Mới đây, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã lên kế hoạch đưa sản phẩm ra thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu BĐS dịp cuối năm. Đây được xem là tín hiệu tốt cho thị trường BĐS phía Nam sau thời gian giãn cách xã hội.
Doanh nghiệp bung hàng
Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư kéo dài đã khiến thị trường BĐS phía Nam nói riêng lâm vào cảnh “đóng băng”. Hàng loạt dự án phải ngừng hoạt động xây dựng, hoàn thiện thủ tục đầu tư, ảnh hưởng đến nguồn cung thị trường. Theo số liệu từ Hội Môi giới BĐS Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2021, tổng nguồn cung mới trên thị trường đạt trên 165.700 sản phẩm, nhưng lượng giao dịch chỉ đạt khoảng 61.800 sản phẩm, chiếm khoảng 37% tổng nguồn cung. Riêng quý III/2021 lượng cung sản phẩm trên thị trường thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Thị trường BĐS tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam có nguồn cung 3.516 sản phẩm, giao dịch 2.724 sản phẩm.
Tuy nhiên, sau một thời gian ảm đạm, những ngày gần đây, thị trường BĐS bắt đầu sôi động trở lại do TP.HCM và các tỉnh phía Nam đã nới lỏng giãn cách, chuyển sang trạng thái “bình thường mới”. Trong tâm thế đó, nhiều doanh nghiệp BĐS đã “bung” dự án mới ra thị trường và tiếp tục mở bán các dự án cũ. Những tín hiệu từ việc dự án đồng loạt chào thị trường trong quý IV/2021 đang khiến BĐS phía Nam có niềm tin hơn về nguồn cung sẽ dồi dào từ nay đến thời điểm cuối năm 2021.
Điển hình, một Tập đoàn BĐS đã không ngừng việc kinh doanh dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đại diện Tập đoàn này cho biết, trong những ngày tới, khi các tỉnh, thành mở cửa lưu thông, Tập đoàn sẽ triển khai mở bán mạnh 3 dự án tại Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai với số lượng lên tới hơn 5.000 sản phẩm. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp BĐS phía Nam như: Tập đoàn An Gia cũng đang rục rịch bán tiếp dự án ở TP.HCM; Trần Anh Group, Thắng Lợi Group, Phú Đông Group… cũng cho biết sẽ có dự án BĐS tại các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai và sẽ mở bán vào cuối năm nay khi kinh tế mở cửa, dịch được kiểm soát.
Còn nhiều thách thức
Mặc dù nguồn cung đang được cải thiện, thị trường BĐS đang có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia BĐS, rất khó để kỳ vọng vào kịch bản “màu hồng” trong 3 tháng cuối năm 2021, đặc biệt là khu vực phía Nam, dù các hoạt động “bình thường mới” trùng vào mùa cao điểm bán hàng cuối năm. Theo ông Trần Khánh Quang, chuyên gia nghiên cứu thị trường BĐS, dư chấn của đợt dịch lần thứ tư làm đảo lộn kế hoạch kinh doanh trong ít nhất 6 tháng nữa, đồng nghĩa với việc những tháng cuối năm 2021 và quý I/2022, thị trường BĐS, đặc biệt là thị trường phía Nam vẫn đứng trước phép thử khó khăn, nhiều thách thức hơn.
Đồng quan điểm, TS. Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế cũng dự báo, thị trường BĐS sẽ không có đà tăng trưởng ngay lập tức dù kịch bản sống chung với dịch đã được kích hoạt. Nhiều dự án tái khởi công, doanh nghiệp BĐS đang háo hức chờ ngày trở lại triển khai bán hàng, kinh doanh vào dịp cuối năm nay. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp BĐS đang phải đối diện là thanh khoản thấp, vì nguồn thu nhập hạn chế của đa số người dân trong thời điểm này khiến tình hình thị trường không có nhiều biến động, giao dịch chủ yếu diễn ra từ nhà đầu tư dài hạn.
Theo bà Nguyễn Hương - CEO Đại Phúc Land, các chủ đầu tư dự án BĐS sẽ tích cực mở bán trong quý IV/2201 để tăng tốc việc bán hàng bù lại cho khoảng thời gian bị ngưng trệ do giãn cách xã hội. Thị trường sẽ hồi phục mạnh vào tháng 11, 12/2021 khi tâm lý thị trường đã ổn định trở lại và việc di chuyển giữa các tỉnh, thành phía Nam thuận lợi hơn. Cuối năm bao giờ cũng là thời điểm thị trường BĐS sôi động nhất và đặc biệt là nhu cầu đã bị nén lại sau một thời gian dài giãn cách xã hội.