Sáng 9/10, Đài quan sát Mặt trời trên không gian (ASO-S) đã cất cánh từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở miền bắc Trung Quốc. Trước đây, Trung Quốc đã phóng vào không gian các vệ tinh với các công cụ quan sát Mặt trời riêng lẻ, nhưng ASO-S trị giá 126 triệu USD, là đài quan sát đầu tiên với một một bộ công cụ đầy đủ.
Các nhà khoa học ở Trung Quốc đã chờ đợi đài thiên văn ASO-S từ rất lâu. “Chúng tôi luôn muốn có một dự án như thế này”, Weiqun Gan, nhà vật lý thiên văn tại Đài quan sát Núi Tím thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, nói.
ASO-S - còn được biết đến với biệt danh Kuafu-1, theo tên một người khổng lồ đã tìm cách bắt và chế ngự Mặt trời trong thần thoại Trung Quốc. ASO-S sẽ bay trong quỹ đạo cách bề mặt Trái đất 720 km và luôn luôn hướng về phía Mặt trời.
Gan cho biết nhiệm vụ sẽ kéo dài ít nhất 4 năm, và sẽ quan sát được đỉnh chu kỳ hoạt động 11 năm của Mặt trời vào khoảng năm 2024–25. Trạng thái hoạt động của Mặt trời đi theo chu kỳ 11 năm, trong thời gian đó, mức độ bức xạ và các vụ phun trào giải phóng vật chất Mặt trời tăng dần đến mức độ tối đa rồi giảm dần về tối thiểu. Ở đỉnh chủ kỳ là thời điểm xảy ra nhiều vụ phun trào nhất.
Mặt trời phát ra các dòng bức xạ năng lượng cao -đều được gọi là bão mặt trời - trong đó có lửa mặt trời và vụ nổ vành nhật hoa (CME). ASO-S có nhiệm vụ nghiên cứu đặc tính vật lý cơ bản của những sự kiện này và quá trình từ trường tạo ra chúng, vốn có ý nghĩa rộng hơn trong việc tìm hiểu các hiện tượng tương tự trong vũ trụ, theo Kontar.
Lửa mặt trời và CME có thể ảnh hưởng đến Trái đất khi chúng tiếp cận và tương tác với bầu khí quyển. Các hiện tượng "thời tiết không gian" này có nguy cơ gây nhiễu hệ thống định vị và làm gián đoạn lưới điện trên Trái đất. Với dữ liệu từ trường mặt trời từ ASO-S, các nhà khoa học có thể dự báo thời gian và vị trí bề mặt Mặt trời có khả năng xảy ra phun trào.
Ba công cụ của đài quan sát gồm một máy đo từ tính để nghiên cứu từ trường mặt trời, một máy chụp ảnh tia X để nghiên cứu bức xạ năng lượng cao được giải phóng trong lửa mặt trời, và một máy chụp ảnh tia cực tím và ánh sáng khả khiến để nghiên cứu dòng hạt được tạo ra bởi CME.
Chia sẻ dữ liệu
Dữ liệu từ ASO-S sẽ được truy cập mở, và các nhà vật lý năng lượng mặt trời Trung Quốc mong muốn được hợp tác với đồng nghiệp quốc tế, theo Jean-Claude Vial, nhà vật lý thiên văn tại Đại học Paris-Saclay.
Dữ liệu này có thể bổ sung cho dữ liệu từ các đài quan sát Mặt trời khác như tàu quỹ đạo Mặt trời của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), được phóng vào năm 2020, để tạo ra hình ảnh lập thể về lửa Mặt trời, từ đó phát triển các phép đo chính xác về hướng của lửa mặt trời và tiết lộ cách lửa mặt trời làm tăng tốc các electron, một câu hỏi lớn trong vật lý mặt trời.
ASO-S thuộc một chương trình lớn nghiên cứu không gian của Học viện Khoa học Trung Quốc. Chương tình này đã thực hiện các nhiệm vụ như Thí nghiệm lượng tử trên vệ tinh và Kính viễn vọng X-ray HXMT. Nhưng ASO-S là nhiệm vụ đầu tiên do Trung Quốc tự phát triển từ đầu, Gan nói. "Nếu ASO-S hoạt động hiệu quả, Chương trình có thể được kéo dài và tạo ra nhiều nhiệm vụ hơn.”
Nguồn:
https://www.nature.com/articles/d41586-022-03180-y
https://greekreporter.com/2022/10/08/china-solar-observatory-sun-satellite/