Vụ bé gái 6 tuổi tử vong do bố đẻ bạo hành: Cha mẹ mất kiểm soát bản thân khi cơn giận đang cao trào?

Sự việc bé gái 6 tuổi tử vong ở Xuân Đỉnh (Hà Nội) do bố bạo hành đang gây chú ý dư luận. Sức khỏe, tính mạng của trẻ có thể mất đi bất cứ lúc nào khi cha mẹ không biết cách kiểm soát cơn giận với con.

 Khi cha mẹ mất kiểm soát cơn giận với con...

Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội ngày 17/9 đã tạm giữ hình sự người cha sát nhân Lê Thành Công, 43 tuổi, trú tại phường Xuân Đỉnh, để làm rõ cái chết của con gái 6 tuổi, nghi bị bạo hành. Công thừa nhận đã dùng đũa đánh con 5 tiếng trước khi nạn nhân tử vong vào chiều 16/9. Bệnh viện Nhi Trung ương xác định bé gái tử vong ngoại viện, trên cơ thể có dấu hiệu bị bạo hành.

Đây không phải là trường hợp hi hữu vì sự thiếu kiểm soát cảm xúc của người bố, người mẹ mà "giận quá mất khôn" sát hại con của mình. Trước đó, một sự việc đau lòng cũng đã xảy ra ở phường Lê Lợi, quận Ngô Quyền (Hải Phòng) khi người bố tức giận vì con trai bỏ thi giữa kì đã dùng đũa chọc vào ngực con. Dù được gia đình đưa đi cấp cứu nhưng cháu bé không qua khỏi và người bố sau đó đã ra cơ qaun pháp luật đầu thú.

Cách đây một năm, bé gái N.N.M.M. (sinh năm 2017) qua đời sau khi bị mẹ và cha dượng đánh đập, bạo hành liên tục trong 2 ngày.

Những sự vụ đau lòng này là hồi chuông cảnh báo các bố mẹ trong việc quản lý, giáo dục con cần tuân thủ pháp luật cũng như các quy tắc đạo đức xã hội, tránh việc sử dụng vũ lực. Bởi lẽ, các con còn quá nhỏ, sự phát triển tâm sinh lý còn rất hạn chế trong khi áp lực học hiện nay là rất lớn. Ngoài ra cũng đặt ra vấn đề cần biết cách kiểm soát cảm xúc cá nhân của người làm cha mẹ.

5019_1

Chuyên gia tâm lý Hồng Hương – Thường trực Thư viện Lưu Trú thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, việc làm chủ bản thân của mỗi người khó khăn khác nhau. Những ai thường có khí chất nóng nảy, làm chủ bản thân kém… thì nguy cơ mất kiểm soát cao hơn. Khi không kịp thời bình tĩnh, họ có thể dẫn tới hành vi kích động, vượt khỏi tầm kiểm soát mà vô tình làm hại đến sức khỏe, thậm chí tước đoạt tính mạng của con.

Ngày nay, các bậc cha mẹ gánh trên vai nhiều áp lực, những khó khăn có thể dẫn tới stress, tâm lý căng thẳng, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch COVID-19, gánh nặng mưu sinh đè lên tâm lý. Sự việc đau lòng trong gia đình bé gái 6 tuổi có lẽ một phần cũng nằm trong vấn đề đó. Người đàn ông trong gia đình, áp lực kinh tế là một áp lực lớn. Với những người làm tự do, trong đó có khối kinh doanh, lại gặp những ngày tháng giãn cách, câu hỏi hướng đi cho sinh kế, cho doanh nghiệp luôn là câu hỏi đau đáu.

Phần lớn phụ huynh nhiễm hội chứng "con vịt" - bên ngoài trông bình thản mà đôi chân ẩn dưới nước vẫy liên hồi để cơ thể có thể nổi trên nước. Điều này tạo ra những lo lắng, stress ngầm. Vì thế gần đây chúng ta thấy hay có những vụ bạo hành bất thình lình được tạo ra bởi những ông bố vốn được cho là hiền, và yêu con.

Thật bàng hoàng và đau xót khi một em bé mới 6 tuổi chập chững vào lớp 1, chịu thiệt thòi không được dự khai giảng như mọi năm, không được gặp thầy cô và bạn bè. Vậy mà vừa khai giảng trực tuyến được mấy ngày, cháu bé đã phải rời xa cuộc đời. Cái chết thương tâm của bé gái khiến cả xã hội thương xót, nhưng đau xót nhất vẫn chính là gia đình nạn nhân. Người mất, người vướng vòng lao lý, lại mang tiếng xấu với cộng đồng và xã hội. Liệu người bố có dằn vặt và đau khổ không?

Trong khi chờ kết luận chính thức của cơ quan chức năng, chúng ta đặt ra nhiều giả thiết, rằng người bố trong vụ việc không cố tình đánh con đến mức tử vong. Người này có thể do bực tức, nóng giận không thể kìm nén, đã dùng một vật đánh vào trúng chỗ hiểm trên cơ thể con gái dẫn đến cái chết của con. Dù với bất cứ lý do nào, người bố cũng sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm theo đúng quy định.

Cách để cha mẹ tránh "giận quá mất khôn" sát hại con của mình

Theo chuyên gia tâm lý Hồng Hương, thì dù có bất cứ nguyên nhân nào dẫn tới cái chết của cháu bé thì trách nhiệm đầu tiên là của bố mẹ trong việc chăm sóc, dạy dỗ con. Với tôi, trẻ em chưa bao giờ gây ra được bất kỳ một tội gì. Nếu con có những sai lầm thì đó đều là sự phản chiếu của chính môi trường gia đình, từ chính người làm cha, làm mẹ, hoặc môi trường nhà trường, của người làm thầy, làm cô. Từ đây, trong gia đình cũng thấy vai trò những người sống cùng nhà. Chúng ta cần có phương pháp khi một ai đó trong gia đình, nếu mẹ nổi nóng, bố nên làm gì và ngược lại để trẻ có được môi trường an toàn, được ứng xử công bằng hơn. Trẻ em không phải là công cụ để người lớn trút bực dọc. Cha mẹ cần học cách trách phạt con khi chúng sai và khen thưởng khi làm được những điều đúng. Cha mẹ cần hiểu, thay vì dùng đòn roi, bạo lực con để răn dạy có thể dùng các biện pháp khác như đánh vào sở thích của trẻ, phạt trẻ lau dọn phòng…

Trẻ nhỏ đôi lúc chúng vô cùng đáng yêu và nghe lời người lớn răm rắp, đôi lúc chúng lại bướng bỉnh chỉ làm theo ý mình với thái độ gây hấn và thách thức. Cảm xúc không ổn định ở trẻ đôi khi gây khó chịu cho người lớn. Khi bạn nổi giận, muốn la mắng hay đánh trẻ hãy hít thở thật sâu tới khi thấy cơn tức giận của mình vơi đi mới bắt đầu dạy dỗ con bằng cách nói chuyện với con, chỉ ra lỗi sai của con. Việc chậm lại dù chỉ 1 tích tắc này tưởng dễ nhưng không phải ai cũng làm được nhưng giúp chúng ta không đẩy cảm xúc lên đỉnh của ngọn núi lửa phun trào. Giống như chỉ cần mở nắp vài giây sẽ giúp giữ cho nồi không bị sôi trào. Lúc này, cần cho bản thân một chút thời gian để làm bất cứ điều gì để bình tĩnh hơn. Khi thấy bình tĩnh trở lại mới tiếp tục dạy con.

Cha mẹ cũng cần tạo cho mình giải phóng cảm xúc không tốt tích tụ. Cảm xúc tiêu cực tích tụ lâu sẽ khiến bạn mất đi kiểm soát, tạo ra căng thẳng. Đôi khi bạn có thể giải tỏa cảm xúc tiêu cực bằng cách đi bộ, chơi một môn thể thao nào đó.

Dù trong bất kể tình cảnh nào, cha mẹ cần kìm hãm sự nóng giận, đừng lấy hình ảnh "con nhà người ta" để áp đặt vào con mình. Bởi chỉ cần một phút nóng giận mất kiểm soát có thể gây nên hậu quá đáng tiếc!

Thông qua những số liệu thống kê, thực trạng trẻ em bị xâm hại và bạo hành ở nước ta đang ở mức báo động. Những vụ việc được phát hiện ngày càng nhiều hơn và mức độ nặng nề hơn.

Theo số liệu từ Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, trong 6 tháng đầu năm 2021, Tổng đài đã tiếp nhận 171.019 cuộc gọi, trong đó có 706 ca hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em.

Trong 706 ca hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em có 362 ca bạo lực trẻ em, chiếm 51,27% (cao hơn cùng kỳ năm ngoái 167 ca, tương đương 3,36%); 122 ca xâm hại tình dục trẻ em, chiếm 17,28% (tăng hơn cùng kỳ năm trước 13 ca, giảm về tỉ lệ là 17,28%). Trong số 362 ca bạo lực trẻ em, có 315 trường hợp được nhận dịch vụ hỗ trợ, 47 trường hợp không nhận được hỗ trợ. Có 93/112 ca trẻ em bị xâm hại tình dục được nhận dịch vụ hỗ trợ, 19 trường hợp không nhận được hỗ trợ.

Lý do trẻ em không được nhận hỗ trợ là do gia đình từ chối hoặc không hợp tác, trẻ em chuyển đi nơi khác không liên lạc được, địa phương đợi kết quả điều tra từ công an hoặc xác minh không có vụ việc.