Pháp luật về hành vi đưa hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước - Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý cho Việt Nam

Trong phạm vi bài viết này, tác giả so sánh pháp luật Việt Nam với pháp luật của một số quốc gia như Trung Quốc và Hoa Kỳ về hành vi đưa hối lộ; chỉ ra kinh nghiệm của các quốc gia trên về việc xác định hành vi đưa hối lộ, chủ thể tham gia, chứng cứ hối lộ và chế tài áp dụng đối với hành vi đưa hối lộ. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra kiến nghị hoàn thiện pháp luật nhằm hạn chế hành vi đưa hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước tại Việt Nam.

Tóm tắt: Tham nhũng là hiện tượng xã hội xảy ra không chỉ trong khu vực nhà nước mà còn xảy ra trong khu vực ngoài nước. Một trong những hành vi tham nhũng phổ biến đó là hành vi đưa hối lộ. Trong phạm vi bài viết này, tác giả so sánh pháp luật Việt Nam với pháp luật của một số quốc gia như Trung Quốc và Hoa Kỳ về hành vi đưa hối lộ; chỉ ra kinh nghiệm của các quốc gia trên về việc xác định hành vi đưa hối lộ, chủ thể tham gia, chứng cứ hối lộ và chế tài áp dụng đối với hành vi đưa hối lộ. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra kiến nghị hoàn thiện pháp luật nhằm hạn chế hành vi đưa hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước tại Việt Nam.

Từ khóa: chế tài, khu vực ngoài nhà nước, hối lộ, tham nhũng.

Abstract: Corruption is a social phenomenon that occurs not only in the state sector but also in the non-state sector. Bribery is one of the common forms of corruption. In this article, the author draws a comparison between Vietnamese law and the bribery laws of various countries, including China and the United States. As a result, the article highlights the experiences of various countries in defining bribery, identifying participants, identifying evidence of bribery, and implementing sanctions related to bribery. On that basis, the article recommends improving the law to limit bribery in the non-state sector in Vietnam.

Keywords: sanctions, non-state sector, bribery, corruption.

1. Hành vi đưa hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước

Khu vực ngoài nhà nước được xác định dựa vào những yếu tố sau:

Thứ nhất, dưới góc độ quyền lực: Quyền lực là tiềm năng (năng lực, khả năng) của chủ thể tác động đến chủ thể khác nhằm đạt đến kết quả theo ý chí của mình thông qua các nguồn lực, phương tiện nhất định.[1] Theo đó, quyền lực nhà nước là tiềm năng của chủ thể sử dụng quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp tác động đến chủ thể khác nhằm đạt được mục tiêu nhà nước đặt ra. Nơi nào thực hiện quyền lực nhà nước thì nơi đó thuộc về “khu vực công”.[2] Vì vậy, “cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước” là chủ thể có quyền lực nhà nước - quyền lực công, ví dụ: cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức, đơn vị khác do Nhà nước thành lập, đầu tư, quản lý. Từ đó cho thấy “khu vực ngoài nhà nước” là khu vực không thực hiện quyền lực công.

Thứ hai, dưới góc độ tài chính: Để xác định “khu vực nhà nước” hay “khu vực ngoài nhà nước” căn cứ vào sự tác động của tài chính công. Tác động của tài chính công được xác định theo hai tiêu chí bao gồm quản lý tài chính công và sử dụng tài chính công.[3] Theo đó: (i) Khu vực nhà nước (khu vực công): Là những cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý tài chính công, ví dụ: cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập,… Bên cạnh đó, một số tổ chức, đơn vị sử dụng tài chính công cũng được xem là chủ thể thuộc khu vực công, ví dụ: doanh nghiệp nhà nước; tổ chức, đơn vị khác do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc tham gia quản lý nhằm phục vụ nhu cầu phát triển chung, thiết yếu của Nhà nước và xã hội ; (ii) Khu vực ngoài nhà nước: Là những tổ chức, đơn vị không quản lý, sử dụng tài chính công hoặc có sử dụng tài chính công nhưng nguồn tài chính này không phải là nguồn chủ yếu. Ví dụ, các doanh nghiệp (không phải doanh nghiệp nhà nước); các tổ chức xã hội; tổ chức xã hội - nghề nghiệp;…

Tiếp cận từ hai góc độ nêu trên, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã ghi nhận: Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước là doanh nghiệp, tổ chức không phải là cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước.[4] Trong đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức, đơn vị khác do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc tham gia quản lý nhằm phục vụ nhu cầu phát triển chung, thiết yếu của Nhà nước và xã hội.[5]

Hối lộ và đưa hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước

Theo Từ điển Tiếng Việt, “hối lộ” được hiểu là “đưa tiền của cho người có quyền hành để nhờ làm việc có lợi cho mình, bằng hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn hoặc làm sai pháp luật”[6]. Tuy vậy, với cách giải thích này thì thuật ngữ hối lộ chỉ mới đề cập tới là hành vi của chủ thể “đưa” hối lộ mà chưa đề cập tới hành vi của các chủ thể khác khi tham gia vào quan hệ này như hành vi nhận hối lộ và hành vi môi giới hối lộ. Nghĩa là, tham gia vào quan hệ hối lộ có thể có các chủ thể sau: (i) Người đưa hối lộ: là người trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích vật chất hoặc phi vật chất[7]; (ii) Người nhận hối lộ: người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc trung gian nhận hoặc sẽ bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ[8]; (iii) Người môi giới hối lộ: người có hành vi làm trung gian giữa người nhận hối lộ và người đưa hối lộ theo yêu cầu của một trong hai bên hoặc của cả hai bên để làm hoặc không làm một việc có lợi cho người đưa hối lộ. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung vào hành vi tham nhũng phổ biến nhất, đó là hành vi đưa hối lộ.

Hành vi đưa hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước gồm có những đặc điểm sau: (i) Chủ thể nhận hối lộ: cá nhân, tổ chức thuộc khu vực ngoài nhà nước. Trong đó, “khu vực ngoài nhà nước” là những cơ quan, đơn vị, tổ chức không thực hiện quyền lực nhà nước; không quản lý tài chính công; không sử dụng hoặc rất ít sử dụng tài chính công. (ii) Mục đích của hành vi đưa hối lộ: người nhận hối lộ bằng hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn hoặc làm sai pháp luật nhằm đem lại lợi ích cho người đưa hối lộ.

2. Pháp luật về hành vi đưa hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước dưới góc nhìn so sánh

2.1 Pháp luật Trung quốc

Hành vi đưa hối lộ: Hối lộ được cấu thành bằng cách đưa tài sản cho viên chức nhà nước nhằm mục đích tìm kiếm 'lợi ích bất hợp pháp', bao gồm đưa cho viên chức nhà nước 'một số tiền tương đối lớn', tài sản, tiền hoàn lại hoặc phí xử lý dưới bất kỳ hình thức nào trong quá trình giao dịch kinh doanh.[9]Ngoài ra, hành vi đưa hối lộ còn được xác định là bất kỳ ai cung cấp tài sản cho các cơ quan nhà nước, công ty nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức,và các tổ chức nhân dân, hoặc trong các hoạt động kinh tế đưa lại tiền hoa hồng hoặc phí dịch vụ vi phạm các quy định của nhà nước nhằm tìm kiếm lợi nhuận bất hợp pháp.[10] Thêm vào đó, Bộ luật Hình sự Trung Quốc còn ghi nhận hành vi hối lộ là hối lộ một cựu viên chức nhà nước, người thân hoặc những người khác có mối quan hệ mật thiết với một viên chức nhà nước hiện tại hoặc trước đây, nhằm mục đích tìm kiếm 'lợi ích bất hợp pháp'.[11]

Rõ ràng, với cách tiếp cận này thì hành vi đưa hối lộ theo pháp luật Trung Quốc là hành vi của cá nhân, tổ chức đưa tài sản đủ lớn cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người thân của người có chức vụ, quyền hạn nhằm mục đích tìm kiếm lợi ích bất hợp pháp. Vì vậy, nhận diện hành vi đưa hối lộ gồm có những đặc điểm sau: (i) Chủ thể nhận hối lội phải là cá nhân, tổ chức có chức vụ, quyền hạn hoặc những người thân của chủ thể đó; (ii) Chứng cứ hối lộ là tài sản đủ lớn; (iii) Mục đích của hành vi hối lộ là tìm kiếm lợi ích bất hợp pháp cho người đưa hối lộ.

Chủ thể tham gia quan hệ: Người đưa hối lộ là cá nhân, tổ chức khu vực ngoài nhà nước [LTD’s comment: cá nhân, tổ chức khu vực nhà nước cũng có thể là chủ thể?]. Người nhận hối lộ có thể là những chủ thể sau đây: người có chức vụ, quyền hạn trong tổ chức tư nhân[12]; hoặc viên chức nhà nước[13]; hoặc cựu viên chức nhà nước, người thân hoặc những người khác có mối quan hệ mật thiết với một viên chức nhà nước hiện tại hoặc trước đây[14]; cơ quan nhà nước, công ty hoặc doanh nghiệp nhà nước (SOE), tổ chức công hoặc tổ chức nhân dân.[15]

Chứng cứ hối lộ: Pháp luật Trung Quốc quy định khá rõ về chứng cứ hối lộ gồm có tiền, tiền hoa hồng, phí xử lý, phí dịch vụ và các tài sản khác đủ lớn. Theo quy định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc về Tiêu chuẩn lập hồ sơ vụ án về tội hối lộ (2000) (Tiêu chuẩn năm 2000) [16]: (i) Tài sản hối lộ của cá nhân cho viên chức được coi là 'một số tiền tương đối lớn' có nghĩa là giá trị từ 10.000 nhân dân tệ trở lên. (ii)Tài sản hối lộ của cá nhân, tổ chức cho cơ quan nhà nước, công ty hoặc doanh nghiệp nhà nước (SOE), tổ chức công hoặc tổ chức nhân dân, đối với cá nhân đưa là 100.000 nhân dân tệ trở lên; đối với tổ chức đưa là 200.000 nhân dân tệ trở lên. (iii) Tài sản hối lộ của cá nhân, tổ chức cho viên chức trong “hoàn cảnh nghiêm trọng” là từ 200.000 nhân dân tệ trở lên, mặc dù ngưỡng có thể thấp tới 100.000 nhân dân tệ nếu đáp ứng được một số hoàn cảnh nhất định.

Ngoài ra, theo quy định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an Trung Quốc về Tiêu chuẩn khởi tố vụ án hình sự đối với các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của Cơ quan Công an (Phần 2) (2010)[17]: Tài sản hối lộ cho cá nhân, tổ chức ngoài nhà nước là một số tiền 'tương đối lớn'. Theo đó, số tiền “tương đối lớn” là 10.000 nhân dân tệ trở lên nếu hối lộ được thực hiện bởi một cá nhân hoặc 200.000 nhân dân tệ trở lên nếu hối lộ được thực hiện bởi một tổ chức.

Bên cạnh việc quy định rõ về giá trị tài sản hối lộ, Trung Quốc còn quy định chứng cứ hối lộ gồm có quà tặng, tiền boa, du lịch, bữa ăn và giải trí,... Theo ý kiến của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc về một số vấn đề liên quan đến việc áp dụng pháp luật trong xử lý các vụ án hình sự về hối lộ thương mại (năm 2008), 'tài sản' được định nghĩa là tiền hoặc vật thể hữu hình, các lợi ích có giá trị tiền tệ, bao gồm cả việc cung cấp dịch vụ cải tạo nhà ở, thẻ thành viên và thẻ quà tặng có giá trị tiền tệ và chi phí đi lại. Vì vậy, quà tặng, tiền boa, chi phí đi lại, bữa ăn và giải trí thường được coi là tài sản và do đó không nên cung cấp cho các viên chức nhà nước nhằm mục đích thu lợi bất hợp pháp.[18]

Qua những quy định nêu trên cho thấy, pháp luật Trung Quốc quy định khá rõ rõ về mức tài sản hối lộ làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm khác nhau. Ngoài ra, bên cạnh những tài sản thông thường như tiền, phí xử lý, hoa hồng và các tài sản hữu hình khác thì Trung Quốc đã quy định phương tiện hối lộ còn là những loại tài sản hối lộ “trá hình” dưới hình thức như quà tặng, tiền boa, chi phí đi lại, bữa ăn và giải trí. Theo đó, pháp luật Trung Quốc dự liệu tốt về chứng cứ hối lộ.

Chế tài: (i) Trường hợp cá nhân, tổ chức đưa hối lộ cho gia đình công chức, viên chức nhà nước hoặc người thân cận với công chức, viên chức nhà nước đã nghỉ việc, gia đình hoặc người thân cận với công chức, viên chức nhà nước đã nghỉ việc[19]: phạt tù có thời hạn không quá ba năm hoặc giam giữ hình sự và đồng thời bị phạt tiền; người nào đưa hối lộ để hưởng lợi bất hợp pháp, nếu tình tiết nghiêm trọng hoặc gây thiệt hại nặng nề cho lợi ích của Nhà nước, thì bị phạt tù có thời hạn không dưới ba năm nhưng không quá 10 năm và đồng thời bị phạt tiền; nếu tình tiết đặc biệt nghiêm trọng hoặc gây thiệt hại đặc biệt nặng nề cho lợi ích của Nhà nước, thì bị phạt tù có thời hạn không dưới 10 năm hoặc tù chung thân và đồng thời bị phạt tiền hoặc bị tịch thu tài sản... (ii) Trường hợp cá nhân, tổ chức đưa tài sản cho các cơ quan nhà nước, công ty nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức công hoặc tổ chức nhân dân[20]: Đối với cá nhân thì bị phạt tù có thời hạn không quá ba năm hoặc giam giữ hình sự, đồng thời bị phạt tiền; nếu tình tiết nghiêm trọng thì bị phạt tù có thời hạn không dưới 03 năm nhưng không quá bảy năm, đồng thời bị phạt tiền. Đối với tổ chức thì bị phạt tiền và các chế tài trên được áp dụng để trừng phạt những người quản lý trực tiếp chịu trách nhiệm và những người chịu trách nhiệm trực tiếp khác. (iii) Trường hợp tổ chức đưa hối lộ cho viên chức nhà nước trong tình huống nghiêm trọng[21]: Tổ chức sẽ thì bị phạt tiền, người trực tiếp phụ trách và những người khác chịu trách nhiệm trực tiếp về hành vi phạm tội thì bị phạt tù có thời hạn không quá ba năm hoặc giam giữ hình sự, đồng thời bị phạt tiền; nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù có thời hạn không dưới ba năm nhưng không quá 10 năm và đồng thời bị phạt tiền...

Những chế tài trên được áp dụng cho cá nhân, tổ chức thuộc khu vực ngoài nhà nước (tư nhân) thực hiện hành vi đưa hối lộ cho viên chức nhà nước; cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực nhà nước. Bên cạnh đó, pháp luật Trung Quốc còn quy định chế tài đối với chủ thể thực hiện hành vi đưa hối lộ cho cá nhân, tổ chức trong khu vực ngoài nhà nước. Cụ thể, cá nhân, tổ chức đưa hối lộ cho người không phải là nhân viên nhà nước; hối lộ quan chức nước ngoài hoặc quan chức của tổ chức quốc tế công (khu vực ngoài nhà nước) thì bị phạt tiền và giam giữ hoặc phạt tù đến ba năm; nếu số tiền lớn thì bị phạt tiền và phạt tù từ ba năm đến mười năm. [22]

2.2 Pháp luật Hoa Kỳ

Hành vi đưa hối lộ: Theo Luật chống tham nhũng của Liên bang Hoa Kỳ ghi nhận: Bất kỳ ai trực tiếp hoặc gián tiếp đưa đồ tham nhũng, đề nghị hoặc hứa hẹn bất kỳ thứ gì có giá trị cho viên chức công hoặc cá nhân nào đã được chọn làm viên chức công; hoặc đề nghị hoặc hứa hẹn viên chức công hoặc cá nhân đã được chọn làm viên chức công để đưa bất kỳ thứ gì có giá trị cho bất kỳ người hoặc tổ chức nào khác, với mục đích: (i) Để tác động đến hành động chính thức nào; (ii) Để tác động đến viên chức công hoặc cá nhân đã được chọn làm viên chức công thực hiện hoặc hỗ trợ thực hiện, hoặc thông đồng, hoặc cho phép, bất kỳ hành vi gian lận nào, hoặc tạo cơ hội để thực hiện bất kỳ hành vi gian lận nào tại Hoa Kỳ; (iii) Để xúi giục viên chức công hoặc cá nhân đã được chọn làm viên chức công thực hiện hoặc không thực hiện bất kỳ hành động nào vi phạm nghĩa vụ hợp pháp của viên chức hoặc cá nhân đó.[23]

Bên cạnh đó, Hạ viện Hoa Kỳ đồng nhất thuật ngữ “tham nhũng” tương đồng với “hối lộ”, đó là "tham nhũng" được sử dụng để làm rõ rằng lời đề nghị, khoản thanh toán, lời hứa hoặc quà tặng phải nhằm mục đích dụ dỗ người nhận sử dụng sai chức vụ của mình để chuyển hướng kinh doanh cho bên trả tiền hoặc khách hàng của bên trả tiền hoặc để có được luật ưu đãi hoặc quy định có lợi. "Tham nhũng" ám chỉ động cơ hoặc mục đích xấu, ý định gây ảnh hưởng sai trái đến người nhận. Nó không yêu cầu hành động đó phải được hoàn thành đầy đủ hoặc thành công trong việc tạo ra kết quả mong muốn”[24].

Hành vi hối lộ cho chủ thể nước ngoài còn được đề cập trong pháp luật Liên bang Hoa Kỳ. Theo đó, bất kỳ người nào khi biết rằng toàn bộ hoặc một phần số tiền hoặc vật có giá trị sẽ được cung cấp, trao tặng hoặc hứa hẹn, trực tiếp hoặc gián tiếp, cho bất kỳ viên chức nước ngoài nào, cho bất kỳ đảng phái chính trị nước ngoài nào hoặc viên chức của đảng phái đó, hoặc cho bất kỳ ứng cử viên nào cho chức vụ chính trị nước ngoài, vì mục đích: (i) Ảnh hưởng đến bất kỳ hành động hoặc quyết định của họ; (ii) Xúi giục họ thực hiện hoặc không thực hiện bất kỳ hành động nào vi phạm nghĩa vụ hợp pháp của họ; (iii) Đảm bảo bất kỳ lợi thế không phù hợp nào; (iv) xúi giục họ sử dụng ảnh hưởng của mình với chính phủ nước ngoài hoặc phương tiện của chính phủ đó để ảnh hưởng hoặc tác động đến bất kỳ hành động hoặc quyết định nào của chính phủ hoặc phương tiện đó, để hỗ trợ đưa hối lộ trong việc đạt được hoặc duy trì hoạt động kinh doanh.[25]

Như vậy, hành vi đưa hối lộ có các đặc điểm sau: (i) Chủ thể nhận hối lộ: người có chức vụ, quyền hạn hoặc được chọn sẽ có chức vụ, quyền hạn; chủ thể liên quan tới người có chức vụ quyền hạn hoặc được chọn sẽ có chức vụ, quyền hạn; viên chức nước ngoài, đảng phái chính trị nước ngoài, hoặc viên chức của đảng phái đó, hoặc ứng cử viên cho chức vụ chính trị nước ngoài. (ii) Chứng cứ hối lộ:bất kỳ cái gì có giá trị; (iii) Mục đích: tác động đến hành động chính thức nào; thực hiện hoặc hỗ trợ thực hiện, hoặc thông đồng, hoặc cho phép, bất kỳ hành vi gian lận nào, hoặc tạo cơ hội để thực hiện bất kỳ hành vi gian lận nào tại Hoa Kỳ; thực hiện hoặc không thực hiện bất kỳ hành động nào vi phạm nghĩa vụ hợp pháp của viên chức hoặc cá nhân. Nói cách khác là mục đích làm lợi cho bên đưa hối lộ.

Chủ thể tham gia quan hệ: (i) Người đưa hối lộ: Trường hợp đưa hối lộ trong lãnh thổ Hoa kỳ, người đưa hối lộ có thể là cá nhân, tổ chức bất kỳ. Trường hợp đưa hối lộ ở nước ngoài, người đưa hối lộ có thể là cá nhân; tổ chức hoặc các viên chức, giám đốc, nhân viên, người đại diện hoặc cổ đông của tổ chức có thể bị truy tố vì sử dụng thư tín của Hoa Kỳ hoặc bất kỳ phương tiện hoặc công cụ nào của thương mại liên bang để thúc đẩy khoản thanh toán tham nhũng/hối lộ cho một viên chức nước ngoài.[26] (ii) Người nhận hối lộ: Ở trong nước, người nhận hối lộ có thể là viên chức công; hoặc cá nhân nào đã được chọn làm viên chức công; hoặc người ở khu vực tư có chức vụ quyền hạn. Ở nước ngoài, người nhận hối lộ có thể là viên chức nước ngoài, đảng phái chính trị nước ngoài, hoặc viên chức của đảng phái đó, hoặc ứng cử viên cho chức vụ chính trị nước ngoài.

Chứng cứ hối lộ: là “bất kỳ thứ gì có giá trị” mà không nhất thiết chỉ giới hạn ở tiền.[27] “Bất kỳ thứ gì có giá trị” được hiểu với phạm vi rộng và có thể bao gồm các khoản thanh toán bằng tiền mặt, quà tặng không phải bằng tiền mặt hoặc các lợi ích khác, bao gồm: Đi lại, ăn uống, giải trí hoặc quà tặng, bao gồm cả cho bạn bè hoặc người thân của một viên chức nước ngoài; Đào tạo, học bổng, thực tập; Việc làm (ví dụ: thực tập có trả lương cho con của một viên chức); Lời hứa sử dụng một số nhà cung cấp hoặc trung gian nhất định (ví dụ: nhà cung cấp do một viên chức nước ngoài sở hữu hoặc lựa chọn); Học bổng hội nghị và sự kiện; Các khoản đóng góp từ thiện;…

Trường hợp người đại diện của một tổ chức, hoặc của một chính quyền tiểu bang, địa phương hoặc bộ lạc người da đỏ, hoặc bất kỳ cơ quan nào của tổ chức đó chấp nhận hoặc đồng ý chấp nhận bất kỳ thứ gì có giá trị từ bất kỳ người nào có giá trị từ 5.000 đô la trở lên là hành vi nhận hối lộ.[28] Đây là chứng cứ được xác định giá trị cụ thể để truy cứu trách nhiệm đối với người đưa và nhận hối lộ. Tuy vậy, một món quà nhỏ hoặc vật kỷ niệm thể hiện sự tôn trọng hoặc lòng biết ơn được thực hiện một cách công khai và minh bạch, được ghi chép đúng cách trong sổ sách và hồ sơ của người tặng và được phép theo luật pháp địa phương thì không bị coi là chứng cứ hối lộ.[29] Ngoài ra, các khoản chi như tiền đi taxi, các bữa ăn và chi phí giải trí hợp lý, hoặc các mặt hàng khuyến mại của công ty, không có khả năng gây ảnh hưởng không đúng mực đến một viên chức cũng không phải là chứng cứ hối lộ. Vì vậy, món quà càng lớn hoặc càng xa xỉ thì càng có khả năng được tặng với mục đích không phù hợp.[30]

Chế tài: (i) Đối với đưa hối lộ liên quan tới chương trình nhận quỹ Liên bang, Luật Hoa Kỳ quy định: Đưa hối lộ, đề nghị hoặc đồng ý đưa bất kỳ thứ gì có giá trị cho bất kỳ người nào, với mục đích gây ảnh hưởng hoặc thưởng cho một đại diện của một tổ chức hoặc của một chính quyền tiểu bang, địa phương hoặc bộ lạc người da đỏ, hoặc bất kỳ cơ quan nào của tổ chức đó, liên quan đến bất kỳ hoạt động kinh doanh, giao dịch hoặc một loạt các giao dịch của tổ chức, chính quyền hoặc cơ quan đó liên quan đến bất kỳ thứ gì có giá trị từ 5.000 đô la trở lên; sẽ bị phạt với tội danh đưa hối lộ, bị phạt tù không quá 10 năm hoặc cả hai.[31](ii) Đối với đưa hối lộ cho viên chức công Liên bang: Người đưa hối lộ có thể bị phạt với tội danh đưa hối lộ hoặc bị phạt không quá ba lần giá trị tiền tệ tương đương của "vật có giá trị" hoặc bị phạt tù không quá mười lăm năm, hoặc cả hai, và có thể bị tước tư cách giữ bất kỳ chức vụ danh dự, tín nhiệm hoặc lợi ích nào tại Hoa Kỳ.[32](iii) Đối với đưa hối lộ cho tổ chức, cá nhân nước ngoài: Một thực thể kinh doanh bị phát hiện vi phạm các điều khoản hối lộ có thể phải chịu “mức phạt lên đến 2 triệu đô la và mức phạt dân sự lên đến 10.000 đô la, trong khi một cá nhân có thể phải chịu mức phạt dân sự tương tự, hoặc bị phạt không quá 100.000 đô la hoặc bị phạt tù không quá năm năm, hoặc cả hai”.[33]

So sánh với pháp luật Việt Nam hiện hành với pháp luật Trung Quốc và Hoa Kỳ về hành vi đưa hối lộ cho thấy:

Thứ nhất, về hành vi đưa hối lộ: Cả Việt Nam, Trung Quốc và Hoa Kỳ đều nhận định là hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa hoặc sẽ đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác cho người có chức vụ quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Pháp luật của các nước có sự tương đồng khi cho rằng đưa hối lộ có những đặc điểm: (i) Chủ thể nhận hối lội phải là người có chức vụ, quyền hạn hoặc những người liên quan tới chủ thể đó; (ii) Chứng cứ hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc phi vật chất khác; (iii) Mục đích của hành vi hối lộ là tìm kiếm lợi ích bất hợp pháp cho người đưa hối lộ.

Thứ hai, về chủ thể tham gia vào quan hệ hối lộ:

Đối với chủ thể đưa hối lộ: Theo quy định của pháp luật Việt Nam và Trung Quốc bao gồm tất cả cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi đưa hối lộ trực tiếp hoặc gián tiếp đều là chủ thể đưa hối lộ. Trong phạm vi bài nghiên cứu này thì chủ thể đưa hối lộ chính là các tổ chức, cá nhân trong khu vực ngoài nhà nước. Khác với pháp luật Việt Nam và Trung Quốc, pháp luật Hoa Kỳ có sự phân chia nhóm chủ thể đưa hối lộ khi thực hiện hành vi trong nước và nước ngoài. Theo đó, đối với hành vi đưa hối lộ trong nước, chủ thể là tất cả các cá nhân, tổ chức; đối với hành vi đưa hối lộ ở nước ngoài, chủ thể đưa hối lộ có thể là cá nhân; tổ chức hoặc các viên chức, giám đốc, nhân viên, người đại diện hoặc cổ đông của tổ chức có sử dụng thư tín của Hoa Kỳ hoặc bất kỳ phương tiện hoặc công cụ nào của thương mại liên bang để thúc đẩy khoản thanh toán tham nhũng/hối lộ cho một viên chức nước ngoài. Rõ ràng, chủ thể đưa hối lộ theo pháp luật của Hoa Kỳ rộng hơn so với Việt Nam và Trung Quốc.

Đối với chủ thể nhận hối lộ: Theo quy định của pháp luật Việt Nam, người nhận hối lộ là người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác. Pháp luật Trung Quốc quy định chi tiết các chủ thể nhận gồm: người có chức vụ, quyền hạn trong tổ chức tư nhân; hoặc viên chức nhà nước; hoặc cựu viên chức nhà nước, người thân hoặc những người khác có mối quan hệ mật thiết với một viên chức nhà nước hiện tại hoặc trước đây; cơ quan nhà nước, công ty hoặc doanh nghiệp nhà nước (SOE), tổ chức công hoặc tổ chức nhân dân. So với pháp luật Việt Nam, pháp luật Trung Quốc quy định chi tiết hơn về chủ thể nhận hối lộ.

Khác với pháp luật của Việt Nam và Trung Quốc, pháp luật Hoa Kỳ có quy định khác về chủ thể nhận hối lộ. Cụ thể: Ở trong nước, người nhận hối lộ có thể là cá nhân đã được chọn làm viên chức công. Ở nước ngoài, người nhận hối lộ có thể là viên chức nước ngoài, đảng phái chính trị nước ngoài, hoặc viên chức của đảng phái đó, hoặc ứng cử viên cho chức vụ chính trị nước ngoài. Qua đó cho thấy, chủ thể nhận hối lộ theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ rộng hơn so với chủ thể nhận hối lộ theo pháp luật Việt Nam và Trung Quốc.

Thứ ba, về chứng cứ hối lộ: Theo quy định của pháp luật Việt Nam, chứng cứ hối lộ gồm có tiền, tài sản, lợi ích vật chất và lợi ích phi vật chất. Tài sản, tiền và các lợi ích vật chất trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên đã cấu thành tội đưa hối lộ. Trong đó, lợi ích vật chất khác là lợi ích vật chất không phải là tài sản quy định tại Điều 105 của Bộ luật Dân sự, ví dụ: Hối lộ bằng cách tài trợ kinh phí đi du học, đi du lịch, ...[34] Lợi ích phi vật chất là những lợi ích không phải lợi ích vật chất, ví dụ: Hối lộ bằng cách tặng thưởng, đề xuất tặng thưởng các danh hiệu, giải thưởng; bầu, cử, bổ nhiệm chức vụ; nâng điểm thi; hứa hẹn cho tốt nghiệp, cho đi học, đi thi đấu, đi biểu diễn ở nước ngoài; hối lộ tình dục, ...[35]Qua quy định này cho thấy việc xác định giá trị vật chất của chứng cứ hối lộ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi đưa hối lộ khá rõ ràng. Tuy vậy, để xác định lợi ích phi vật chất nào là “chứng cứ” để xác định tội hội lộ lại khá khó khăn.

Tương tự pháp luật Việt Nam, pháp luật Trung Quốc cũng quy định khá rõ về mức tài sản hối lộ để truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi đưa hối lộ. Pháp luật Trung Quốc cũng dự liệu về những chi phí vật chất dùng để hối lộ như: hoa hồng, tiền boa, chi phí đi lại, giải trí, … Tuy vậy, hối lộ bằng lợi ích phi vật chất cũng chưa được quy định rõ.

Pháp luật Hoa Kỳ tương đồng với pháp luật Việt Nam và Trung Quốc khi quy định cụ thể giá trị “tài sản” hối lộ. Tuy vậy, pháp luật Hoa Kỳ có những điểm khác biệt so với pháp luật của hai nước là: (i) Thiếu vắng quy định về hối lộ lợi ích phi vật chất. Đây là điểm thiếu sót của pháp luật Hoa Kỳ bởi vì thực tiễn cho thấy người có chức vụ, quyền hạn sẵn sàng thực hiện hành vi trái pháp luật khi họ được hứa cung cấp lợi ích phi vật chất như giải thưởng, tình dục,…; (ii) Trường hợp không là chứng cứ: Quy định chi tiết về món quà nhỏ hoặc vật kỷ niệm khi tặng công khai, minh bạch; khoản chi như tiền đi taxi, các bữa ăn và chi phí giải trí hợp lý, hoặc các mặt hàng khuyến mại của công ty, không có khả năng gây ảnh hưởng không đúng mực đến một viên chức. Quy định này là hợp lý bởi vì có những món quà tặng và chi phí cao hơn so với con số “cố định” đã được luật ghi nhận nhưng không làm người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi trái pháp luật thì không thể coi đó là chứng cứ của tội đưa hối lộ.

Thứ tư, về chế tài: Theo quy định của pháp luật Việt Nam, người đưa hối lộ tùy trường hợp có thể: bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; phạt tù từ 02 năm đến 07 năm; phạt tù từ 07 năm đến 12 năm; phạt từ tù 12 năm đến 20 năm; phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.[36] So với pháp luật Trung Quốc và Hoa Kỳ, pháp luật Việt Nam có quy định khung hình phạt cao nhất đến 20 năm tù đối với người đưa hối lộ là hình phạt cao hơn so với Hoa Kỳ (10 năm) nhưng thấp hơn so với Trung Quốc (chung thân) . Ngoài ra, mức tiền phạt của Việt Nam và Trung Quốc áp dụng không quá lớn nhưng pháp luật Hoa Kỳ quy định mức phạt có thể gấp ba lần “vật có giá trị” dùng để hối lộ. Quy định này của Hoa Kỳ sẽ dẫn đến người đưa hối lộ có thể bị phạt khoản tiền rất lớn so với quy định của Việt Nam hay Trung Quốc.

3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam

Hoa Kỳ là quốc gia có chỉ số cảm nhận tham nhũng ở mức thấp (Xem bảng phía dưới). Điều đó cho thấy quy định của Hoa Kỳ về tội đưa hối lộ nói riêng và tham nhũng nói chung là tương đối phù hợp. Hoa Kỳ là quốc gia đi đầu trong cuộc chiến chống tham nhũng của các công ty ở nước ngoài.[37]Trong kho “vũ khí” của mình có Đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài (FCPA), được Nghị viện thông qua vào năm 1977 để ứng phó với nhận thức ngày càng tăng về các khoản thanh toán của công ty trước đây chưa được tiết lộ cho các quan chức công ở nước ngoài.[38]

Trung Quốc đang trỗi dậy với vai trò là một cường quốc mới nổi, nhưng tình trạng tham nhũng ở nước này đang là vấn nạn và các vụ tham nhũng, lạm quyền ở Trung Quốc đang làm nảy sinh, tạo bất công và bất bình đẳng xã hội.[39]Chỉ số cảm nhận tham nhũng của Trung Quốc trong 03 năm gần đây được đánh giá thấp hơn so với Việt Nam nhưng cao hơn khá nhiều so với Hoa Kỳ. Vì vậy, trong những năm gần đây, bằng cách tích cực ngăn chặn nạn tham nhũng trong các doanh nghiệp tư nhân, Trung Quốc đặt mục tiêu thúc đẩy một môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch, có lợi cho tăng trưởng bền vững.[40]

QUỐC GIA

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Hoa Kỳ

27

24

24

Trung Quốc

66

65

76

Việt Nam

87

77

83

Bảng: Chỉ số cảm nhận tham nhũng (Corruption Perceptions Index - CPI)[41]

Tham khảo quy định pháp luật và kết quả cảm nhận tham nhũng của Hoa Kỳ và Trung Quốc, pháp luật Việt Nam cần có những thay đổi sau đây nhằm hạn chế hành vi đưa hối lộ:

Một là, pháp luật phòng, chống tham nhũng nên đưa khái niệm về hối lộ để có cách hiểu thống nhất. Cụ thể: “Hối lộ là hành vi của cá nhân, tổ chức đưa hoặc hứa hẹn đưa lợi ích vật chất hoặc phi vật chất cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người được chọn sẽ có chức vụ quyền hạn để người đó bằng hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn hoặc làm sai pháp luật nhằm đem lại lợi ích cho người đưa hối lộ”.

Hai là, mở rộng chủ thể tham gia vào quan hệ đưa hối lộ:

Chủ thể đưa hối lộ: Tham khảo quy định của pháp luật Hoa Kỳ, đối với hành vi đưa hối lộ trong nước, chủ thể là tất cả các cá nhân, tổ chức; đối với hành vi đưa hối lộ ở nước ngoài, chủ thể đưa hối lộ có thể là cá nhân; tổ chức hoăc các viên chức, giám đốc, nhân viên, người đại diện hoặc cổ đông của tổ chức có sử dụng thư tín của Việt Nam hoặc bất kỳ phương tiện hoặc công cụ nào của thương mại Việt Nam để thúc đẩy khoản thanh toán tham nhũng/hối lộ cho một viên chức nước ngoài. Việc mở rộng chủ thể đưa hối lộ này là tiền đề để đưa ra các quy định điều chỉnh hành vi đưa hối lộ cho các cá nhân, tổ chức ở nước ngoài.

Chủ thể nhận hối lộ: (i) Pháp luật Việt Nam cần quy định rõ “người khác” nhận hối lộ là ai. Theo tác giả, “người khác” gồm có: những người có quan hệ gia đình với người có chức vụ, quyền hạn; những người có mối liên hệ thân thiết (nếu cơ quan có thẩm quyền chứng minh được mối liên hệ đó). Khi pháp luật có quy định cụ thể về nhóm chủ thể này thì mới xác định đúng quan hệ pháp luật và truy cứu trách nhiệm đúng người. (ii) Bổ sung thêm nhóm đối tượng là cá nhân đã được chọn làm viên chức công hoặc làm người có chức vụ, quyền hạn. Nhóm chủ thể này thực chất chưa có chức vụ, quyền hạn nhưng tương lai sẽ có chức vụ, quyền hạn – là chủ thể mà người hối lộ “nhắm” tới. (iii) Bổ sung nhóm chủ thể nhận hối lộ là viên chức nước ngoài, đảng phái chính trị nước ngoài, hoặc viên chức của đảng phái đó, hoặc ứng cử viên cho chức vụ chính trị nước ngoài. Quy định này giúp xác định và điều chỉnh đối với hành vi hối lộ tại nước ngoài.

Thứ ba, xác định chứng cứ hối lộ:

Cần phải xác định rõ lợi ích phi vật chất và “chứng cứ” của hành vi đưa hối lộ: Lợi ích phi vật chất là lợi ích mang tính tinh thần nên không thể định lượng. Việc xác định lợi ích nào là lợi ích phi vật chất của tội đưa hối lộ là rất khó. Chính vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền khi xác định lợi ích phi vật chất cần có sự lý giải thấu đáo để thấy rằng lợi ích phi vật chất đó có khả năng gây ảnh hưởng tới chủ thể nhận hối lộ.

Ngoài ra, pháp luật Việt nam cần bổ sung quy định hướng dẫn chi tiết về trường hợp không là chứng cứ hối lộ như: món quà nhỏ hoặc vật kỷ niệm khi tặng công khai, minh bạch; khoản chi như tiền đi taxi, các bữa ăn và chi phí giải trí hợp lý, hoặc các mặt hàng khuyến mại của công ty, không có khả năng gây ảnh hưởng không đúng mực đến một viên chức; những món quà tặng và chi phí cao hơn so với con số “cố định” đã được luật ghi nhận nhưng không làm người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi trái pháp luật thì không thể coi đó là chứng cứ của tội đưa hối lộ.

Thứ tư, về chế tài: Hiện nay, chế tài hình sự của Việt Nam đối với người đưa hối lộ tác giả cho rằng tương đối phù hợp và có tính răn đe. Đặc biệt, hình phạt tù có tính trừng phạt và răn đe cao. Tuy vậy, hình phạt tiền đối với tội phạm này còn khá nhẹ. Vì vậy, để hình phạt có tính răn đe hơn nữa, Bộ luật hình sự Việt Nam cần tham khảo quy định phạt tiền của Hoa Kỳ. Theo đó, người đưa hối lộ bị áp dụng hình phạt tiền gấp nhiều lần tài sản dùng để hối lộ.

4. Kết luận

Hối lộ nói riêng và tham nhũng nói chung tác động tiêu cực cho kinh doanh và cho sự phát triển của quốc gia, thế giới. Hối lộ làm hạn chế cạnh tranh, dẫn đến giá cả bị bóp méo và gây bất lợi cho các doanh nghiệp trung thực không hối lộ. Nó làm tăng chi phí kinh doanh trên toàn cầu và làm tăng chi phí hợp đồng của chính phủ ở các nước đang phát triển.[42] Hối lộ cũng có tác động phá hoại trong một doanh nghiệp, làm suy yếu lòng tin của nhân viên vào ban quản lý của công ty và tạo ra bầu không khí dễ dãi cho các hành vi sai trái khác của công ty, chẳng hạn như nhân viên tự giao dịch, tham ô, gian lận tài chính, và hành vi chống cạnh tranh.[43]Chính vì lẽ đó, để hạn chế hành vi đưa hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước, pháp luật Việt Nam cần có những sửa đổi bổ sung sau: Đưa ra khái niệm về hối lộ; mở rộng và quy định cụ thể về các chủ thể tham gia vào quan hệ hối lộ; Xác định rõ chứng cứ hối lộ và nâng hình phạt tiền đối với tội hối lộ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. 18 U.S. Code § 201 - Bribery of public officials and witnesses.

2. 15 U.S. Code § 78dd–1 - Prohibited foreign trade practices by issuers.

3. 18 U.S. Code § 666 - Theft or bribery concerning programs receiving Federal funds.

4. Bộ luật Hình sự Trung Quốc 1997 sửa đổi bổ sung năm 2023.

5. Bộ luật Hình sự Việt Nam 2015.

6. Luật Phòng, chống tham nhũng Việt Nam 2018.

7. Complaint, SEC v. RAE Sys. Inc., No. 10-cv-2093 (D.D.C. Dec. 10, 2010), ECF No. 1 [hereinafter SEC v. RAE Sys., Inc.] (fur coat, among other extravagant gifts), available at http://www.sec.gov/litigation/complaints/2010/comp21770.pdf.

8. S. Rep. No. 95-114 , 1977 Legislative History - Senate Report.

9. Phạm Thị Thanh Bình, Kinh nghiệm chống tham nhũng ở Trung Quốc và hàm ý cho Việt Nam, Tạp chí cộng sản điện tử, (2011), Kinh nghiệm chống tham nhũng ở Trung Quốc và hàm ý cho Việt Nam - Tạp chí Cộng sản truy cập ngày 10/11/2024.

10.Criminal Division of the U.S. Department of Justice and the Enforcement Division of the U.S. Securities and Exchange Commission, A resource guide to the U.S. Foreign Corrupt Practices Act, (2012).

11.Mestre, Jorge, A Bribe New World: The Federal Government Gets Creative in Chasing Foreign Officials for Taking Bribes, University of Florida Journal of Law & Public Policy, Vol. 26: Iss. 1, Article 1, (2015). Available at: https://scholarship.law.ufl.edu/jlpp/vol26/iss1/1.

12.Int’l Chamber of Commerce, et al., Clean Business Is Good Business: The Business Case Against Corruption, (2008), available at http://www.unglobalcompact.org/docs/news_events/8.1/clean_business_is_good_business.pdf

13.Daniel Kaufmann, Corruption: The Facts, Foreign Pol’y, Summer 1997, 119-20 (1997).

14.Tamara Livshiz, Choosing Between Saw and Scalpel: FCPA Reform and the Compliance Defense, Columbia Journal of Law and Social Problem, Vol. 47, (2014).

15.Đàm Văn Lợi, Đảng lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước, Tạp chí Xây dựng Đảng, (2023), Đảng lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước - Tạp chí Xây dựng Đảng.

16.Paolo Mauro, Corruption and Growth, 110 Q. J. Econ. 681, 683, 705(1995).

17.The World Bank, The Data Revolution: Measuring Governance and Corruption, (2004), available at http://go.worldbank.org/87JUY8GJH0.

18.Robin Miller, Constructions and Application of Foreign Corrupt Practices Act of 1977, 6 A.L.R. FED.2D 351 (2005).

19.Ngọc Minh, Trung Quốc siết chặt quy định chống hối lộ trong khu vực tư nhân, Báo điện tử Đại biểu nhân dân (2024), Bài 1: Trung Quốc siết chặt quy định chống hối lộ trong khu vực tư nhân | Báo Đại biểu Nhân dân.

20.Susan Munro, China, The Anti-Bribery and Anti-Corruption Review (Mark F Mendelsohn (Ed)), Law Business Research Ltd, (2015).

21.HOÀNG PHÊ, TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, NXB ĐÀ NẴNG, (2002).

* Giảng viên, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh. Duyệt đăng 2/4/2025. Email: trangntt3@uef.edu.vn

[1] Huỳnh Văn Thới, Khái niệm về quyền lực trong điều kiện hiện đại, Tạp chí Quản lý Nhà nước (2021), Về khái niệm quyền lực trong điều kiện hiện đại | Tạp chí Quản lý nhà nước truy cập ngày 8/11/2024.

[2] Đàm Văn Lợi, Đảng lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước, Tạp chí Xây dựng Đảng (2023)

[3] Đàm Văn Lợi, tlđd.

[4] Xem khoản 10, Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng Việt Nam 2018.

[5] Xem khoản 9, Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng Việt Nam 2018.

[6] HOÀNG PHÊ, TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, NXB ĐÀ NẴNG, 459 (2002)

[7] Xem Điều 364 Bộ luật Hình sự Việt Nam 2015.

[8] Xem Điều 354 Bộ luật Hình sự Việt Nam 2015.

[9] SUSAN MUNRO, CHINA, THE ANTI-BRIBERY AND ANTI-CORRUPTION REVIEW (MARK F MENDELSOHN (ED)), LAW BUSINESS RESEARCH LTD, 29 (2015) và Điều 389 Bộ luật Hình sự Trung Quốc năm 1997 sửa đổi bổ sung năm 2023.

[10] Xem Điều 391 Bộ luật Hình sự Trung Quốc năm 1997 sửa đổi bổ sung năm 2023.

[11] Xem SUSAN MUNRO, supra note 9, at 29 và Điều 46 Bộ luật Hình sự Trung Quốc năm 1997 sửa đổi bổ sung năm 2023.

[12] Xem Điều 163, 164 Bộ luật Hình sự Trung Quốc năm 1997; sửa đổi, bổ sung năm 2023 và Điều 8 Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh của Trung Quốc 1993.

[13] Xem Điều 389 Bộ luật Hình sự Trung Quốc năm 1997; sửa đổi, bổ sung năm 2023.

[14] Xem Điều 46 Bộ luật Hình sự Trung Quốc năm 1997; sửa đổi, bổ sung năm 2023.

[15] Xem Điều 391 Bộ luật Hình sự Trung Quốc năm 1997; sửa đổi, bổ sung năm 2023.

[16] See SUSAN MUNRO, supra note 9, at 29.

[17] See SUSAN MUNRO, supra note 9, at 31.

[18] See SUSAN MUNRO, supra note 9, at 30.

[19] Xem Điều 390 Bộ luật Hình sự Trung Quốc năm 1997; sửa đổi, bổ sung năm 2023.

[20] Xem Điều 391 Bộ luật Hình sự Trung Quốc năm 1997; sửa đổi, bổ sung năm 2023.

[21] Xem Điều 393 Bộ luật Hình sự Trung Quốc năm 1997; sửa đổi, bổ sung năm 2023.

[22] Xem Điều 164 Bộ luật Hình sự Trung Quốc năm năm 1997; sửa đổi, bổ sung năm 2023.

[23] See 18 U.S. Code § 201b - Bribery of public officials and witnesses.

[24] See S. Rep. No. 95-114 at 11, 1977 Legislative History - Senate Report.

[25] See 15 U.S. Code § 78dd–1 - Prohibited foreign trade practices by issuers.

[26] See Criminal Division of the U.S. Department of Justice and the Enforcement Division of the U.S. Securities and Exchange Commission, A resource guide to the U.S. Foreign Corrupt Practices Act, 11 (2012).

[27] Mestre, Jorge, A Bribe New World: The Federal Government Gets Creative in Chasing Foreign Officials for Taking Bribes, University of Florida Journal of Law & Public Policy, Vol. 26: Iss. 1, Article 1, 6(2015). Available at: https://scholarship.law.ufl.edu/jlpp/vol26/iss1/1.

[28] See 18 U.S. Code § 666 a(2)- Theft or bribery concerning programs receiving Federal funds.

[29] Xem [LTD’s cmts: Thay toàn bộ see bằng Xem] Criminal Division of the U.S. Department of Justice and the Enforcement Division of the U.S. Securities and Exchange Commission, supra note 26, at15.

[30] See Complaint, SEC v. RAE Sys. Inc., No. 10-cv-2093 (D.D.C. Dec. 10, 2010), ECF No. 1 [hereinafter SEC v. RAE Sys., Inc.] (fur coat, among other extravagant gifts), available at http://www.sec.gov/litigation/complaints/2010/comp21770.pdf.

[31] See 18 U.S. Code § 666a - Theft or bribery concerning programs receiving Federal funds.

[32] See 18 U.S. Code § 201b(3) - Bribery of public officials and witnesses.

[33] See Robin Miller, Constructions and Application of Foreign Corrupt Practices Act of 1977, 6 A.L.R. FED.2D 351, 8(2005).

[34] Xem khoản 3, Điều 3 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP về Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ.

[35] Xem khoản 4, Điều 3 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP về Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ.

[36] Xem Điều 364 Bộ luật Hình sự Việt Nam 2015.

[37] Tamara Livshiz, Choosing Between Saw and Scalpel: FCPA Reform and the Compliance Defense, Columbia Journal of Law and Social Problem, Vol. 47, 418(2014).

[38] See S. Rep.No. 95-114, at 3–4 (1977), 1977 Legislative History - Senate Report.

[39] Phạm Thị Thanh Bình, Kinh nghiệm chống tham nhũng ở Trung Quốc và hàm ý cho Việt Nam, Tạp chí cộng sản điện tử (2011), Kinh nghiệm chống tham nhũng ở Trung Quốc và hàm ý cho Việt Nam - Tạp chí Cộng sản.

[40] Xem Ngọc Minh, Trung Quốc siết chặt quy định chống hối lộ trong khu vực tư nhân, Báo điện tử Đại biểu nhân dân (2024), Bài 1: Trung Quốc siết chặt quy định chống hối lộ trong khu vực tư nhân | Báo Đại biểu Nhân dân.

[41] Nguồn Tổ chức minh bạch quốc tế, 2023 Corruption Perceptions Index: Explore the… - Transparency.org.

[42] See, Int’l Chamber of Commerce, et al., Clean Business Is Good Business: The Business Case Against Corruption (2008), available at http://www.unglobalcompact.org/docs/news_events/8.1/clean_business_is_good_business.pdf ; Daniel Kaufmann, Corruption: The Facts, Foreign Pol’y, Summer 1997, 119-20 (1997); Paolo Mauro, Corruption and Growth, 110 Q. J. Econ. 681, 683, 705 (1995); The World Bank, The Data Revolution: Measuring Governance and Corruption, (2004), available at http://go.worldbank.org/87JUY8GJH0.

[43] Criminal Division of the U.S. Department of Justice and the Enforcement Division of the U.S. Securities and Exchange Commission, supra note 26, at 3.

 

 

BÀI LIÊN QUAN