Anh Nguyễn Văn Liêm (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, anh có một lô đất 80m2 ở Thạch Thất, Hà Nội mua vào đầu năm 2022 với giá hơn 2,3 tỉ đồng. Trong đó, có hơn 1 tỉ đồng là tiền vay ngân hàng. Thời điểm mua vào, anh tin rằng chỉ cần đợi khoảng 6 tháng đến 1 năm, lô đất của anh có thể tăng giá 50% nên mạnh dạn xuống tiền.
Tuy nhiên, thị trường đột ngột chững lại sau những lệnh điều chỉnh tín dụng. Sau hai tháng rao bán cắt lỗ xuống 2 tỉ đồng nhưng không có người hỏi mua, trong khi lãi suất ngân hàng ngày càng tăng cao, nhà đầu tư này dự tính vay mượn người thân, bạn bè để sớm tất toán khoản vay, chờ đợi thị trường ấm lên sẽ bán.
Thế nhưng cho đến nay, xu hướng thị trường vẫn chưa rõ ràng, những dự báo trái chiều càng khiến nhà đầu tư này hoang mang vì không biết, việc giữ lại bất động sản là đúng hay sai.
“Nếu trong năm sau, tình hình kinh tế biến động theo hướng xấu hơn, thì việc giữ lại bất động sản có thể còn mất nhiều hơn cắt lỗ vào thời điểm này”, anh Liêm cho hay.
Liên quan đến câu chuyện này, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, cho rằng vào cuối năm, doanh nghiệp đòi hỏi phải có tiền để chi trả cổ phiếu, trái phiếu và chi trả lương cho nhân viên. Do vậy việc ra hàng mới vào thời điểm này rất khó. Điều này sẽ khiến nhu cầu thật tăng cao, kéo theo giá bất động sản cũng sẽ tăng trong thời gian tới.
Do đó, ông Cường dự báo sang năm 2023, giá bất động sản vẫn còn tăng cao do nhiều yếu tố tác động.
Đơn cử, giá xăng dầu chỉ cần tăng 1% cũng đã tác động rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế của thị trường. Bởi 80% các dự án bất động sản liên quan đến các chi phí về giá thành, vận tải, sản xuất vật liệu xây dựng hay máy móc nhân công để phục vụ cho các dự án phát triển về nhà ở.
Bên cạnh đó, các quỹ đất hiện nay không còn nhiều nên chủ đầu tư buộc phải thoả thuận với người dân về mức giá đền bù. Mặt khác, lãi suất ngày càng cao sẽ đẩy giá đầu vào mọi công trình bất động sản tăng theo, khiến cho giá bán giao dịch bất động sản trên thị trường cũng phải tăng.
Ông Cường cho rằng sức mua sẽ không vì thế mà bị kìm hãm vì nhu cầu của người dân vẫn còn rất lớn. Trên thị trường hiện nay, phân khúc căn hộ giá rẻ, bình dân đang có nguồn cầu tăng cao nhất nhưng lại không có hàng.
Về việc liệu thị trường có xảy ra những cơn sốt đất trong năm sau, ông Cường dự báo là có, bởi thực tế lệnh cấm phân lô bán nền ở các địa phương cũng không khiến cho giá bất động sản giảm, do nhu cầu nhà ở nông thôn vẫn rất cao.
Hiện nay, đất nền ven đô còn nhiều quỹ đất đang để hoang hoá và tài chính của Nhà nước không đủ để cải thiện quỹ đất đó giúp cho người dân phát triển chăn nuôi, trồng trọt.
Trong khi đó, thị trường bất động sản trong nội đô phát triển nhanh buộc các nhà đầu tư phải chuyển hướng ra những vùng lõi đô thị, thực tế này như “vết dầu loang” ngày càng rộng, bởi vì quỹ đất càng ngày càng khan hiếm.
Đặc biệt, vừa qua Thành phố Hà Nội đã có thêm đường Vành đai 3, và đang triển khai Vành đai 4, thậm chí quy hoạch cả Vành đai 5 để giảm tải ùn tắc giao thông, kéo giãn đô thị, đồng thời phát triển hệ thống trường học, bệnh viện, nhà máy ra vùng ven và các thành phố vệ tinh.
“Quy luật của thị trường bất động sản là hạ tầng đi đến đâu, giá bất động sản tăng đến đó. Do vậy, nhà đầu tư bất động sản nên lựa chọn phân khúc đáp ứng nhu cầu ở thực của đại bộ phận người dân để đảm bảo tính thanh khoản tốt trước mọi biến động của thị trường”, ông Cường nhấn mạnh.