. Cuối năm 2021, anh dự tính mua đất tại khu vực vùng ven thành phố mới Bình Dương để xây nhà nhưng chưa kịp “xuống tiền” thì cơn sốt ập đến khiến giá tăng gấp đôi. Anh chia sẻ: “Bây giờ cầm khoảng 3 tỷ đồng cũng khó tìm được đất tại các đô thị lớn của Bình Dương. Trong khi Phú Giáo, Tân Uyên đang phát triển, giao thông kết nối tốt, hệ thống tiện ích cũng phong phú và dân cư đông đúc do có nhiều KCN lớn nên tôi đang tìm mua đất nền tại khu vực này”.
Tam giác công nghiệp tạo động lực mới
Bình Dương đang chuyển hướng chiến lược phát triển công nghiệp về khu vực phía Bắc vì các KCN giáp ranh TPHCM đã lấp đầy từ lâu. Một loạt KCN quy mô hàng chục ngàn héc ta đang được quy hoạch và xây dựng tại Phú Giáo, Tân Uyên và Bến Cát. Đơn cử như Phú Giáo quy hoạch bổ sung 5 KCN với tổng diện tích hơn 4.237ha, bao gồm Vĩnh Lập 1, Vĩnh Lập 2, Tam Lập, An Linh, An Bình…
Đặc biệt, khu liên hiệp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Becamex Đồng Phú 6.300 ha liền kề Phú Giáo đang được xây dựng hứa hẹn sẽ biến khu vực này thành một thành phố công nghiệp công nghệ cao kiểu mẫu, sánh tầm châu Á. Bến Cát thì ngoài 8 KCN với diện tích hơn 4.000ha cũng đang chuẩn bị lập thêm các khu công nghệ cao nhằm đón làn sóng đầu tư mới từ các doanh nghiệp quốc tế.
Theo các chuyên gia, hai thập kỷ vừa qua, từ một tỉnh thuần nông, Bình Dương đã vươn lên trở thành đầu tàu kinh tế của miền Nam nhờ chiến lược phát triển công nghiệp bài bản, hiệu quả. Chính điều này giúp tăng tốc đô thị hóa, thu hút người lao động đến Bình Dương và gia tăng giá trị bền vững cho bất động sản. Sắp tới, Bình Dương cũng sẽ trở thành tỉnh đầu tiên có đến 5 thành phố trực thuộc khi Bến Cát và Tân Uyên lên thành phố.
Hiện nay, tam giác công nghiệp thế hệ mới Phú Giáo – Tân Uyên – Bến Cát cũng được kỳ vọng mở ra kỷ nguyên tăng trưởng nhanh hơn, chất lượng hơn cho Bình Dương và lan tỏa đến các khu vực lân cận. Để phục vụ chiến lược phát triển này, hàng chục dự án hạ tầng kết nối giao thông đang được tỉnh Bình Dương xúc tiến đầu tư tại Phú Giáo – Tân Uyên – Bến Cát. Các dự án trọng điểm gồm mở rộng quốc lộ 13, quốc lộ 14, hoàn chỉnh đại lộ Mỹ Phước – Tân Vạn – Phú Giáo, xây dựng trục động lực Tân Uyên – Phú Giáo, trục Hội Nghĩa – An Tây, cao tốc Chơn Thành – Đức Hòa, Vành đai 3, Vành đai 4, ĐT 741, ĐT 742, ĐT 746 hay đường sắt Xuyên Á, cao tốc và metro TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành…
Anh Lý Kỳ Lam nhận định nếu Bình Dương là “thủ phủ công nghiệp” của phía Nam thì tam giác Phú Giáo – Tân Uyên – Bến Cát sắp tới sẽ là “trái tim” của thủ phủ đó. Và nếu lấy sự phát triển của bất động sản khu vực Thuận An, Dĩ An làm tham chiếu thì bất động sản trong tam giác công nghiệp động lực Phú Giáo – Tân Uyên – Bến Cát sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng hơn. “Đây là lý do tôi và nhiều nhà đầu tư quen biết đều đang ‘đặt cược’ vốn liếng vào thị trường này”, anh nói.