Từ vụ cựu Bí thư Bắc Ninh nộp 14 tỷ đồng: Nộp lại bao nhiêu tiền nhận hối lộ sẽ thoát án tử?

Trong vụ án AIC Bắc Ninh, vợ cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến đã nộp số tiền 14 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cho chồng. Dư luận băn khoăn, người bị cáo buộc nhận hối lộ nộp lại bao nhiêu tiền sẽ thoát án tử hình?

Vợ cựu Bí thư Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến nộp 14 tỷ đồng khắc phục hậu quả cho chồng
Bộ Công an vừa ban hành kết luận vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Sở Y tế Bắc Ninh, Công ty AIC. Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đề nghị truy tố 13 bị can về các tội danh trên.

Các bị can bị cáo buộc đã thông đồng để 2 nhóm doanh nghiệp là Công ty AIC và Công ty Sông Hồng trúng 6 gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại 6 bệnh viện đa khoa trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Quá trình thực hiện dự án, 2 doanh nghiệp còn nhiều lần tặng quà, đưa hối lộ cho một số bị cáo là lãnh đạo của tỉnh.

Theo kết luận điều tra, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến đã nhận 13 tỷ đồng từ Công ty AIC và một tỷ đồng từ Trần Văn Tuynh, cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án Công trình xây dựng Y tế tỉnh, là quà biếu vào các dịp lễ, Tết.

Cơ quan điều tra cáo buộc, ông Nguyễn Nhân Chiến vì động cơ vụ lợi, theo đề nghị của Trần Văn Tuynh, Nguyễn Hạnh Chung và Lã Tuấn Hưng, đã "đồng ý, thống nhất chủ trương" với cấp dưới tạo điều kiện cho nhóm công ty của Phong, Hưng và AIC của bà Nhàn được phân chia 6 gói thầu mua sắm trang thiết bị ở 6 bệnh viện tuyến huyện. Ông Chiến hưởng lợi bất chính 14 tỷ đồng, trong đó có 4 tỷ đồng hưởng lợi từ 6 gói thầu và 10 tỷ đồng là quà biếu của bà Nhàn AIC vào các dịp lễ, Tết.

Ông Chiến khai toàn bộ 14 tỷ đồng trên đã chi tiêu hết. Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh cũng đã tiêu hết 10,1 tỷ đồng, là tiền được Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch AIC, và Trần Văn Tuynh biếu.

Trong vụ án này, các bị can đã nộp tiền khắc phục hậu quả với số tiền tổng cộng hơn 51 tỷ đồng. Trong đó, vợ cựu Bí thư Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến đã nộp 14 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cho chồng. Cựu Chủ tịch Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh cũng đã tác động gia đình tự nguyện nộp lại toàn bộ số tiền bị cáo buộc nhận hối lộ.

cuu-bi-thu-tinh-uy-bac-ninh-nguyen-nhan-chien-1426-1724136217.jpg

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến.

Nộp lại bao nhiêu tiền nhận hối lộ sẽ thoát án tử hình?
Trước động thái nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án của các bị can trên, nhiều người đặt câu hỏi, người bị cáo buộc nhận hối lộ nộp lại bao nhiêu tiền sẽ thoát án tử hình?

Điều 354 Bộ luật hình sự 2015 quy định về khung hình phạt thấp nhất của tội "Nhận hối lộ" là từ 2-7 năm. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để nhận hối lộ có trị giá 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên thì có thể bị áp dụng hình phạt tử hình.

Về việc tự nguyện nộp lại tiền nhận hối lộ, theo Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015, người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Giải đáp tình huống pháp lý này, luật sư Tạ Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH Emme Law (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - cho hay, theo khoản 3 Điều 40 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018, có ba trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình, trong đó có trường hợp: "Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn".

Luật sư Tạ Anh Tuấn phân tích, người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, nhận hối lộ nhưng chưa thi hành án mà đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn sẽ không bị thi hành án và Chánh án TAND Tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.

Đây là điểm mới của Bộ luật hình sự 2015 so với quy định Bộ luật hình sự 1999. Nó có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt. Bởi, mục tiêu cuối cùng trong việc xử lý các vụ án kinh tế tham nhũng là thu hồi tối đa tài sản tham ô, hối lộ. Nếu xử lý tử hình tội phạm tham nhũng thì Nhà nước không thu hồi lại được tiền, tài sản bị chiếm đoạt và mục đích cuối cùng không đạt được.

Vì vậy, quy định tại Điều 40 Bộ luật hình sự 2015 khuyến khích người phạm tội ăn năn hối cải, tự nguyện bồi hoàn tài sản chiếm đoạt trái pháp luật, có các biện pháp khắc phục hậu quả, giúp Nhà nước thu hồi tài sản một cách thuận lợi nhất.

Mặt khác, việc nộp lại 3/4 tài sản tham ô, hối lộ sẽ được miễn án tử hình nhưng không có nghĩa là 1/4 tài sản còn lại không bị thu hồi. Việc người bị kết án tử hình nộp lại 3/4 tài sản chỉ là một trong những điều kiện cần để được xem xét không thi hành án tử hình. 1/4 tài sản còn lại bị cáo vẫn phải nộp lại theo quy định và người phạm tội vẫn phải chịu hình phạt tù không có thời hạn (tù chung thân).

Tuy nhiên, để áp dụng điều luật này vào thực tiễn các vụ án tham nhũng, luật sư Tạ Anh Tuấn phân tích: Trường hợp người bị kết án tử hình đã tự nguyện khắc phục hậu quả 3/4 tài sản tham ô, hối lộ chỉ là điều kiện "cần" để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét không áp dụng hình phạt tử hình. Ngoài việc khắc phục 3/4 tài sản tham ô, hối lộ, điều kiện "đủ" là người bị kết án tử hình phải hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

luat-su-ta-anh-tuan-1636-1724136291.jpg

Luật sư Tạ Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH Emme Law.

Làm rõ điều kiện “cần” và “đủ” trong trường hợp này, luật sư Tuấn viện dẫn khoản 7, 8, 9 Điều 2 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ.

Cụ thể, "7. 'Chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ' là trường hợp người phạm tội đã tự mình nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ sau khi phạm tội. Cũng được coi là chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ đối với trường hợp người phạm tội sau khi phạm tội đã tác động để cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, những người thân khác nộp lại hoặc không phản đối việc cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, những người thân khác nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản mà mình tham ô, nhận hối lộ.Đối với trường hợp trong cùng vụ án, người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội, trong đó có tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ và tội khác, nhưng đã chủ động nộp lại số tài sản bằng ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ thì cũng được coi là chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ, trừ trường hợp có căn cứ rõ ràng xác định tài sản có nguồn gốc từ tội phạm khác..

Ví dụ: Nguyễn Văn A có hành vi tham ô số tiền 4.000.000.000 đồng và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt số tiền 2.000.000.000 đồng. Sau khi A bị khởi tố, vợ của A đã chuyển nhượng nhà đất là tài sản riêng của mình để thay A nộp lại số tiền 3.000.000.000 đồng thì được coi là chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô.

8. 'Hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm' là sau khi phạm tội tham nhũng hoặc các tội phạm khác về chức vụ, người phạm tội đã chủ động cung cấp những tin tức, tài liệu, chứng cứ có ý nghĩa cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm liên quan đến tội phạm mà họ bị buộc tội (như: chỉ đúng nơi cất giấu vật chứng quan trọng giúp cơ quan chức năng thu hồi được vật chứng đó; khai báo và chỉ đúng nơi đồng phạm khác đang bỏ trốn; khai báo về tội phạm và người phạm tội mới liên quan đến tội phạm mà họ bị buộc tội...). Ngoài những trường hợp nêu trên, có thể xác định những trường hợp khác là “hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm” nhưng Tòa án phải nhận định rõ trong bản án.

9. 'Lập công lớn' là trường hợp người phạm tội đã giúp cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, truy bắt, điều tra, xử lý tội phạm không liên quan đến tội phạm mà họ bị buộc tội; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên của Nhà nước, của tập thể, của cá nhân trong thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn hoặc sự kiện bất khả kháng khác; có phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị lớn được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận. Ngoài những trường hợp nêu trên, có thể xác định những trường hợp khác là “lập công lớn” nhưng Tòa án phải nhận định rõ trong bản án.".

Những quan chức "nhúng chàm" nào đã nộp tiền để được giảm án?
Việc các bị cáo trong các vụ án liên quan đến kinh tế, chức vụ hoặc tham ô, tham nhũng… nộp tiền khắc phục hậu quả để hưởng sự khoan hồng của pháp luật thời gian gần đây trở nên khá phổ biến. Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung là một điển hình với 2 lần liên tiếp được giảm án.

cuu-chu-tich-ha-noi-nguyen-duc-chung-1442-1724136216.jpg

Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong vụ án mua độc quyền chế phẩm Redoxy-3C.

Trong vụ án mua độc quyền chế phẩm Redoxy-3C, ông Chung bị truy tố, xét xử về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo quy định tại khoản 3, Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015, có khung hình phạt từ 10-15 năm tù.

Tại phiên sơ thẩm, đại diện Viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt cựu Chủ tịch Hà Nội từ 10-12 năm tù. Quá trình tranh tụng, gia đình ông Chung đã nộp 10 tỷ đồng nhằm bảo lãnh cho trường hợp ông Chung bị tuyên phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Đại diện VKS quyết định thay đổi mức án đề nghị đối với bị cáo Chung xuống còn từ 8-10 năm tù. HĐXX sơ thẩm sau đó tuyên phạt ông Chung 8 năm tù, dưới mức thấp nhất khung hình phạt.

Đến phiên phúc thẩm sau đó, gia đình cựu Chủ tịch Hà Nội đã nộp toàn bộ số tiền 25 tỷ đồng mà ông Chung bị buộc phải liên đới trách nhiệm bồi thường. Ghi nhận điểm này và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khác, tòa án cấp phúc thẩm đã quyết định giảm án cho bị cáo Chung còn 5 năm tù.

Tháng 11/2021, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo (Bộ Công an) Nguyễn Duy Linh bị đưa ra xét xử về tội "Nhận hối lộ" với định khung hình phạt cao nhất là tử hình. Quá trình tranh tụng, ông Linh đã tác động gia đình nộp đủ số tiền 5 tỷ đồng nhận hối lộ. HĐXX sau đó đã tuyên phạt bị cáo này 14 năm tù, dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.

Một trường hợp khác, cuối tháng 12/2019, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son bị đại diện VKS đề nghị tuyên án tử hình về tội "Nhận hối lộ" trong vụ mua bán cổ phần tại AVG. Quá trình phiên tòa diễn ra, gia đình ông Son đã nộp tiền, khắc phục hoàn toàn số tiền 3 triệu USD mà bị cáo Son nhận hối lộ.

Xét tình tiết giảm nhẹ này, HĐXX cho rằng không cần thiết phải áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình đối với bị cáo Nguyễn Bắc Son. Ông Son sau đó bị tuyên án chung thân ở cả 2 cấp xử sơ thẩm và phúc thẩm.

Trường hợp đáng chú ý hơn là cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) - Nguyễn Xuân Sơn. Ông Sơn đã thoát án tử hình sau khi bị 2 cấp Tòa sơ thẩm và phúc thẩm tuyên mức án cao nhất.

nguyen-xuan-son-1446-1724136216.jpg

Cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) - Nguyễn Xuân Sơn. (Ảnh: TTXVN)

Tại bản án phúc thẩm vụ án xảy ra tại OceanBank được tuyên ngày 4/5/2018, ông Sơn bị tuyên án tử hình về 3 tội danh: "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" và "Tham ô tài sản".

Ghi nhận việc gia đình, bạn bè ông Sơn cam kết nộp đủ 3/4 số tiền bị cáo bị quy kết tham ô, Tòa phúc thẩm kiến nghị Chánh án TAND Tối cao xem xét giảm hình phạt cho bị cáo Sơn từ tử hình xuống chung thân sau khi bị cáo Sơn khắc phục ít nhất 3/4 hậu quả.

Sau phiên phúc thẩm, gia đình bị cáo Sơn đã khắc phục hơn 3/4 số tiền được xác định là hậu quả mà ông Sơn gây thiệt hại. Chánh án TAND Tối cao đã có quyết định giảm hình phạt cho cựu Tổng Giám đốc OceanBank xuống mức án chung thân.