Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) vừa công bố Báo cáo tài chính kiểm toán bán niên (từ ngày 1/10/2022 đến ngày 31/3/2023).
Theo đó, doanh nghiệp được mệnh danh là “vua tôn” này ghi nhận tổng doanh thu thuần đạt hơn 14.898 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 12% kỳ trước về còn 7,3% quý này khiến lợi nhuận gộp của công ty chỉ đạt 1.093 tỷ đồng.
Trong kỳ, các chi phí hoạt động đã được Hoa Sen cắt giảm đáng kể. Cụ thể, chi phí tài chính giảm 1,2% so với cùng kỳ về còn 187 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm 42,5%, còn 1.412 tỷ đồng.
Kết quả, sau khi khấu trừ các chi phí phát sinh trong kỳ, Hoa Sen báo lỗ 424 tỷ đồng sau thuế, trong khi cùng kỳ niên độ trước vẫn lãi 873 tỷ đồng.
Lý giải kết quả kinh doanh kém tích cực trong nửa đầu niên độ tài chính 2022-2023, Hoa Sen giải thích ngắn gọn lợi nhuận sau thuế giảm là do lợi nhuận gộp tạo ra không đủ trả chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.
Kết quả kinh doanh trên của Hoa Sen đã phản ánh khó khăn chung của ngành thép trong nửa cuối năm 2022 khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao trong khi giá sản phẩm đầu ra sụt giảm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành thép cũng là nhóm chịu ảnh hưởng chính trước biến động của thị trường bất động sản năm qua.
Được biết, trong niên độ 2022-2023, Hoa Sen đặt kế hoạch kinh doanh dựa trên hai kịch bản.
Kịch bản đầu tiên với phương án sản lượng thành phẩm 1,4 triệu tấn, công ty lên kế hoạch doanh thu 34.000 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ và lợi nhuận dự kiến 100 tỷ đồng, giảm 60%.
Kịch bản thứ hai tích cực hơn với sản lượng thành phẩm là 1,5 triệu tấn với doanh thu là 36.000 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ và lợi nhuận dự kiến 300 tỷ đồng, tăng 20%.
Như vậy, với việc lỗ 424 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, cho dù kịch bản lãi tối thiểu 100 tỷ đồng hay tối đa 300 tỷ đồng, doanh nghiệp của ông Lê Phước Vũ vẫn cách rất xa kế hoạch đặt ra.
Tính tới 31/3/2023, tổng tài sản của Hoa Sen giảm nhẹ so với hồi đầu năm, còn 16.763 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho vẫn là khoản chiếm tỷ trọng lớn nhất (41,2%) trong cơ cấu tài sản của công ty với 7.012 tỷ đồng.
Nợ phải trả tại ngày 31/3 ở mức 6.365 tỷ đồng, tăng gần 220 tỷ đồng so với đầu niên độ. Trong đó, nợ phải trả người bán ngắn hạn tăng gần 900 tỷ đồng lên 1.932tỷ đồng, vay nợ ngắn hạn giảm gần 500 tỷ đồng xuống còn 3.577 tỷ đồng.
Định hướng năm nay, Hoa Sen sẽ tập trung vào thị trường nội địa, song song tiếp tục phát triển Hoa Sen Home - hệ thống siêu thị chuyên phân phối vật liệu xây dựng và nội thất. Đồng thời, nghiên cứu, chuẩn bị nguồn lực, điều kiện cần thiết để thành lập CTCP Phân phối VLXD - Nội thất Hoa Sen (CTCP Hoa Sen Home) và tổ chức chuyển giao mảng phân phối vật liệu xây dựng cho CTCP Hoa Sen Home vào một thời điểm phù hợp, dự kiến năm 2024-2026.
Đối với mảng sản xuất kinh doanh nhựa, Hoa Sen tiếp tục củng cố hiệu quả sản xuất kinh doanh của CTCP Nhựa Hoa Sen, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc IPO vào một thời gian phù hợp, dự kiến thời gian sẽ là từ năm 2023 đến năm 2026 nếu tình hình kinh tế thuận lợi.