Sức mua ô tô của người Việt giảm mạnh trong quý 1/2023, giảm lệ phí trước bạ là cần thiết?

Kết thúc quý 1/2023, toàn thị trường ô tô Việt đã tiêu thụ được 86.817 xe, giảm 25% theo năm và tụt hạng ở Đông Nam Á.

Sức tiêu thụ ô tô giảm trong quý 1/2023

Theo báo cáo bán hàng từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), VinFast và Hyundai Thành Công, người Việt đã tiêu thụ tất cả 86.817 xe trong 3 tháng đầu năm 2023. Con số này giảm tới 25% so với cùng thời điểm quý 1/2022.

Sức tiêu thụ giảm cũng khiến Việt Nam không còn giữ vững vị trí thứ 4 khu vực Đông Nam Á mà đã bị đẩy xuống đứng hàng thứ 5, sau Indonesia (282.125 xe), Thái Lan (392.743 xe), Malaysia (192.474 xe) và Philippines (97.284 xe). 

Nguyên nhân dẫn đến doanh số toàn thị trường xe giảm ở quý đầu năm phần lớn là do ảnh hưởng từ sự suy thoái kinh tế chung trên toàn thế giới. Khó khăn chung cùng lãi suất ngân hàng tăng khiến người dân phải cân đo đong đếm rất nhiều khi đầu tư hoặc mua bán bất kỳ một mặt hàng có giá trị cao nào. Và ô tô cũng vậy.

Mặc dù các hãng và nhà phân phối liên tục tung ra loạt chính sách kích cầu lớn, từ giảm giá trực tiếp cho đến ưu đãi 50% - 100% phí trước bạ, trị giá lên tới hàng trăm triệu đồng nhưng vẫn chưa thể cải thiện tình hình mua bán xe.

suc-mua-o-to-cua-nguoi-viet-giam-manh-trong-quy-1-pld-1683529908.jpg
Sức mua ô tô của người Việt giảm mạnh trong quý 1/2023, giảm lệ phí trước bạ là cần thiết?

Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ từ Chính phủ là cần thiết

Lúc này, rất cần một chính sách thiết thực và đồng bộ hơn để tạo nên cú hích lớn cho toàn thị trường. Và việc giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được cho là một trong những giải pháp có tính thiết thực, khả quan nhất.

Bởi, hiệu quả của chính sách giảm 50% phí trước bạ đã được minh chứng rất rõ ràng qua thực tế với Nghị định 70 và Nghị định 103 được áp dụng vào năm 2020 và cuối năm 2021 đến giữa 2022. 

Cụ thể, trong giai đoạn khó khăn của thị trường do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, doanh số ô tô toàn Việt Nam vẫn đạt kết quả vô cùng ấn tượng với 29.382 xe bán ra ở tháng cuối cùng của năm 2020.

Và cũng chính đòn bẩy phí trước bạ đã trở thành một trong những yếu tố then chốt tạo nên sức bật mạnh mẽ, giúp thị trường hồi phục ngoạn mục thời "hậu" Covid. Hoạt động mua bán trở nên nhộn nhịp, kẻ bán người mua đều rất hồ hởi trước chính sách từ Chính phủ. Nhờ đó, đã có 223.440 chiếc ô tô được tiêu thụ thành công chỉ trong nửa năm (từ tháng 12/2021 - tháng 5/2022), tăng tới 28,1% so với cùng thời điểm năm liền trước.

chinh-sach-giam-50-phi-truoc-ba-hua-hen-se-tro-thanh-don-bay-giup-thi-truong-o-to-viet-phat-trien-manh-me-on-dinh-hon-pld-1683529908.jpg
Chính sách giảm 50% phí trước bạ hứa hẹn sẽ trở thành đòn bẩy giúp thị trường ô tô Việt phát triển mạnh mẽ, ổn định hơn

Trên thực tế, ngay từ đầu tháng 3/2023, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cùng một số hiệp hội khác và các địa phương có nhà máy sản xuất ô tô lớn đã trình lên Chính phủ và các bộ ngành đề xuất giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. 

Đề xuất trên đã được Bộ Công thương đồng tình song đến nay vẫn chưa thể đi vào thực tế. Bởi, theo Bộ Tài chính vẫn còn nhiều điểm cần tháo gỡ để có thể đưa ra một chính sách phù hợp nhất. Và Bộ này cũng đã báo cáo Chính phủ các giải pháp về phí trước bạ với ô tô. 

Nếu chính sách giảm lệ phí trước bạ dành cho ô tô đăng ký lần đầu được thông qua, chắc chắn sẽ trở thành đòn bẩy giúp thị trường ô tô Việt phát triển mạnh mẽ, ổn định hơn trong thời gian tới.