Trước đó, tại Phiên khai mạc kỳ họp bất thường của Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình về dự thảo nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đây là những chính sách bổ sung, ngoài khung khổ chính sách tài chính, tiền tệ đã được Quốc hội quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; kế hoạch tài chính, kế hoạch vay và trả nợ công, kế hoạch đầu tư công giai đoạn từ 2021-2025. Tổng giá trị của những chính sách này trong 2 năm tới lên đến gần 350 nghìn tỷ đồng.
Mục tiêu nhằm khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2021-2025, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn. Đồng thời, phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là ngành, lĩnh vực quan trọng, tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; Bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Chương trình xác định khung những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết, bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023 như: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước.
Nâng tỷ lệ giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp
Đóng góp cho Dự thảo Nghị quyết về giải pháp tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Lê Văn Dũng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam khẳng định, đây là gói hỗ trợ hết sức cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Chính phủ đã xây dựng Đề án rất công phu, dự lường kỹ lưỡng các tình huống, đánh giá khách quan, đầy đủ các mặt hạn chế.
Theo đại biểu Lê Văn Dũng, trước ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 đến sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ; trong đó, chính sách giảm 30% tiền thuê đất năm 2021 theo Quyết định 27/2021/QĐ-TTg ngày 25/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Tuy nhiên, việc giảm tiền thuê đất theo Quyết định 27 chỉ thực hiện đến hết năm 2021, trong khi đại dịch COVID-19 vẫn đang tác động nặng nề, sâu rộng đến nhiều ngành nghề. Khó khăn nhất vẫn là lĩnh vực du lịch với nhiều doanh nghiệp thua lỗ nghiêm trọng, mất khả năng thanh toán, buộc phải đóng cửa vì không thể duy trì các chi phí bảo dưỡng cơ sở vật chất, ngành du lịch được dự báo chưa thể phục hồi trong năm đến.
Đại biểu Lê Văn Dũng cho rằng, nếu không có những chính sách kịp thời, lâu dài và đủ mạnh, đủ hiệu quả thì rất khó khăn để các doanh nghiệp trên lĩnh vực du lịch tồn tại, duy trì. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, xem xét tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Theo đó đề nghị nâng tỉ lệ giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp dịch vụ du lịch trong năm 2021 lên 70% và thực hiện đến hết năm 2023; đồng thời, gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất còn lại (30%) thêm 12 tháng.
Cùng với phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại các trung tâm kinh tế, các thành phố nơi tập trung nhiều lao động, việc đẩy mạnh thu hút đầu tư tại các khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn cũng rất cần được quan tâm. Có thể nói, trong khó khăn chung do ảnh hưởng bởi đại dịch, việc xúc tiến đầu tư tại các khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn lại càng khó khăn thêm, trở lực lớn nhất đến từ hiệu quả đầu tư thấp, chính sách đất đai tại các khu vực này chưa thật sự thu hút, công tác giải phóng, san lấp mặt bằng gặp nhiều trở ngại do điều kiện tự nhiên, thiên tai và nhiều yếu tố xã hội khác. Đại biểu Lê Văn Dũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, miễn 100% tiền cho thuê đất và có giải pháp hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với doanh nghiệp đầu tư vào miền núi, vùng đặc biệt khó khăn để đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo tiền đề giải quyết lao động, phát triển kinh tế xã hội tại các khu vực này.
Về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị được quy định tại Luật Đầu tư năm 2020, đại biểu Lê Văn Dũng thống nhất cao với đề xuất của Chính phủ tại Tờ trình số 573 ngày 27/12/2021 về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Điểm g, Khoản 1, Điều 31 Luật Đầu tư năm 2020 quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong trường hợp dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên.
Đối với các dự án có quy mô sử dụng đất hoặc quy mô dân số thấp hơn so với đô thị loại IV (tương ứng quy mô sử dụng đất dưới 300 ha hoặc quy mô dân số dưới 50.000 người) thì phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho UBND cấp tỉnh. Việc sửa đổi không chỉ phù hợp chủ trương phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý, mà còn tạo cơ chế thông thoáng để đẩy mạnh thu hút đầu tư, triển khai thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội, đáp ứng cao thực tiễn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Bảo đảm thực hiện hiệu quả gói phục hồi kinh tế
Theo luận tại Quốc hội, các đại biểu cho rằng đề án về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội là sự gửi gắm niềm hy vọng của người dân, doanh nghiệp vào một tương lai tốt đẹp hơn nhưng cần cụ thể, rõ trách nhiệm hơn. Theo các đại biểu, cần làm rõ cam kết đầu ra của đề án, bảo đảm việc thực hiện theo kết quả đầu ra. Đây là chuẩn mực, kinh nghiệm quốc tế và cũng là yêu cầu bắt buộc trong phân bổ, chi tiêu ngân sách.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, chỉ rõ nếu không có cam kết về những kết quả đạt được thì khó có thể có thước đo chính xác để đánh giá hiệu quả sau này. Do đó, cần đưa ra những cam kết cụ thể, có thể có những sản phẩm hữu hình, có những kết quả vô hình nhưng đều có thể tính toán được. Theo đại biểu, căn cứ Luật Đầu tư công và các Nghị quyết về phân bổ ngân sách, một trong những nguyên tắc quan trọng là tất cả nguồn lực được phân bổ phải dựa trên những nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện ràng buộc.
“Lần này, chúng ta phân bổ hơn 346.000 tỷ đồng cho nhiều mục tiêu khác nhau, có những mục tiêu được phân bổ trực tiếp, có những mục tiêu thông qua các công cụ khác như công cụ thuế, công cụ hỗ trợ lãi suất… Tuy nhiên, dù trực tiếp hay gián tiếp thì cũng cần nguyên tắc, tiêu chí cụ thể tương ứng với từng gói chính sách”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai phân tích và đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị quyết những nội dung cụ thể về nguyên tắc tiêu chí tương ứng với từng gói chính sách.
Liên quan đến danh mục dự án, có ý kiến cho rằng, danh mục dự án cần bao quát mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Tuy nhiên, theo quan điểm của đại biểu, cần tập trung vào hai lĩnh vực cụ thể. Đó là những ngành nghề bị tác động nhiều nhất bởi dịch bệnh và những ngành nghề có ý nghĩa thúc đẩy tăng trưởng quan trọng nhất. “Chúng ta không chấp nhận bội chi, không chấp nhận đi vay để đầu tư cho những mục tiêu chưa thực sự cấp bách”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh.
Đại biểu cũng cho rằng, Nghị quyết của Quốc hội là căn cứ pháp lý để thực hiện sau này, vì thế Nghị quyết cần bổ sung về đối tượng áp dụng chính sách; thời hạn hoàn thành; quy định cụ thể về trách nhiệm, thẩm quyền và cần quy định cụ thể lộ trình thanh toán nợ gốc; bổ sung những cam kết về sản phẩm đầu ra.
Nhấn mạnh Đề án trình Quốc hội lần này là chủ trương hoàn toàn đúng đắn nhưng đây cũng là công việc hết sức khó khăn, là thử thách, đòi hỏi trí tuệ và sự quyết tâm, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai chỉ rõ cần có những bước đi thực sự vững chắc, không chịu áp lực bởi bất kỳ mục tiêu tăng trưởng hoặc mục tiêu thành tích. Điều cốt lõi cần đạt được là yếu tố thực chất và hiệu quả.
Ở một khía cạnh khác, nghiên cứu dự thảo Nghị quyết, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, nhận định việc bố trí nguồn lực khá lớn, quy định thời gian thực hiện khá ngắn, chủ yếu trong 2 năm 2022-2023. Do đó, theo đại biểu, trong triển khai thực hiện cần đưa ra các tiêu chí, nguyên tắc rõ ràng, quy định thứ tự ưu tiên, các nội dung cụ thể cần làm ngay, nội dung cần triển khai từng bước để đảm bảo tính khả thi.
Ngoài các giải pháp được quy định tại dự thảo Nghị quyết, đề nghị rà soát, bổ sung giải pháp về cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy nhanh việc rà soát, tháo gỡ các rào cản về thể chế, các quy định pháp luật còn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường xử lý kịp thời các công việc trên nền tảng trực tuyến. Bên cạnh đó, quy định chặt chẽ công tác giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động đầu tư công, quản lý tài chính nhà nước. "Đây là vấn đề rất quan trọng, không cần phải tốn nhiều kinh phí để đầu tư nhưng rất cần thiết thực hiện để kịp thời tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn. Các giải pháp này phải được triển khai thực hiện ngay", đại biểu nhấn mạnh.
Theo đại biểu Mai Văn Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, đây là chương trình có quy mô lớn với gần 350.000 tỷ đồng nên cần quan tâm đến giải pháp. Đồng tình với phương án huy động vốn trình Chính phủ, đại biểu đề xuất cần phải làm rõ dự kiến nguồn huy động trong nước, nguồn vốn vay nước ngoài là bao nhiêu. Theo quan điểm của đại biểu, nên huy động nguồn vốn trong nước là chính.
Về hỗ trợ 2%/năm lãi suất thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với giá trị 40.000 tỷ đồng, theo đại biểu, cần hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ một số lĩnh vực phải chịu thiệt hại nặng nề bởi đại dịch như du lịch, vận tải hành khách, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống...
Đồng thời, đại biểu đề nghị ngành ngân hàng, nhất là ngân hàng thương mại cần cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp và người dân dễ dàng tiếp cận gói chính sách này. Mặt khác, cần kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn cho vay, tránh tình trạng doanh nghiệp, người dân vay không dùng vào mục đích phục hồi sản xuất mà đem đầu tư tài chính, đầu tư bất động sản và một số lĩnh vực rủi ro khác.