Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất từ ngày 31/12/2024, hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Đây là việc làm bắt buộc để góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hướng tới mục tiêu đem lại môi trường sống trong lành, phát triển bền vững.
Tuy nhiên, để giúp người dân cũng như hộ gia đình làm quen dần với việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt hàng ngày, việc cần thiết là Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phải sớm xây dựng và ban hành hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
Liên quan đến nội dung trên, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết cơ quan này đã xây dựng dự thảo hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt, lấy ý kiến các địa phương và dự kiến sẽ ban hành hướng dẫn này ngay trong năm 2023.
Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự thảo hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt được xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm các quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Canada, Mỹ và một số tỉnh, thành phố tại Việt Nam như Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Lào Cai, Bắc Ninh…
Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt được kết cấu gồm 4 phần chính: Mục đích, phạm vi, đối tượng sử dụng; căn cứ để phân loại; hướng dẫn chi tiết phân loại và tổ chức thực hiện.
Về chi tiết phân loại chất thải rắn sinh hoạt, dự thảo hướng dẫn đưa ra 3 nhóm chính gồm: Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.
Tại mỗi nhóm chất thải có liệt kê các loại chất thải thường thấy phát sinh tại hộ gia đình, hình ảnh minh họa và kỹ thuật khi phân loại.
Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt là tài liệu tham khảo để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cụ thể việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương.
Các địa phương sẽ căn cứ vào thành phần chất thải rắn sinh hoạt, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; nội dung quản lý chất thải trong các quy hoạch cấp tỉnh và trung ương; hạ tầng kỹ thuật, công nghệ hiện có; nguồn lực tài chính của địa phương và tính toán đến nhu cầu thị trường tái chế; cân đối lợi ích chi phí giữa việc tái sử dụng, tái chế chất thải với chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý để quyết định việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt./.