Đăng kiểm là thủ tục bắt buộc nhằm kiểm tra mức độ đáp ứng tiêu chuẩn lưu thông của phương tiện. Trong đó, kiểm tra khí thải ô tô là một trong những hạng mục quan trọng của đăng kiểm xe ô tô.
Các chuyên gia đã chỉ ra rất nhiều lỗi khiến ô tô bị trượt đăng kiểm khí thải. Điển hình như:
Kim phun nhiên liệu kém
Kim phun còn gọi là béc phun, đây là bộ phận đầu ra cuối cùng trong hệ thống cung cấp nhiên liệu của động cơ xe. Bộ phận này có nhiệm vụ quan trọng trong việc phun nhiên liệu vào buồng đốt xy lanh động cơ nhằm tạo ra sự cháy.
Nếu kim phun nhiên liệu bị hỏng hoặc hoạt động không ổn định thì động cơ xe sẽ xảy ra hiện tượng nổ máy không đều hoặc dễ chết máy. Nguyên nhân có thể do tỉ lệ hòa trộn nghèo, hỗn hợp không khí ít hơn so với lượng nhiên liệu đầu vào.
Trong trường hợp có quá nhiều nhiên liệu không được đốt cháy trong một chu kỳ, xe ô tô sẽ tạo ra khí CO2 nhiều hơn mức thông thường. Dẫn đến lượng khí CO2 thoát ra ngoài cao hơn so với mức quy định tiêu chuẩn của các máy đo khí thải. Từ đó dẫn đến việc bị đánh trượt đăng kiểm khí thải.
Cảm biến oxy kém
Cảm biến oxy trên xe ô tô là thiết bị điện tử có tác dụng đo nồng độ oxy còn sót lại trong khí thải của động cơ và truyền về bộ điều khiển trung tâm (ECU). Sau đó, hệ thống ECU sẽ tính toán và đưa ra phương án cân chỉnh nhiên liệu và lượng khí nhằm đảm bảo quá trình cháy đạt được hiệu quả.
Khi bộ cảm biến oxy gặp vấn đề, hệ thống động cơ sẽ nhận biết và tự động giảm lượng nhiên liệu đưa vào xi lanh. Đồng thời, xe cũng sẽ chuyển sang chế độ Limp Mode để bảo vệ động cơ và hộp số.
Tuy nhiên, khi mang xe đi đăng kiểm, nếu cảm biến oxy gặp vấn đề, hệ thống ECU của động cơ sẽ khó có thể hoạt động chính xác và điều này sẽ dẫn đến việc xe ô tô bị trượt trong bài kiểm tra khí thải.
Nắp bình xăng bị lỏng hoặc rò rỉ
Nắp bình xăng cũng là chi tiết có vai trò quan trọng, giúp giữ kín, bảo quản nhiên liệu để đảm bảo xe hoạt động an toàn và ổn định. Nếu người dùng quên không đóng nắp bình xăng có thể tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn tới cháy nổ trong quá trình di chuyển hoặc gây ra các bệnh lý về đường hô hấp.
Để khắc phục vấn đề này, người dùng cần lưu ý tiếng lách cách phát ra từ xe để đảm bảo rằng nắp bình đã được vặn chặt. Đối với trường hợp nắp bình xăng siết chặt nhưng vẫn gặp “triệu chứng” kể trên, chủ xe nên thử kiểm tra xem có dấu hiệu của vết nứt hay vết rách không. Một trong những nguyên nhân có thể gặp phải là miếng đệm cao su xuống cấp khiến cho hơi nhiên liệu thoát ra bên ngoài.
Bộ lọc gió động cơ có vấn đề
Lọc gió động cơ ô tô là bộ phận ngăn ngừa bụi bẩn đi vào nhiên liệu, hệ thống làm mát và buồng đốt của động cơ.
Nếu bộ lọc gió của động cơ hay còn gọi là hệ thống nạp khí bị tắc, bẩn, hoặc hoạt động không ổn định,…đều có thể dẫn tới tình trạng dư lượng khí carbon monoxide (CO) hoặc hydrocarbon (CH4). Từ đó, dẫn đến tỉ lệ hòa trộn nhiên liệu vào buồng đốt ít hơn. Đi kèm lượng nhiên liệu chưa được đốt cháy cũng dễ dàng phát nổ ngay trong hệ thống ống xả khiến lượng khí CO2 thoát ra cao hơn.
Do đó, nếu bộ lọc gió động cơ gặp vấn đề thì sẽ khiến phương tiện bị trượt đăng kiểm khí thải.
Đèn Check Engine sáng
Đèn Check Engine là hệ thống đèn báo lỗi bố trí trên cụm đồng hồ trung tâm. Đèn này thường bật sáng rồi tắt đi khi xe ô tô bắt đầu khởi động nhằm báo hiệu rằng hệ thống đã được khởi động và đang trong tình trạng hoạt động bình thường.
Với trường hợp xe bị lỗi động cơ, đèn Check Engine sẽ liên tục phát sáng và nhấp nháy nhằm cảnh báo người dùng. Trong quá trình đăng kiểm, nếu đèn Check Engine bật sáng thì xe ô tô sẽ bị trượt đăng kiểm khí thải.