Sau 14 năm chờ đợi, đoạn đường sắt trên cao từ Nhổn đến ga Cầu Giấy dài 8,5km chính thức được khai thác thương mại vào đầu tháng 8. Điều này càng có ý nghĩa khi TP Hà Nội chuẩn bị bước vào kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 / 10-10-2024).
Theo thiết kế, đoạn đường trên cao có 8 nhà ga, gồm Nhổn (S1), Minh Khai (S2), Phú Diễn (S3), Cầu Diễn (S4), Lê Đức Thọ (S5), Đại học Quốc gia Hà Nội (S6), Chùa Hà (S7), Cầu Giấy (S8). Thời gian khai thác, vận hành từ 5 giờ 30 phút đến 22 giờ hằng ngày. Theo Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), riêng trong ngày đầu tiên chính thức đưa vào khai thác thương mại đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội (ngày 8-8) đã có hơn 34.000 hành khách đi tàu. Số lượt người dân Thủ đô trải nghiệm dịch vụ đường sắt trên cao tiếp tục tăng lên theo từng ngày. Theo đó, ngày 9-8, Hanoi Metro vận hành 200 chuyến tàu, phục vụ 52.280 lượt hành khách; ngày 10-8, đơn vị vận hành 200 chuyến tàu với 66.515 lượt hành khách. Đặc biệt, ngày 11-8, vẫn chỉ với 200 chuyến tàu vận hành nhưng đã phục vụ 100.515 lượt hành khách. Đây là con số vượt mong đợi của Hanoi Metro khi mà trước đó, kỷ lục vận chuyển hành khách của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông được xác lập vào ngày 2-9-2023 cũng chỉ đạt 55.980 lượt hành khách.
Việc đưa vào vận hành thương mại đoạn trên cao của tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội được kỳ vọng sẽ góp phần giảm tải cho hệ thống giao thông Thủ đô. Xếp hàng từ sáng sớm để trải nghiệm tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn-ga Cầu Giấy, Vương Thu Ngọc, sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải hào hứng cho biết: “Tôi thuê nhà trọ tại khu vực phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội nên đoạn đường từ nhà đến trường tuy không quá xa, nhưng vì mật độ giao thông đông nên thường xuyên bị tắc đường, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Điều này gây ảnh hưởng đến việc đi lại của tôi và tạo cảm giác mỏi mệt mỗi khi lưu thông trên đường. Tôi dự định chuyển sang đi tàu điện trên cao để tránh bị tắc đường, cũng như đỡ bị ảnh hưởng bởi thời tiết lúc mưa, lúc nắng. Hơn nữa, sau khi hết thời gian miễn phí, giá vé đối với học sinh, sinh viên được ưu tiên ở mức 100.000 đồng/tháng nên tôi thấy khá phù hợp”.
Theo ông Nguyễn Đình Văn, cán bộ hưu trí đang sinh sống tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, đoạn đường sắt trên cao từ Nhổn đến Cầu Giấy sẽ giúp cho việc đi lại của người dân được thuận tiện hơn, nhanh hơn trong bối cảnh trục đường Cầu Giấy-Xuân Thủy-Hồ Tùng Mậu thường xuyên lâm vào tình trạng ùn tắc giao thông. Ông Nguyễn Đình Văn đánh giá, các đơn vị quản lý, vận hành tuyến đường sắt đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo cho ngày vận hành chính thức, nhân viên tại nhà ga cũng tận tình hướng dẫn người dân trong việc trải nghiệm các dịch vụ.
Việc đưa vào vận hành thương mại đoạn trên cao của tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội thể hiện được sự cố gắng, quyết tâm vượt qua khó khăn của chính quyền Hà Nội đối với nhiệm vụ phát triển hệ thống đường sắt đô thị văn minh, hiện đại, góp phần giảm tải cho hệ thống giao thông Thủ đô. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng, đơn vị vận hành, thi công cần tiếp tục bảo đảm, nâng cao chất lượng dịch vụ của các đoạn đường trên cao đã khai thác, cũng như đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện đoạn đi ngầm, tiến tới đưa vào khai thác toàn tuyến.
Chia sẻ về hiện trạng thi công đối với đoạn đi ngầm của tuyến đường sắt, theo ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), đoạn ngầm dài 4km từ Kim Mã đến trước cửa ga Hà Nội có 4 ga ngầm và 1 dốc hạ ngầm. Đến nay, tiến độ thi công tổng thể đạt 43%, sau khi kết thúc khoan ngầm, các robot sẽ được tháo dỡ để bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu thiết bị, hệ thống tiếp tục lắp đặt, thi công, hoàn thiện, sau đó tích hợp hệ thống đánh giá an toàn, kiểm định. Dự kiến, các hạng mục sẽ hoàn thành vào năm 2027.