#kỷ nguyên mới

Xử lý triệt để các cơ sở thẩm mỹ không phép

Liên tiếp thời gian gần đây, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra nhiều vụ tai biến, thậm chí, có trường hợp tử vong do phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở thẩm mỹ trái phép. Tuy nhiên, theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, việc quản lý đang gặp nhiều khó khăn do pháp luật chưa có quy định cụ thể về biển hiệu, dễ gây hiểu nhầm; hình phạt chưa đủ sức răn đe...
benh-vien-tham-my-gangwhoo-pld-1692604758.png
Bệnh viện thẩm mỹ Gangwhoo - nơi từng xảy ra trường hợp tử vong sau khi hút mỡ bụng. (Ảnh: Báo Công an nhân dân)

Để xinh đẹp hơn, nhiều phụ nữ không ngại chi tiền tiêm filler (chất làm đầy). Thế nhưng, thay vì tới cơ sở y tế có uy tín, nhiều người lại tìm đến các spa không phép, thậm chí chấp nhận làm “mẫu tiêm” để được miễn phí hoặc giảm phí.

Trên Facebook có hàng chục nhóm: “Hội tuyển mẫu tiêm filler, botox, căng chỉ... Sài Gòn” với 53 nghìn thành viên, “Hội tuyển mẫu tiêm filler & botox & phun xăm có tâm Hà Nội-Sài Gòn” 44 nghìn thành viên… hoạt động công khai và trung bình đăng khoảng 10 bài viết mới/ngày. Điều đáng nói, phần lớn thành viên trong nhóm đăng bài để tuyển mẫu đều là các học viên mới học xong những khóa học tại các thẩm mỹ viện, các cơ sở làm đẹp muốn thử tay nghề nên tuyển mẫu về để “luyện kim”.

Trong vai “mẫu” được rất nhiều các cơ sở tự xưng là thẩm mỹ viện mời chào làm miễn phí, “bao đẹp”, chúng tôi đến một chung cư ở Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp chúng tôi là một cô gái khoảng 20 tuổi, mặc áo blouse trắng không có bảng tên, không có logo cơ sở, tại tầng ba của chung cư. Trong căn phòng làm đẹp (khoảng 20 m2), ba nhân viên đang làm móng tay, móng chân cho khách.

Tại căn phòng khác, kín đáo hơn, chỉ có nhân viên tiêm và khách được vào, sau khi vào thì khóa cửa lại ngay. Trong phòng rộng khoảng hơn 10 m2 này, một cô gái hơn 30 tuổi, tự xưng là chủ cơ sở, giới thiệu cơ sở có thể làm đầy đủ tất cả các loại dịch vụ như nâng mũi, tiêm filler trên tất cả các bộ phận…, mẫu tiêm sẽ được miễn phí mũi đầu tiên, cứ tiếp mũi tiêm sau sẽ phụ thu 199 nghìn đồng.

Khi chúng tôi hỏi giấy phép hoạt động của cơ sở, ngay lập tức bị yêu cầu ra khỏi cơ sở. Thậm chí, cơ sở này còn cho người theo dõi cho đến khi chúng tôi xuống hầm để xe. Trong khi đó, tại một chung cơ mới xây xong ở Quận 6, cũng là một căn phòng chính ở ngoài làm móng, một căn phòng nhỏ phía trong để thực hiện thủ thuật thẩm mỹ, khi được hỏi nếu có biến chứng sau tiêm thì như thế nào, chủ cơ sở trả lời ráo hoảnh:

“Thì vào bệnh viện nhập viện rồi xử lý lấy ra thôi”. Tại một tài khoản Facebook đăng bài tuyển mẫu tiêm filler và nhận đào tạo học viên, chúng tôi hỏi địa chỉ cơ sở thì được thông báo làm tại nhà riêng, chưa có điều kiện để mở cơ sở...

Lấy tính mạng, thân thể người khác để nâng tay nghề, chỉnh sửa hình ảnh để làm các video quảng cáo hấp dẫn, bắt mắt, các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ trái phép ngụy trang với nhiều hình thức như phía dưới là quán cà-phê, trong chung cư, cơ sở bán mỹ phẩm hay thậm chí, tiệm cắt tóc, gội đầu, làm móng…

Mặc dù dư luận đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo, nhưng nhiều người vẫn tìm đến làm đẹp tại các cơ sở không phép, để rồi tiền mất, tật mang. Điều đáng nói, chỉ sau khi những sự cố đau lòng xảy ra hoặc khi có phản ánh của người dân thì các cơ quan chức năng mới... vào cuộc!

Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết: Hoạt động thẩm mỹ còn nhiều bất cập, phức tạp. Thành phố hiện có khoảng 7.000 cơ sở cung ứng các dịch vụ thẩm mỹ; trong đó, hơn 85% số cơ sở do quận, huyện, thành phố Thủ Đức cấp phép, không cần cơ quan chuyên môn y tế thẩm định, cấp phép.

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện và xử lý 19 cơ sở do ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức cấp phép mà không có giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh; ngành y tế thành phố đã và đang thường xuyên kiểm tra, giám sát để xử phạt các hoạt động thẩm mỹ sai phạm, nhưng các cơ sở thẩm mỹ “chui” vẫn mọc lên khắp nơi.

Lý do là hiện nay, thẩm mỹ đang là lĩnh vực “hái” ra tiền bởi nhu cầu làm đẹp ngày càng lớn của người dân. Thực tế cũng cho thấy, nhiều cơ sở sau khi bị buộc ngừng hoạt động, ngay lập tức đổi tên, tiếp tục hoạt động. Việc quản lý các cơ sở này khó khăn, phức tạp, số tiền xử phạt thấp nên họ sẵn sàng vi phạm rồi nộp phạt và... tiếp tục hoạt động.

Theo quy định, một bác sĩ chỉ được cấp chứng chỉ hành nghề cho một chuyên ngành. Đặc biệt, phẫu thuật thẩm mỹ là lĩnh vực rất chuyên sâu, mang tính đặc thù và phải đào tạo trung bình từ 11-15 năm; đồng thời, bắt buộc hằng năm phải tham dự giờ giảng để cập nhật kiến thức mới. Tuy nhiên trên thực tế, việc quản lý chuyên môn ở những cơ sở hành nghề trong lĩnh vực này lại đang bị buông lỏng.

Để giải quyết triệt để thực trạng nêu trên, ông Thượng, cho biết thêm: Việc giám sát, kiểm tra, phát hiện và xử lý phải được chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ, nghiêm túc hơn. Công tác thanh tra, kiểm soát việc quảng cáo của các cơ sở làm đẹp cũng cần được tăng cường nhằm loại bỏ dạng quảng cáo không đúng, vượt quá phạm vi cho phép.

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các phòng y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức tiếp tục triển khai các giải pháp, kịp thời phát hiện, ngăn chặn người hành nghề và các cơ sở hành nghề làm đẹp trái phép trên địa bàn. Bên cạnh đó, Sở kiến nghị Bộ Y tế quy định chặt hơn nữa về biển hiệu của các cơ sở làm đẹp, tăng mức xử phạt để đủ sức răn đe.