Thị trường căn hộ đã qua sử dụng: Đang được ưa chuộng

Trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) 2 năm qua không có nhiều nguồn cung mới, cùng với đó là giá bán tăng cao, nhiều người có nhu cầu ở thực đã bắt đầu chuyển hướng sang tìm mua những căn hộ chung cư đã qua sử dụng, giá rẻ. Chiếm phần đông trong số khách hàng của phân khúc này là các cặp vợ chồng trẻ, người có thu nhập trung bình muốn có nhà ở ngay.

 “Săn” chung cư cũ

Vợ chồng anh Tuấn, cư ngụ tại quận Phú Nhuận (TP.HCM) đang muốn tìm mua một căn hộ chung cư vừa túi tiền để ở ngay, nhưng hiện tại những dự án xây mới có mức giá dưới 2 tỷ đồng rất hiếm, lại cách quá xa trung tâm thành phố và nơi làm việc. Anh Tuấn cho biết, vợ chồng anh đang ngắm căn hộ chung cư cũ trên đường Phạm Viết Chánh (quận Bình Thạnh), diện tích 52m2 với giá gần 2 tỷ đồng. Ưu điểm của căn hộ này là nằm gần trung tâm, mặc dù hơi cũ nhưng đầy đủ nội thất, phù hợp với tài chính gia đình và tiện cho việc đi làm, đi học của vợ chồng con cái.

Tương tự, vợ chồng chị Hằng, ngụ quận Gò Vấp cũng đang “đau đầu” về vấn đề này. Theo chị Hằng, vợ chồng chị đã tìm dự án mới để mua nhưng vẫn chưa được. Lý do cũng chỉ xoay quanh vấn đề tài chính. Bởi giá nhà hiện tại tăng cao, nếu vợ chồng chị chấp nhận mua thì phải vay ngân hàng khoản lớn, vượt quá mức chi trả. Vì thế, vợ chồng chị chuyển sang tìm mua căn hộ đã qua sử dụng. Thực tế, đây cũng là bài toán nan giải của nhiều gia đình trẻ muốn mua nhà tại TP.HCM hiện nay.

Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Vietnam cho rằng, ở thời điểm năm 2013 - 2015, khách hàng không khó để tìm mua một căn hộ mới tinh với tầm giá 10 - 20 triệu đồng/m2. Chỉ cần bỏ ra từ 800 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng là khách hàng đã có thể sở hữu một căn hộ 2 - 3 phòng ngủ cho cả gia đình. Tuy nhiên, đến giai đoạn 2018 - 2019, căn hộ dành cho người thu nhập trung bình mở bán đã có giá lên đến 30 triệu đồng/m2 và nguồn cung mới cực kỳ khan hiếm. Thời điểm này chính là lúc xu hướng đi tìm mua lại các căn hộ cũ đã qua sử dụng bùng phát.

a1.-can-ho-chung-cu

 Nhiều người có nhu cầu ở thực đã chuyển hướng tìm mua căn hộ chung cư cũ, do chung cư mới ngày càng ít và giá cao

Cần cân nhắc kỹ

Theo các chuyên gia BĐS, so với cách đây 2 năm, số lượng giao dịch các căn hộ chung cư bình dân đã qua sử dụng có tăng nhẹ. Có thể nói, việc chuyển nhượng lại các căn hộ chung cư đã qua sử dụng hiện đang là xu thế được nhiều người dân sinh sống tại các đô thị tiếp cận. Đối tượng đa phần là những người có thu nhập trung bình, bởi giá chuyển nhượng của những căn hộ đã qua sử dụng “mềm” hơn rất nhiều so với căn hộ mới. Ngoài ra, do tâm lý người mua muốn sở hữu một căn hộ có pháp lý rõ ràng, mà hầu hết căn hộ đã qua sử dụng đều có pháp lý đầy đủ.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) chia sẻ, căn hộ chung cư trên địa bàn TP.HCM đã qua sử dụng đáp ứng được nhu cầu của một số đông khách hàng là vợ chồng trẻ, có thu nhập thấp. Khi mua lại căn hộ cũ, người mua sẽ có cơ hội tìm hiểu kỹ càng hơn về thực tế cuộc sống tại đây. Họ có thể thuê ở 3 - 6 tháng rồi mới quyết định mua, thay vì chỉ xem quảng cáo “hào nhoáng” của các dự án mới và tưởng tượng ra. Ngoài ra, khi mua chung cư cũ, người mua vẫn hoàn toàn có thể mua trả góp, thế chấp nhanh chóng bằng “sổ hồng” đã hiện hữu.

Tuy vậy, theo ông Châu, đối với phân khúc này, ngoài ưu điểm thì vẫn có nhược điểm, do đó, người có nhu cầu về nhà ở nên cẩn trọng và cân nhắc kỹ trước khi mua. Đặc biệt, phải chú ý đến mức độ, tình trạng sử dụng, từ đó có thể định lượng được giá trị thực của sản phẩm chung cư cũ. Với những người mua để ở trong thời gian ngắn cũng cần phải tính toán đến khả năng mất giá của sản phẩm này. Nếu khả năng tài chính eo hẹp, mức thu nhập bình quân không quá cao và không muốn phải gánh thêm nợ ngân hàng, thì người có nhu cầu không nên mua chung cư cũ.

“Về mặt pháp lý, các căn hộ chung cư đã đưa vào vận hành, qua sử dụng có độ rủi ro thấp hơn so với mua mới. Căn hộ chung cư cũ phần lớn đã có “sổ hồng” đầy đủ, quyền sở hữu đã được đảm bảo. Mua căn hộ chung cư mới hoặc dự án còn trên giấy, khách hàng sẽ còn nhiều cái để lo. Đơn cử như chủ đầu tư có đủ năng lực làm dự án hay không, có đúng tiến độ không, bảo lãnh ngân hàng như thế nào?...”Luật sư Đào Xuân Sơn - Đoàn Luật sư TP.HCM